Hòa Bình: Cải thiện hạ tầng giao thông kết nối các khu công nghiệp và du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mang lại diện mạo mới cho hệ thống giao thông trong tỉnh, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu công nghiệp và du lịch.

Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông

Chương trình hành động về hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII yêu cầu: Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, trọng tâm là thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế kỹ thuật; ngân sách nhà nước tập trung bố trí các công trình chuyển tiếp để hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho một số dự án lớn và làm “vốn đối ứng” để thu hút các nguồn vốn khác theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 huy động được trên 120 nghìn tỷ đồng cho đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng then chốt nhằm tạo sự phát triển đột phá về kinh tế, du lịch và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng nông thôn mới và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong đó trọng tâm là đầu tư các tuyến giao thông quan trọng tạo sự liên kết vùng, giao thông đối ngoại; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hệ thống lưới điện; hạ tầng công nghệ thông tin; dịch vụ tiện ích tín dụng, hạ tầng thương mại dịch vụ, các trung tâm du lịch; các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề trọng điểm, các cơ sở y tế chất lượng cao; nhằm thu hút các dự án phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Hòa Bình

Tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Hòa Bình

Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng như: Đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6; ĐT 433; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc; đường Hang Kia - Cun Pheo - QL6; đường nối từ QL6 với đường Chi Lăng, cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2…Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và Cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu; Dự án Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6, Dự án kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai - Hà Nội….

Tỉnh Hòa Bình chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, là yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư tạo môi trường cho phát triển công nghiệp, trong đó đã tập trung ưu tiên những dự án trọng điểm tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn. Mục tiêu hướng tới là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, liên hoàn giữa đường bộ và đường thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, liên kết vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững...

Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông các khu công nghiệp, du lịch

Tỉnh đã đầu tư xây dựng một số tuyến đường trọng điểm mang tính liên kết vùng. Hệ thống giao thông đối nội cũng được đầu tư liên hoàn tương ứng. Triển khai đầu tư, xây dựng các dự án phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra nhiều tuyến đường huyện và giao thông nông thôn cũng đã được đầu tư, nâng cấp. Công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông cũng được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10.998 km đường bộ, trong đó: Quốc lộ trên 320 km, đường tỉnh 491 km, đường đô thị, nội thị trên 340 km, đường chuyên dùng trên 17 km, đường huyện trên 655 km, đường nông thôn trên 8.980 km, trong đó tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt 65%; đối với các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%.

Song song với đó, tới nay tỉnh có 16 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích quy hoạch là 3.904,18 ha; đã có 14/38 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích là 632,64 ha, có 10 CCN triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các huyện: Lạc Sơn; Lạc Thủy; Mai Châu; Tân Lạc; Lương Sơn; Đà Bắc và thành phố Hòa Bình. Hạ tầng điện được đầu tư, tăng thêm năng lực cho hệ thống năng lượng của tỉnh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đến năm 2023 đạt 100%.

Điểm du lịch Mai Châu Hideway Lake Reort là nơi hội tụ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Điểm du lịch Mai Châu Hideway Lake Reort là nơi hội tụ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các bến, bãi đỗ xe, các điểm dừng nghỉ cho khách du lịch trên các tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình. Xây dựng, nâng cấp các bến cảng thủy nội địa vùng Hồ và các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với các khu, điểm du lịch của một số tỉnh thành trên cả nước.

Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Hòa Bình tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, lập dự án phát triển du lịch, tiêu biểu như: Dự án Cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân Golf tại thành phố Hòa Bình; Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort và Dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương tại huyện Đà Bắc; Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình; Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Dụ và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sun Set tại huyện Lương Sơn; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung; Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ và Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy…

Tỉnh Hòa Bình cũng khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tài nguyên và định hướng phát triển của tỉnh như phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao… Đã đầu tư hỗ trợ về đường đi nội bộ, bãi đỗ xe, sơ đồ tuyến điểm du lịch và cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ đào tạo tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhà dân mới kinh doanh tại một số điểm du lịch cộng đồng trên khu du lịch hồ Hoà Bình để đón tiếp khách du lịch. Nhiều người dân có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống từ tham gia kinh doanh du lịch.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.