Diện tích TP tăng gần 4 lần
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng TP Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế.
Hiện diện tích của TP Huế là 70,67km2, dân số 354.124 người. Sau khi điều chỉnh địa giới để mở rộng TP và sắp xếp, thành lập các phường, TP sẽ có 265,99km2 diện tích tự nhiên (tăng 3,76 lần), dân số 652.572 người (tăng 1,8 lần).
Toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai xã (Thủy Vân, Thủy Bằng) thuộc TX Hương Thủy; 2 phường (Hương Hồ, Hương An) và 4 xã (Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương) thuộc TX Hương Trà; 4 xã (Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh) và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang sẽ về TP Huế.
Sau khi điều chỉnh mở rộng, TP Huế sẽ sắp xếp 9/27 phường. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp để thành lập một phường mới lấy tên là phường Gia Hội; hai phường Phú Bình và Thuận Lộc nhập thành phường mới Thuận Lộc; hai phường Phú Hòa và Thuận Thành có tên mới là Đông Ba.
TP sẽ điều chỉnh 0,46km2 diện tích tự nhiên và hơn 7.500 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,8km2 diện tích tự nhiên và hơn 4.900 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới và không làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Bộ Nội vụ, việc mở rộng TP Huế cũng là một bước cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649 ngày 6/5/2014. |
Lý giải nguyên nhân cần thiết phải điều chỉnh mở rộng TP Huế, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, đây là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhưng hiện nay có quy mô diện tích quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị. Bên cạnh đó, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định.
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP vẫn còn một số phường có diện tích khá nhỏ (dưới 50% tiêu chuẩn); không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn trong việc lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng. Đồng thời, nguồn lực cho phát triển bị phân tán, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Huế sẽ là hạt nhân trung tâm đô thị
Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thiên Định (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế).
Theo ông Định, việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Huế là tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, người dân Thừa Thiên - Huế nói chung, TP Huế nói riêng qua nhiều nhiệm kỳ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Huế có điều kiện thực hiện tốt sứ mệnh gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi mà tổ tiên đã để lại; song song với việc thực hiện sứ mệnh của một đô thị động lực trung tâm; là trung tâm hành chính, tri thức, công nghệ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, có nhiệm vụ tạo ra những cơ sở nền tảng để thúc đẩy kinh tế toàn tỉnh phát triển.
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế. |
Huế hướng đến là TP sáng tạo, trù phú, yên bình, phát triển, hạnh phúc là “hạt nhân” trung tâm của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường. Hướng tới phát triển TP Huế là một TP di sản với tư cách “TP Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”.
“Việc Quốc hội thông qua chủ trương mở rộng địa giới hành chính đã tạo ra cảm xúc hân hoan, hạnh phúc vỡ òa trong mỗi người dân cũng như cá nhân tôi. Trong sự xúc động đó, bản thân tôi cũng như tất cả các lãnh đạo tỉnh, TP Huế ý thức rất rõ trách nhiệm cao cả và những khó khăn, thách thức đang đón chờ phía trước. Mở rộng địa giới chỉ là cái bắt đầu. Phải làm sao để bảo vệ được TP Huế như là một đô thị di sản mẫu mực, nơi chứa đựng đầy đủ nhất những “hồn cốt” văn hóa Huế, Việt Nam; nhưng cũng phải làm cho Huế phát triển thành một trung tâm tri thức, công nghệ làm động lực cho tỉnh phát triển mạnh mẽ về kinh tế, trở thành TP trực thuộc Trung ương theo định hướng đã được nêu tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; mới là điều cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới”, ông Định nói.
Thời gian tới TP sẽ bắt ngay vào việc kiện toàn, ổn định bộ máy, tổ chức; cùng với các sở, ban ngành liên quan xây dựng Nghị quyết về phát triển đô thị Huế trong tình hình mới cũng như rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động để hướng đến thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã nêu.
Ông Định chia sẻ: “Qua Báo PLVN, thay mặt cho lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP Huế tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến sự ủng hộ, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành; lãnh đạo và nhân dân TX Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang; các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tạo điều kiện cho TP Huế có một cơ hội để phát triển đột phá trong tương lai”.
Đô thị có đủ đồng bằng, biển, đầm phá, núi
Huế là một trong những TP có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời nhất của Việt Nam. Thời gian gần đây, TP đang quyết liệt, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, văn hóa, nghề truyền thống Huế… Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch cũng chỉ đạo quyết liệt. Diện mạo đô thị Huế ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh. Hướng tới phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Huế theo hướng mở rộng nhận được sự quan tâm, đồng tình cao của dư luận, nắm bắt cơ hội đưa Huế phát triển mạnh mẽ.
Ông Dương Tuấn Anh (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh) cho biết: “Nhìn vào thực trạng của TP, chúng ta thấy rõ, phía bờ Nam sông Hương cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển tốt và hiện đại hơn bờ Bắc. Nhìn chung, sự phát triển đô thị tại TP Huế vẫn còn chậm so với nhiều đô thị khác trong cả nước. Mật độ dân số toàn đô thị trong TP cao, nhưng hạ tầng xã hội khu vực trung tâm chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay”.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh để mở rộng TP Huế theo trục kéo dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Hương, như vậy, ngoài phát huy thế mạnh về các di sản, di tích thu hút du khách, TP còn phát huy được thế mạnh về dịch vụ - du lịch, dịch vụ sinh thái, du lịch biển”.
“TP được mở rộng, tôi phấn khởi, các DN trên địa bàn chắc cũng như vậy. Mong rằng Trung ương, tỉnh sẽ có nhiều cơ chế tốt để cùng đồng hành với doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Tuấn Anh nói.
Anh Phan Văn Vinh (41 tuổi, ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) Nói: “Nơi tôi đang sinh sống là vùng biển sẽ lên phường thuộc TP; ngoài bộ mặt nông thôn mới thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân cũng sẽ được nâng lên đáng kể”.
Khi mở rộng, không gian đô thị Huế không chỉ có di sản hiện có mà Huế còn trở thành đô thị có đủ địa hình đồng bằng, biển, đầm phá và cả vùng núi.
Xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà là vùng núi thượng nguồn sông Hương. Người dân nơi đây khi nghe tin xã mình sẽ thành phường trong thời gian không xa nữa, ai nấy đều phấn khởi. Ông Lê Ngọc Đoàn (75 tuổi) mừng rỡ nói: “Sắp tới, vợ chồng, con cháu tôi sẽ là người TP. Xã tôi có thể là “gánh nặng” cho TP nhưng mong rằng nơi đây sẽ đặc biệt được quan tâm từ đường sá, điện nước đến tinh thần. Chỉ mong sao xã sớm lên được phường để bộ mặt đô thị ngày càng đẹp, khang trang hơn”.