Sáng qua, Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước QH và Cử tri, nhân dân cả nước Báo cáo Công tác nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bản báo cáo được đánh giá là đã phân tích, đánh giá những mặt làm được, những hạn chế, yếu kém, nêu lên các nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung liên quan đến hiệu quả, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong hoạt động của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ qua.
Đồng thời, cần làm rõ các giải pháp tích cực để tiếp tục phát huy những mặt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Chính phủ để Chính phủ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Ủy ban pháp luật nhận định: Báo cáo là sự tổng kết, đánh giá kết quả công tác nhiệm kỳ trước làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình, kế hoạch cho nhiệm kỳ sau. Do đó, trong Báo cáo của Chính phủ cũng cần nêu rõ định hướng, nhu cầu và khả năng đáp ứng của công tác xây dựng thể chế trong 5 năm tới, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XII, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia và sẽ ký kết tham gia trong giai đoạn tới.
Báo cáo cần bổ sung những đánh giá khái quát việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội (cả Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và một số nghị quyết chuyên đề); nêu lên những mặt được, chưa được, nguyên nhân và trách nhiệm.
Đặc biệt, UBPLQH đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về vấn đề nợ công; nguyên nhân và trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp; vấn đề tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…
Đồng thời, cần phân tích rõ hơn những yếu tố cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, những bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình tái cơ cấu vừa qua, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.
Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là kết quả tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; kết quả thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, nhất là Chương trình xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống tội phạm, y tế sức khỏe, an toàn giao thông, giải quyết việc làm, lao động và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, Báo cáo cần nêu lên được việc cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp năm 2013 trong việc tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; kết quả thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, làm rõ thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng như định hướng phát triển của nguồn nhân lực trong 5 năm vừa qua, khả năng đáp ứng, năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời gian tới.
UBPLQH cũng để nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm rõ nguyên nhân kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân chậm được khắc phục; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước chưa đồng bộ, thống nhất và thực sự thông suốt, bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng, chưa phù hợp với cơ chế thị trường;
Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, theo UBPLQH, Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục.
Từ nhận định này, đề nghị trong Báo cáo cần thể hiện rõ hơn nội dung này với sự phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục.
Trước đó, thẩm định Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBNPLQH đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ. Cùng với Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Báo cáo của Chính phủ đã nhận định, phân tích đầy đủ tình hình bối cảnh, điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước ta trong giai đoạn 5 năm nhiệm kỳ 2011-2016.
Mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng tạo nên bước phát triển đáng ghi nhận trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.