Đổi mới tổ chức Đảng
Năm 2021là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Việc ban hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng ngày càng bám sát thực tiễn, phát huy dân chủ. Trong lãnh đạo, điều hành luôn giữ vững nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và quy chế làm việc của Tỉnh ủy, mở rộng dân chủ, tăng cường thảo luận đi đến thống nhất, tập trung và quyết định.
Đáng chú ý, trong năm qua, tỉnh đã kiện toàn chức danh lãnh đạo trong các tổ chức của hệ thống chính trị; sửa đổi để ban hành Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; quy định thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp được phát huy.
Tỉnh cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt, đồng thời phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng phê duyệt 31 đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của 22 sở, ngành và 9 huyện, thành phố; ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp mới đây giữa HĐND tỉnh và Thường trực Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - đã đánh giá cao và biểu dương những kết quả tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong năm 2021.
Năm 2021, Vĩnh Phúc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng |
“Tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ kịp thời cho người dân, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, giải quyết việc làm cho người lao động; giữ vững địa bàn an toàn, điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục đổi mới về phương thức hoạt động; bảo đảm chất lượng, tính khả thi các nghị quyết được thông qua tại các kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để phát huy hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá.
Bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả
Trong năm 2021, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thảo luận, biểu quyết thông qua 51 nghị quyết, trong đó có 12 nghị quyết quy phạm pháp luật. Qua đó, kịp thời thể chế hóa, cụ thể các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội dung nghị quyết cơ bản bám sát với tình hình thực tế của địa phương và có tính khả thi cao, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Đối với UBND cũng triển khai nhiều biện pháp để thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về phòng, chống dịch COVID-19, ban hành quyết định thực hiện một số chế độ đặc thù trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với MTTQ các cấp đã tổ chức gần 300 cuộc kiểm tra, giám sát và phối hợp với HĐND, UBND, các cơ quan chức năng giám sát hơn 200 cuộc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, MTTQ cũng chủ trì thực hiện công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng bàn giao đất để thực hiện 02 dự án lớn tại huyện Bình Xuyên: Khu công nghiệp Bá Thiện II và Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Xây dựng hơn 480 mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, MTTQ đã thành lập Ban tiếp nhận và cấp phát hàng tài trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổng số tiền các đơn vị ủng hộ thông qua MTTQ gần 35 tỷ đồng.
Đạt kết quả kinh tế - xã hội ở mức cao nhất
Mặc dù chịu tác động lớn do đại dịch COVID-19, tuy nhiên trong năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn ước cả năm đạt 86,03 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 toàn quốc. Quy mô GRDP dự kiến đạt 136,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 9,35% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 10,2% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,2 triệu đồng/người (tăng 8,7 triệu đồng/người so với năm 2020).
Nhiều cá nhân, tập thể của tỉnh Vĩnh Phúc được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước |
Đáng chú ý trong công tác thu hút đầu tư năm 2021 tỉnh đã thu hút được 57 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1,015 tỷ USD bằng 253,75% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020; cấp mới cho 22 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,90 nghìn tỷ đồng và 6,67 nghìn tỷ đồng điều chỉnh tăng vốn, bằng 301% kế hoạch, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong công tác thu chi ngân sách nhà nước, tỉnh cũng đạt 32.094 tỷ đồng (104,55% dự toán); chi ngân sách nhà nước đạt 19.943 tỷ đồng (112% dự toán). Sản xuất nông nghiệp đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 55.349 tỷ đồng, tăng 5,82% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 301,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,62% so với năm 2020.
Thắng lợi mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân
Trong năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 04 Nghị quyết đặc biệt quan trọng để nhanh chóng khống chế dịch COVID-19 gồm: Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù trong phòng chống dịch; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ tiêm vắc xin phòng dịch; Nghị quyết về chính sách quy định mức giá tạm thời đối với dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 và gần đây nhất là Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 của HĐND tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Theo đó, toàn hệ thống chính trị đã tập trung cao nhất, trách nhiệm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, dành tối đa thời gian cho công tác chỉ đạo, kiểm tra cơ sở, hỗ trợ doanh nghiệp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sản xuất. Kịp thời và nhanh chóng ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh trong chống dịch và phát triển kinh tế như hỗ trợ mở rộng xét nghiệm, hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân, người lao động…; quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành “Vùng Xanh” bền vững trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Cụ thể, tỉnh đã thành lập 01 tổ thường trực hỗ trợ chống dịch trong khu công nghiệp; đối với 1 số doanh nghiệp lớn như Toyota, Honda,…tỉnh cử 01 tổ y tế hỗ trợ phòng dịch tại mỗi doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động sản xuất. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để giải quyết, tháo gỡ ngay những khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Triển khai tiêm vắc xin cho 737.558 người đạt 91% dân số trên 18 tuổi.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết:“Những thành quả trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế là do sự hội tụ của ý Đảng, lòng dân. Chính sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư toàn tỉnh tăng khá; an sinh xã hội được bảo đảm”.
Có thể thấy trong năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, có những giải pháp đột phá mạnh mẽ trong triển khai các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống cho nhân dân. Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ và của tỉnh Vĩnh Phúc, xây dựng địa phương ngày càng phát triển, vững mạnh./.