Đình Nghiêm Xá thờ 13 vị tiên hiền
Hiếm có ngôi đình nào thờ nhiều thành hoàng làng đều là những người đỗ đạt cao trong các kỳ thi khoa bảng như đình làng Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Làng Nghiêm Xá, tên nôm là Kẻ Ngườm, là một làng cổ gần sông Nhuệ, từ xưa đã nổi tiếng hiếu học. Theo các cụ cao niên trong làng, đình Nghiêm Xá được xây dựng năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2, tức năm 1677, đời Vua Lê Hy Tông.
Đình là nơi thờ 13 vị tiên hiền, gồm Khổng Tử và 12 vị từng đỗ đại khoa trong các kỳ thi khoa bảng. Đó là Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Lộc, Đệ nhị Hoàng giáp Ngô Ước, Nhập nội hành khiển Nguyễn tướng công, Hiến sát sứ Ngô Thống, Nhập nội hành khiển Dương tướng công, Đô ngự sử Ngô Hoán, Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Hạp, Hiến sát sứ Nguyễn Hữu Tác, Công bộ tả thị lang Bùi Văn Khụy (Huy), Hàn lâm tham chính Ngô Thầm, Hoàng giáp Nguyễn Trạng.
Trong số các vị trên, nhiều người không xuất thân từ làng Nghiêm Xá nhưng vẫn được dân làng thờ phụng. Điều này chứng tỏ sự coi trọng việc học, tôn trọng nhân tài của người dân Nghiêm Xá.
Đình Nghiêm Xá được xây dựng bề thế gồm 5 gian 2 dĩ, quay về hướng tây, bên phải là chùa làng, phía trước là ao sen. Khởi thủy, kiến trúc đình Nghiêm Xá được xây dựng theo kiểu chữ Nhất, vào thời nhà Nguyễn được xây thêm hậu cung. Tòa đại bái có 4 hàng chân gỗ, hai loại vì kèo giá chiêng và kẻ suốt. Các vì kèo kẻ suốt ở hai đầu hồi có câu đầu nối 2 cột cái. Chính giữa bờ nóc đắp nổi viên minh châu, bờ dải hình lưỡi liềm, bốn góc đầu đao cong vút, mái lợp ngói vảy cá. Đình có 3 lối vào cùng hệ thống cửa bức bàn gỗ lim chắc chắn.
Về điêu khắc, các bức cuốn cổ xưa còn khá nguyên vẹn. Nghệ nhân xưa đã chạm nổi các tích “Độc long” – một con rồng miệng loe, mắt lồi, tai dơi, râu tóc hình tia lửa, đao mác. “Cá hóa rồng” là bức chạm sinh động; đầu rồng nhưng đuôi vẫn là đuôi cá, lại có cả những bức rồng đang bắt sóc; tay rồng có đủ các ngón, chộp một chú sóc con, ba, bốn chú sóc khác phải ngấp nghé đứng nhìn ái ngại. Độc đáo nữa là bức chạm nổi “Lưỡng long tranh châu”. Nghệ nhân xưa chạm nổi hai con rồng tranh nhau một viên ngọc nhưng một con vật thứ ba xuất hiện: một con sóc cũng nhảy ra cùng “nói chuyện” với các “đấng tối thượng” các yếu tố hoa văn truyền thống, cung đình và văn hóa dân gian đan xen đến mức tuyệt mỹ. Đó cũng là sự biểu hiện, sự phản ánh trung thực đời sống tư tưởng và tình cảm của người lao động hồi thế kỷ XVII – lúc chính quyền thống trị đang bị sa sút, văn hóa nghệ thuật dân gian với sức sống mãnh liệt độc đáo, khôi phục nền văn hóa dân tộc bước vào giai đoạn phát triển mới.
Với những giá trị di sản độc đáo, đình Nghiêm Xá đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.
Đình Lại thờ Tiến sĩ Vũ Loan
Đình Lại xã Vĩnh Hưng, Bình Giang (Hải Dương) thờ Tiến sĩ Vũ Loan tọa lạc trên một khuôn viên cao ráo, thoáng rộng ngay đầu thôn, bên phải là dòng sông Kẻ Sặt, bên trái là xóm làng đông vui quần tụ. Văn bia tại địa phương ghi nhận đình Lại khởi dựng trước năm Khánh Đức 4 (1652). Đến thời Nguyễn, đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo khang trang. Đình thờ ba vị thành hoàng làng, trong đó có một vị tiến sĩ người địa phương là Vũ Loan, được tặng phong Quang ý trung đẳng thần.
Theo sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, Vũ Loan đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487). Làm quan tới chức Đông các đại học sĩ. Đông các là một trong những tên gọi của Nội các Đại học sĩ thời Minh Thanh như Hoa cái điện (sau đổi thành Trung Cực điện), Văn Hoa điện, Vũ Anh điện, Cẩn Thân điện (sau đổi thành Kiến Cực điện), Văn Uyên các và Đông các. Khi Vua Lê Thánh Tông định quan chế, cho đặt chức Học sĩ ở các điện, đồng thời cũng đặt chức Đông các đại học sĩ, dưới có Đông các học sĩ. Chức vụ của Đông các là phàm các bài chế, biểu, thơ, ca, văn thư đều phụng mệnh sửa chữa, cũng là bầu cử ở triều đường chưa được hợp, đều làm tờ trình lên.
Do có công lao với dân, với nước, Tiến sĩ Vũ Loan được triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909) sắc phong “Đoan túc dực bảo trung hưng Lê triều tiến sĩ hiệu thảo võ phủ quân Loan chi thần”; niên hiệu Khải Định 9 (1924), sắc phong Quang ý trung đẳng thần và cho phép bản xã phụng sự thờ tự. Hai đạo sắc phong này hiện lưu giữ tại đình Lại.
Ngôi đình tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, mặt tiền quay hướng tây, phía trước là ao đình tạo cảnh quan, đồng thời cũng là nơi lưu thủy tụ phúc theo quan niệm dân gian. Qua ao có một gò đất nổi cao giống như hình một cái bảng ẩn dưới tán lá của cây đa cổ thụ với ý nghĩa mong muốn cho sự học hành của con em trong làng thành đạt, được ghi tên vào bảng vàng. Từ đó, dân làng có cuộc sống yên ổn, làm ăn phát đạt, con cháu học hành tấn tới. Di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Hệ thống cột cái, cột quân, vì kèo bằng gỗ lim chắc khỏe. Các bức chạm khắc theo đề tài lá lật, lá hóa long và độc long tập trung tại dãy bảy hiên và xà nách, con rường tòa đại bái. Phía trước đình có hai dãy giải vũ, mỗi dãy ba gian, cột vì kèo bằng gỗ. Cả hai tòa nhà này đều không có hệ thống cửa, trong đó một dãy đựng đồ thờ như kiệu bát cống, long đình... phục vụ cho những ngày đình đám. Phía sau hậu cung có một cây quéo cổ thụ, tán xòe rộng.
Năm 1947, làng Lại bị thực dân Pháp chiếm đóng và càn quét dữ dội, do phong trào cách mạng địa phương phát triển mạnh. Thời gian này, sau khi do thám biết đình Lại là địa điểm đóng quân, luyện tập và họp bàn các phương án đánh giặc của cán bộ Việt Minh, bộ đội huyện và dân quân du kích địa phương, thực dân Pháp đã đốt cháy hoàn toàn ngôi đình. Nhân dân địa phương đã bí mật khéo léo vận chuyển được một số đồ thờ tự như bia ký, sắc phong... của đình ra nghè Lại.
Từ năm 1960 - 2016, khuôn viên di tích được sử dụng phát triển vườn cây ăn quả. Năm 2018, với sự ủng hộ của chính quyền, nhân dân địa phương đã huy động mọi nguồn lực, đóng góp công của khôi phục đình Lại trên nền xưa, hướng cũ theo lối kiến trúc cổ với kinh phí gần 2 tỷ đồng, là công trình văn hóa tâm linh có giá trị, thể hiện tấm lòng thành kính của dân làng đối với các vị thành hoàng có công với dân, với nước. Cũng trong năm này, dân làng rước sắc phong từ nghè Lại về thờ tại đình, đồng thời mua sắm một số đồ thờ mới làm phong phú cho nội thất thờ tự.
Hằng năm, vào ngày 14-15 tháng giêng (âm lịch), chính quyền và nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn của Tiến sĩ Vũ Loan. Trong lễ hội, phần lễ có rước long đình từ đình ra nghè Lại (cách đình 400m về hướng tây). Phần hội có tổ chức hát chèo, cờ người, kéo co...
Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí
Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí ngự tại xóm Chợ, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên. Bằng các căn cứ khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã xác định quê hương của Tiến sĩ Đàm Chí ngày nay thuộc xã Quyết Thắng (xưa là làng Sa Kệ) thành phố Thái Nguyên. Đàm Chí là 1 trong 9 vị Tiến sĩ đỗ đại khoa của tỉnh Thái Nguyên.
Để bảo tồn và gìn giữ di tích mộ Tiến sĩ Đàm Chí, năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí. Sau khi làm đủ các thủ tục và chuẩn bị kinh phí để xây dựng ngôi đền, Ủy ban nhân dân xã Phúc Trìu và nhân dân địa phương cùng dòng họ Đàm trong nước đã hợp sức công đức xây dựng thành công ngôi đền thờ.
Đình Lại thờ Tiến sĩ Vũ Loan. |
Đền thờ có quy mô khá lớn được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền, toàn bộ ngôi đền được làm bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ. Mặt đền hướng về phía đông ngoảnh ra đường liên xã, có kiến trúc 3 gian 2 dĩ, 4 đầu đao cong vút. Trước mặt đền có sân rộng để tổ chức các lễ hội truyền thống.
Truyền thống khoa bảng của cha ông là tiền đề quan trọng để con cháu ngày nay phát huy tinh thần khuyến học, khuyến tài một cách mạnh mẽ. Theo thông lệ, mỗi năm tại các ngôi đình, lễ tuyên dương, phát thưởng cho con cháu đỗ đạt, có thành tích cao trong học tập được tổ chức trang nghiêm. Đó là sự động viên tinh thần lớn lao để các cháu tiếp tục nỗ lực giành nhiều thành tích hơn nữa trong trong học tập và rèn luyện, trở thành người con có ích cho dòng tộc, cho đất nước.