Giờ đây, đến các xã, bản vùng cao của huyện Mường La không khó để bắt gặp nhiều ngôi nhà, trường học, trạm y tế, đường giao thông… được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Những khu đất trống đồi trọc được phủ một màu xanh của cây ăn quả.. Đó là kết quả của quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện miền núi Mường La.
Với đặc thù là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Sơn La, ban đầu huyện Mường La bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, giao thông đi lại rất vất vả, địa hình đồi núi chia cắt, cư dân sống rải rác, cơ sở hạ tầng thấp kép, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao... ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai xây dựng NTM của huyện.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch huyện Mường La cho biết: Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cấp ủy, chính quyền huyện đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện chương trình. Củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ huyện đến xã. Bám sát cơ sở, rà soát đánh giá cái được cái chưa được, tổ chức họp bàn thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Xây dựng lộ trình hướng đi phù hợp với từng xã, với quyết tâm tạo sự chuyển biến trong xây dựng NTM.
Phong trào làm đường giao thông nông thôn lan tỏa rộng khắp. |
Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vai trò, ý nghĩa của xây dựng NTM, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ người dân sản xuất…
Một những tiêu chí được huyện chú trọng đó là nâng cao thu nhập của người dân, coi đây làm điểm tựa để thúc đẩy các tiêu chí khác. Tổ chức rà soát, phân tích đánh những khó khăn, thuận lợi từng địa phương, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao, nhằm từng bước nâng cao thu nhập của người dân.
Trong đó, thay đổi thói quen, tập quán sản xuất nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, thâm canh tăng vụ. Phát triển các mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Liên kết với thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra sản phẩm thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất…
Với mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện đã thực hiện triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân về phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá trên vùng lòng hồ thủy điện, dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm nhãn, xoài, mận, bưởi, sơn tra, chanh leo… liên kết theo chuỗi giá trị. Hiện nay, toàn huyện duy trì 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh và đang dự kiến phát triển thêm 7 sản phẩm OCOP.
Đến nay, huyện Mường La có hơn 850 ha cây trồng được cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng. Trong đó, 25 mã số vùng trồng, với diện tích 633 ha xuất khẩu Trung Quốc, thị trường EU và tiêu thụ tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Với 284 lồng cá trên vùng lòng hồ thủy điện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm, sản lượng khoảng 180 tấn/năm.
Mô hình kinh tế tập thể được chú trọng, phát triển nhân rộng, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 46 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản. Điển hình như mô hình nuôi cá lồng ở xã Chiềng Lao, Mường Trai; mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc ở xã Mường Bú; sản xuất rau, củ, quả sạch ở xã Ngọc Chiến… đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Những bản làng no ấm nơi vùng cao của huyện Mường La. |
Bên cạnh đó, huyện còn khuyến khích người dân vùng cao phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 14,11%, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được nâng lên.
Ngoài ra, huyện còn triển khai nhiều chương trình, chính sach hỗ trợ nông dân làm đường giao thông nông thôn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo được sự đồng tình, thu hút đông đảo người dân tham gia đóng góp sức người, sức của. Vì vậy, hàng chục tuyến đường liên xã, liên bản đã được bê tông kiên cố, thuận lợi cho người dân đi lại giao lưu, trao đổi hàng hóa.
Từ sự chung tay của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, phong trào xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, bộ mặt nông thôn của huyện miền núi đã có nhiều đổi mới. Đến nay, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới cơ sở hạ tầng giao thông, trường, trạm được quan tâm xây dựng. Kinh tế địa phương ngày càng được củng cố phát triển đi lên, cuộc sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Lộ trình đến năm 2025, Mường La có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM.