Những tuyệt phẩm chạm tới trái tim người Việt

Ca sĩ Hoàng Tùng thể hiện ca khúc trong đêm nhạc Đỗ Hòa An- tôn vinh nhạc sĩ sở hữu hàng trăm ca khúc về Quảng Ninh. (Ảnh Huy Đào)
Ca sĩ Hoàng Tùng thể hiện ca khúc trong đêm nhạc Đỗ Hòa An- tôn vinh nhạc sĩ sở hữu hàng trăm ca khúc về Quảng Ninh. (Ảnh Huy Đào)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quảng Ninh được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ địa hình từ núi non, hải đảo, đồng bằng, trung du và biên giới, và sở hữu 632 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là Di sản thế giới UNESCO Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long… Có lẽ, đó chính là nguồn cảm hứng giúp cho những nhạc sĩ sáng tác ra nhiều tuyệt phẩm hay về thiên nhiên, văn hóa, con người, vùng mỏ nơi đây.

Giữa tầng than bụi bặm là hình ảnh vì sao đêm lấp lánh

Quảng Ninh là vùng đất tạo cảm hứng sáng tác cho rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi như: Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Hoàng Hiệp, Hoàng Vân, Đỗ Hòa An, Lê Nguyên Thêm, Lê Đăng Vệ, Lê Chí Phúc, Trần Cường, Thế Bảo, Trần Chung, Tân Huyền, Trọng Bằng, Xuân Giao, Chu Minh, Đức Minh... Đề tài về biển đảo, vùng đất mỏ và danh lam, thắng cảnh… là dòng suối mát không bao giờ vơi cạn khiến các nhạc sĩ gửi gắm niềm đam mê của mình trong từng ca khúc. Có thể nói, than và biển tạo nên một bức tranh âm nhạc Quảng Ninh riêng biệt và đầy màu sắc.

Hàng triệu người yêu nhạc Việt đều biết tới các tuyệt phẩm thắp lửa lòng nhiệt huyết và yêu quê hương thiết tha: “Bài ca công nhân vùng mỏ” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; nhạc sĩ Hoàng Vân với “Tôi là người thợ lò”, “Tình ca người thợ mỏ”; nhạc sĩ Phạm Tuyên với “Những ngôi sao ca đêm”; “Bài ca thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp; “Nhịp máy khoan” của nhạc sĩ Trọng Bằng; “Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh” của nhạc sĩ Chu Minh; “Đất mỏ anh hùng” của nhạc sĩ Xuân Giao; “Cờ Đảng bay trên núi Bài Thơ” của nhạc sĩ Thế Bảo; “Hạ Long biển nhớ” và “Quê em” của nhạc sĩ Đỗ Hòa An; “Những người lái xe trên tầng” của nhạc sĩ Thành Long; “Mái đình làng biển” của nhạc sĩ Nguyễn Cường; nhạc sĩ Xuân Nhật với “Huyền thoại Hạ Long”, “Xa Hạ Long”; nhạc sĩ Lê Đăng Vệ có “Đêm trăng Hạ Long”; nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm với “Khúc cha cha cha người thợ mỏ”, “Hạ Long thu sang”…

Những tuyệt phẩm ấy với lời ca bay bổng, lãng mạn nhưng không kém phần khí thế toát lên tinh thần tươi vui, lạc quan, tự hào, đầy ắp sự cống hiến góp phần kiến tạo quê hương, đất nước thêm tươi đẹp.

Các bài hát cũng thể hiện sự trân quý đối với những người làm mỏ. Khi giai điệu của bài hát cất lên người nghe cảm nhận sự tự hào và kiêu hãnh của những người làm mỏ trong sản xuất. Công việc gian khó, nguy hiểm dưới lòng đất, nhưng thợ lò chưa bao giờ lùi bước. Họ vẫn kiên cường bám trụ trước mỗi gương than, đường lò. Giữa những tầng than bụi bặm ấy là hình ảnh vì sao đêm lấp lánh, ánh trăng hiền hòa. Đó sự lãng mạn của người thợ mỏ khi tận hưởng những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên.

Hình ảnh người thợ mỏ đã đi vào những tuyệt phẩm hay của Quảng Ninh. (Ảnh Hoàng Yến)
Hình ảnh người thợ mỏ đã đi vào những tuyệt phẩm hay của Quảng Ninh. (Ảnh Hoàng Yến)

“Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương…”

“Tôi là người thợ lò’ là ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông sáng tác vào năm 1964 khi lần đầu tiên máy bay của quân đội Hoa Kỳ oanh tạc thị xã Hòn Gai và Vịnh Hạ Long. Sự dung dị, mộc mạc trong ca từ đã khắc họa chân thực và đậm nét hình ảnh người thợ lò. Người nghe cũng dễ dàng cảm nhận hình ảnh người thợ lò trong mỗi ca sản xuất rất gần với hình ảnh người lính khi ra trận: “Tiếng máy reo hay tiếng bước đoàn thợ mỏ tiến quân? Kìa, tiếng búa khoan reo như tiếng trống trận. Kìa! Nghe tiếng mìn nổ như tiếng súng công đồn”. Dưới môi trường làm việc hầm lò với bộn bề tiếng máy, tiếng khoan, họ vẫn nghe rõ những âm thanh tươi đẹp của cuộc sống: “Dưới hầm lò mà nghe rõ làm sao/Tiếng chim hót trên cánh đồng lúa chín/Tiếng trẻ thơ cắp sách đến trường làng/Tiếng còi tàu sớm mai rộn ràng/Trong tiếng máy giục ăn than...”.

Trong một chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh, chỉ trong khoảng thời gian 15 phút tham quan ngôi đình ở vùng biên giới Móng Cái, nhạc sĩ Nguyễn Cường bị hút hồn vẻ đẹp hiếm hoi của ngôi đình nơi đây. Ông thấy rằng ngôi đình đầy thiêng liêng, giống như cột mốc văn hóa biên giới giữa Việt Nam và nước bạn. Cảm xúc tuôn trào, những lời ca, âm hưởng xâm lấn tâm trí ông. Và “Mái đình làng biển” ra đời lập tức lan tỏa tới hàng triệu người yêu nhạc.

Có một ca khúc rất đặc biệt, có sức sống suốt hơn nửa thế kỷ qua là ca khúc “Em yêu đất mỏ quê em” của nhạc sĩ Bùi Đức Huyên. Ca khúc sáng tác năm 1963 gắn với giọng ca thời niên thiếu của cố NSND Lê Dung cùng với giọng ca của Bích Ngọc, đã được thu thanh và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy. Nhạc sĩ Bùi Đức Huyên từng tâm sự với truyền thông, ông về vùng mỏ khi ấy từ tiếng gọi nhiệt huyết, hoài bão tuổi trẻ. Khi lần đầu tiên về với vùng đất mỏ, nhạc sĩ đã có những cảm xúc vô cùng mới mẻ. Đi từ bến phà qua chùa Long Tiên, hình ảnh vách núi chơi vơi cùng với lá cờ đỏ tung bay đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với ông. Giữa sự vắng vẻ của địa hình, chông chênh của đồi núi lại có sự ồn ào của ngành than, sự phát triển mạnh mẽ của nhà máy điện, sự hối hả của đường tàu hỏa... Tất cả đã tạo cảm hứng để ông viết lên ca khúc này.

Trong gia tài về âm nhạc với vài trăm ca khúc của Đỗ Hòa An, có nhiều ca khúc viết về những người thợ vùng than. Thời còn sung sức, ông đi thực tế và trải nghiệm nhiều nơi. Bởi vậy, có lẽ nhạc sĩ Đỗ Hòa An có phần nào hiểu sâu hơn về cuộc sống và tâm tư, tình cảm của những người thợ trong gian khó và vinh quang.

Ca khúc nổi tiếng “Biển hát chiều nay” được nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác ca trong một chuyến đi thực tế dài ngày dọc các vùng biển từ Quảng Ninh tới Cà Mau những năm 1979 - 1980. Khi biển trở thành một phần máu thịt, luôn ở trong tiềm thức sáng tác của ông. Chỉ trong 20 phút, nhạc sĩ Hồng Đăng đã “vẽ” lên bức tranh biển tuyệt đẹp, đầy thanh âm, màu sắc. Biển hiện lên với màu xanh thăm thẳm có sóng, gió rì rào, có nắng ngọt ngào, chân trời xa với mây trắng bồng bềnh điểm những cánh chim hải âu… Đặc biệt, ông gửi gắm trong đó triết lý về sợi dây liên hệ giữa biển và con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đầy thiêng liêng. “Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương” là lời nhắc mỗi người hãy xích lại gần nhau, yêu thương nhau, đồng lòng gìn giữ hòa bình cho đất nước” - nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ.

Nhạc sĩ Phạm Khải giành nhiều giải thưởng âm nhạc khi sáng tác các ca khúc về Quảng Ninh. (Ảnh NVCC)
Nhạc sĩ Phạm Khải giành nhiều giải thưởng âm nhạc khi sáng tác các ca khúc về Quảng Ninh. (Ảnh NVCC)

Trong thời gian sống làm việc tại Quảng Ninh, vẻ đẹp ở mảnh đất này đã hút hồn nhạc sĩ quê Hải Dương. Nhạc sĩ Phạm Khải đã viết hơn 10 ca khúc viết về Quảng Ninh. Có thể kể đến như các ca khúc “Chiều Cô Tô”, “Mùa hoa sở”, “Yên Tử cõi thiêng”… “Yên Tử cõi thiêng” đã đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trần Nhân Tông thành phố Uông Bí lần thứ nhất (2011 - 2018).

Trong các ca khúc ấy, nhạc sĩ Phạm Khải tâm đắc nhất là ca khúc “Chiều Cô Tô”. Tác phẩm được nhiều người yêu thích và đạt giải Khuyến khích tại “Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long lần thứ IX, giai đoạn 2016 - 2020”. Nhạc sĩ Phạm Khải với tác phẩm "Biên cương mùa hoa trẩu" đạt giải A tại Liên hoan âm nhạc toàn quốc năm 2022.

Nhạc sĩ Phạm Khải tâm sự: “Mùa hè 2018, tôi có chuyến công tác tại Cô Tô. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến huyện đảo Cô Tô. Tôi được các bạn đưa đi vòng quanh đảo. Tôi đã thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của biển trời nơi đây. Những bãi cát trắng tinh, trải dài; nước biển xanh và trong vắt; vẻ đẹp kỳ vĩ của bãi đã Cầu Mỵ (nay là bãi đá Móng Rồng) đã làm tôi đắm say và yêu Cô Tô đến vô cùng. Chiều chiều, khi kết thúc những buổi làm việc, tôi lại chân trần lang thang trên những bãi cát mịn mềm; đi trên con đường Tình yêu với hàng thông reo vi vút đầy sự lãng mạn. Tôi thầm ước, có lẽ cũng giống như ước mơ của bất kỳ ai khi đến với Cô Tô là ít nhất một lần, được cùng những người thương yêu nhất của mình đến đây tận hưởng sự lãng mạn mà thiên nhiên đã dành tặng cho Cô Tô, để thêm yêu quê hương, đất nước mình. Và ca khúc “Chiều Cô Tô” đã ra đời như thế!”.

Có thể nói, các nhạc sĩ luôn dành một tình cảm thiêng liêng dành tặng Quảng Ninh bằng sự rung động từ trái tim mình. Những khúc tráng ca trữ tình ngợi ca vẻ đẹp, tình yêu quê hương, đất nước đã khiến người nghe xúc động mạnh, trào dâng tình yêu, tự hào về mảnh đất “Việt Nam thu nhỏ” tươi đẹp và anh dũng này.

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.