“Ở Việt Nam, người đi vay không phải là người trả nợ, người vay thì cứ vay, người đàm phán thì cứ đàm phán. Thậm chí đã ra Luật nhưng việc phân định trách nhiệm cũng không rõ”, PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Tổ chức kiểm toán đối với việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức hôm qua tại Hà Nội.
2016: Nợ công xấp xỉ 60% GDP
Tính đến 31/12/2009, nợ công của VN chiếm 52,6% GDP, trong đó nợ Chính phủ (CP) chiếm 41,9% GDP, xấp xỉ 39 tỷ USD. Dự kiến đến cuối năm 2010, nợ CP sẽ chiếm 44,6% GDP, do điều chỉnh tăng bội chi gân sách lên trên 5% GDP (năm 2009 là 6,9% GDP, năm 2010 là 6,2% GDP).
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, mặc dù nhiều ý kiến cho rằng nợ CP vẫn nằm trong ngưỡng an toán (dưới 50% GDP) và nghĩa vụ trả nợ CP so với thu NSNN vẫn nằm trong giới hạn cho phép (15,8%/thu NSNN so với quy định 30% theo thông lệ quốc tế), tuy nhiên xu hướng gia tăng nợ công, nhất là rủi ro tỷ giá (chưa thể chấm dứt trong 10 năm tới), hơn nữa việc xác định “ngưỡng an toàn” chỉ là khái niệm tương đối, mang nặng tính thống kê, nên nợ công của VN đang là vấn đề không thể xem nhẹ.
“Khả năng nợ công của VN tăng trên 50% GDP là rất nhanh, Dự báo năm 2016 con số này sẽ xấp xỉ 60% GDP. Các chuyên gia lão luyện về nghiên cứu nợ của quốc tế cũng đã cảnh báo không khéo VN sẽ khủng hoảng tài chính xuất phát từ nợ công. Tôi có tìm cách nói nhẹ đi, nhưng quả thật trong lòng rất lo…", Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia sẻ. Đến hạn trả nợ, giải ngân vẫn chưa xong
"Tất cả mọi quốc gia đều phải vay nợ. CP đi vay để phát triển KT. Nếu một đồng vốn vay tạo ra năng suất lao động, tỷ trọng tăng trưởng GDP, tỷ trọng thu ngân sách tốt hơn thì càng vay càng có lợi. Mấu chốt vấn đề là sử dụng khoản vay như thế nào và kiểm soát các rủi ro có hiệu quả"- GS.TS. Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán Nhà nước đặt vấn đề.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, nợ công là bao nhiêu không phải là vấn đề. Điều quan trọng nhất là quản lý và sử dụng vốn vay như thế nào để đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ và phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn vay… “Ngày 19/5/2003, chúng ta vay 4.000 tỷ đồng của dân thông qua phát hành trái phiếu, lãi suất 13,8%/năm, năm 2008 đến hạn trả nợ, từ 4.000 tỷ đồng nhà nước phải trả ngót nghét 7.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm trả nợ khoản vay đó vẫn chưa giải ngân xong”- PGS.TS Đặng Văn Thanh dẫn chứng.
Cha chung không ai khóc?
“Mặc dù đã có Luật quản lý nợ công nhưng chưa hình thành một hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ và đầy đủ về quản lý nợ công. Rất nhiều vấn đề về vay nợ, trả nợ, sử dụng vốn vay chưa có quy định pháp lý, chưa có văn bản hướng dẫn để điều chỉnh…”- PGS.TS Đặng Văn Thanh nhận xét. “Những rủi ro có thể xảy ra do sự phân tán, chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ của việc thiếu một đơn vị chuyên trách thực sự làm nhiệm vụ QL và điều phối”- Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam lưu ý.
Cũng theo ông Thanh, quản lý nợ không tập trung dẫn đến thiếu nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện và kịp thời để giám sát tổng thể rủi ro tài khóa từ hoạt động vay nợ của CP và khu vực công; để hoạch định các chính sách/chiến lược nợ hiệu quả với chi phí và rủi ro thấp nhất có thể.
Mặc dù Luật QL Nợ công mới được thực hiện trong năm 2010 song khá nhiều ý kiến cho rằng cần phải bổ sung, sửa đổi, trong đó quy định rõ cơ quan chuyên trách cũng quy định õ trách nhiệm của cả cá nhân người đứng đầu các cơ quan có liên quan…
Thanh Lan