Lúa: gieo trồng ít, tăng trưởng cao
Trong năm 2021, gần một nửa thời gian dịch COVID-19 tác động sâu rộng lên toàn ngành Nông nghiệp, gây đứt gãy chuỗi sản xuất, dịch vụ, xuất khẩu (XK)… Từ tháng 5-7/2021 dịch lan rộng tại nhiều tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các “vựa” nông sản như: Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên… Chưa đầy 3 tháng sau, dịch lại lan rộng tại các tỉnh phía Nam với diễn biến phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, khiến 19 tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải giãn cách xã hội.
Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến, XK… gần như bị “đóng băng” do giãn cách xã hội, một số nhà máy sản xuất “3 tại chỗ” cũng chỉ đáp ứng được 30-50 công suất. Nguy cơ nhiều đơn hàng bị hủy bỏ, một số khách hàng tiềm năng có xu hướng chuyển hướng thị trường…
Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại 58/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trên 230 nghìn con lợn bị dịch và phải tiêu hủy; cúm gia cầm chủng virus độc lực cao H5N8 xuất hiện tại nhiều tỉnh như Cao Bằng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi với gần 40.000 con gia cầm phải tiêu hủy…
Năm 2021, biến đổi khi hậu với nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm: Bão lụt, lũ quét, sạt lở đất, xâm nhập mặn, hạn hán… liên tiếp xảy ra. “Chưa bao giờ ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như trong năm 2021”, Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) chia sẻ.
Cũng theo ông Việt, năm 2021, sản lượng lúa tăng trưởng khoảng 800.000 tấn so với năm 2020, trong khi diện tích gieo trồng giảm. Ở lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn lợn tăng khoảng 3,6%; tổng đàn gà tăng 2,5 đến 3% so với năm 2020. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tăng khoảng 3% so với năm 2020.
Những lĩnh vực thu tỷ USD
Thống kê sơ bộ của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2021, các mặt hàng XK nông, lâm, thủy sản đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng, đặc biệt là các mặt hàng trị giá XK trên 2 tỷ USD như: Gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, cao su, rau quả, gạo, cà phê…
Vẫn giữ vị trí quán quân trong các mặt hàng XK nông, lâm, thủy sản, năm 2021, tổng giá trị kim ngạch XK gỗ ước đạt 15,6 tỷ USD, so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (14 tỷ USD). Ngành gỗ đã “về đích” một cách ngoại mục khi vượt chỉ tiêu kế hoạch 1,6 tỷ USD.
Đây là thắng lợi to lớn khi 3 tháng ròng (tháng 7, 8, 9/2021) các địa phương được coi là “thủ phủ” chế biến gỗ của Việt Nam là Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, TP HCM “chìm” trong COVID-19, hầu hết các nhà máy, phân xưởng phải đóng cửa, những nhà máy mở cửa sản xuất theo “3 tại chỗ” cũng chỉ đạt công suất từ 30-50%.
Tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả năm 2021 và bàn giải pháp đạt mục tiêu XK gỗ và lâm sản cho năm 2022 mới đây, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho biết, đặc biệt, trong năm 2021, trị giá XK một số sản phẩm tăng cao như: Dăm gỗ tăng 18,4%, viên nén gỗ tăng 17,4%.
Giá trị XK gỗ, lâm sản vào một số thị trường truyền thống giữ mức tăng trưởng cao. Trong đó, thị trường Trung Quốc: 23,7%; Hoa Kỳ: 21,4%; EU: 14,4%; Nhật Bản: 6,7%; Hàn Quốc: 5,7%... Đây là cơ sở để ngành này đưa ra mục tiêu kim ngạch XK năm 2022 đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên, tăng 5,7% so với năm 2021.
Với vị trí “á quân”, ngành Thủy sản được dự báo cũng sẽ mang về 8,7 tỷ USD kim ngạch XK trong năm 2021. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, XK thủy sản tháng 11//2021 đạt 875 triệu USD và tháng 12 nếu đạt trên 800 triệu USD thì ngưỡng 8,7 tỷ USD XK là hoàn toàn đạt được, vượt mục tiêu 8,5 tỷ USD đã đề ra.
“Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, một số cảng cá phải đóng đến 2-3 tháng, thì đây là một sự cố gắng rất lớn. Kết quả này đã góp phần vào hoàn thành chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp năm 2021, là ngành đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về nông nghiệp”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Được biết, trong các giải pháp để tiếp tục tăng trưởng XK, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo thị trường để tổ chức triển khai các hoạt động về xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất và phát triển thị trường nông sản; đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản; phân tích, dự báo thị trường nông sản…