Trong năm thứ 2 công bố về chỉ số Xanh (PGI) của 63 tỉnh thành, Vĩnh Phúc tụt 17 bậc, từ vị trí thứ 9 với 16,35 điểm năm 2022 xuống vị trí thứ 26 với 22,28 điểm năm 2023.
Cụ thể, trong 4 chỉ số thành phần, Vĩnh Phúc có 3 chỉ số nằm trong top 10 cả nước gồm chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 7,46 điểm, tăng 3,11 điểm. Chỉ số bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 6,07 điểm, tăng 0,56 điểm. Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt 5,48 điểm, tăng 3,46 điểm so với năm 2022.
Riêng chỉ số vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong việc thúc đẩy thực hành xanh chỉ đạt 3,28 điểm, giảm 1,2 điểm và 17 bậc so với năm 2022.
Khuôn viên xanh tại Công ty CP thép Việt Đức. Ảnh: Kim Tuyến |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân khiến PGI của Vĩnh Phúc tụt hạng là do hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm và các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam chưa được thường xuyên.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường; việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn và các dịch vụ tư vấn, đào tạo do chính quyền địa phương cung cấp để hỗ trợ hoạt động môi trường cho doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không hưởng ứng hoặc không mấy quan tâm đến các chương trình hỗ trợ của tỉnh, nhất là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu với thiên tai và tái trồng rừng.
Mặt khác, trong bối cảnh tất cả các địa phương đều chuyển động để cải thiện môi trường đầu tư, là nguyên nhân khách quan khiến chỉ số PGI của Vĩnh Phúc tụt xuống vị trí 26/63 tỉnh thành.
Để khắc phục những tồn tại trên, giữa tháng 7/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 196 về việc cải thiện, nâng cao chỉ số Xanh cấp tỉnh đến năm 2025, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện điểm số, thứ hạng các chỉ số thành phần; phấn đấu duy trì nằm trong top 10 tỉnh, thành có chỉ PGI dẫn đầu cả nước.
Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường.