Những hành trình chiến thắng COVID-19 đầy ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 2 năm qua khi đại dịch COVID-19 hoành hành, thông tin về những tổn thất cả về sinh mạng và kinh tế đã khiến nhiều người bi quan về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, câu chuyện về một bệnh nhi nặng 120kg, tới cụ bà 100 tuổi... đã đánh bại virus SARS-CoV-2 đã vẽ nên những mảng màu tươi sáng trong bức tranh COVID đầy ảm đạm.

“Tiểu phi công” 51 ngày chiến đấu với COVID-19

Minh Phong, 15 tuổi, mồ côi bố từ nhỏ, do hoàn cảnh gia đình, cậu bé phải nghỉ học làm thuê từ lớp 5. Ngoài phụ việc ở xưởng sắt, Phong và anh trai là thành viên một đội lân sư rồng của địa phương. Mọi thứ tồi tệ hơn ập đến khi vào tháng 11 vừa qua Phong trở thành bệnh nhân COVID-19.

Tói 4/11, sau 3 ngày sốt cao, ho đờm, khó thở, đau ngực tăng dần, nồng độ oxy trong máu (SpO2) khoảng 90%, Phong được đưa tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Khi xét nghiệm dương tính COVID-19, Phong chưa được tiêm ngừa vaccine, thể trạng béo phì, được tiên lượng sẽ diễn tiến nặng.

Đúng như tiên lượng, Phong nhanh chóng suy hô hấp tăng dần, dù được đặt nội khí quản giúp thở, thở máy với thông số cao vẫn không cải thiện. Trước tình hình đó, các bác sĩ đã phải tính đến phương án can thiệp ECMO trong đêm.

Minh Phong và gia đình tặng quà lưu niệm cho êkip điều trị và Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Minh Phong và gia đình tặng quà lưu niệm cho êkip điều trị và Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Để có thể cấp cứu cho Phong, ê kíp gồm 6 bác sĩ, 8 điều dưỡng trang phục bảo hộ, phối hợp gắn hệ thống EMCO vào cơ thể bé, đến 1h30 sáng mới hoàn thành. “Dù đêm khuya vẫn phải làm gấp vì tình trạng của bé nguy cấp, tính bằng giờ vàng, phút vàng, không thể đợi đến sáng”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết.

Sau khi đặt EMCO, Phong được chăm sóc vô trùng ở mức tối đa trong phòng áp lực âm để tránh nhiễm khuẩn. Tuy vậy, cậu bé vẫn gặp phải các đợt nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm huyết, phải điều trị kháng sinh phổ rộng. Phản ứng viêm của bệnh nhi liên tục tăng rất cao, phải tiến hành lọc máu. Sau 12 ngày lọc máu điều trị trong phòng áp lực âm, khi ngưng lọc máu, bác sĩ quyết định chuyển từ Khoa Nhiễm sang Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc để thuận tiện điều trị.

Đáng nói, việc di chuyển Phong cùng hệ thống ECMO và máy móc cồng kềnh không phải chuyện đơn giản. Bác sĩ tại bệnh viện đã phải lập kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết về máy móc, nhân sự dài trên 3 trang giấy, để không xảy ra bất trắc. May mắn, tình trạng của Phong ngày một có nhiều tín hiệu tích cực, sinh hiệu ổn, tự thở tốt. Sau 26 ngày, Phong được ngưng chạy ECMO, cai máy thở sau, tập thở, tập vận động.

Do thể trạng đặc biệt, nặng hơn người bình thường nên các điều dưỡng tại bệnh viện phải phối hợp 3-4 người mới có thể chăm sóc cho Phong. Quá trình tập vật lý trị liệu cho Phong cũng gặp không ít khó khăn.

Trả lời báo chí, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM), cho biết hình ảnh bé hồi phục xuất viện như một món quà to lớn dành cho các y bác sĩ trong dịp Giáng sinh: “Đây là một cuộc hồi sinh ngoạn mục, trong quá trình điều trị có nhiều lúc sóng gió tưởng chừng buông tay nhưng chính lúc đó chúng tôi càng quyết tâm vượt qua thử thách này”.

Vào ngày 24/12, Minh Phong đã được xuất viện bằng sự điều trị hết lòng của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cùng nghị lực sống kiên cường của cậu bé. Minh Phong được các bác sĩ ví von bé như một “Tiểu phi công”. Bởi trước đó, “Bệnh nhân 91” là phi công người Anh tổn thương phổi nặng, tưởng chừng phải ghép phổi nhưng cuối cùng đã vượt qua ngoạn mục khi cũng có cân nặng lớn.

Chia sẻ tại buổi chia tay của Minh Phong, bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, không giấu nổi xúc động. “Phong là một cậu bé rất kiên cường, em rất ngoan, luôn nghe lời các y bác sĩ. Và ngày hôm nay con đã thật sự chiến thắng. Có thể nói thành công ở một ca bệnh nặng không phải ở kỹ thuật cao, không chỉ trình độ chuyên môn mà đó là ở sự đồng lòng từ 3 phía: nhân viên y tế, bệnh nhân và gia đình”.

Tại buổi xuất viện, Minh Phong gửi tặng các bác sĩ đã cứu sống mình món quà là những đầu lân nhỏ do em tự làm. Phong cũng chia sẻ sau này khi khỏe mạnh trở lại em sẽ đến bệnh viện để múa lân cho các em nhỏ đang điều trị bệnh tại đây xem.

Kỳ tích mang tên cụ già 100 tuổi

Trước đó, ngày 25/11, cụ Nguyễn Thị C, sinh năm 1921 (ở xã Nhân La, Kim Động, tỉnh Hưng Yên) mắc COVID-19 trên nền bệnh tật phức tạp, sau quá trình điều trị tích cực nay đã khỏi bệnh ngoạn mục, xuất viện về với gia đình.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên, là bệnh nhân điều trị phù phổi cấp, suy tim tại đây. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.

Lúc nhập viện, đã bị viêm phổi do COVID-19, suy hô hấp, phải thở oxy kính 5 lít một phút. Các bác sĩ sử dụng phác đồ chăm sóc tối ưu cho cụ, cử điều dưỡng và bác sĩ chuyên trách chăm sóc. Mục tiêu là tránh để bệnh tăng nặng đến mức phải sử dụng máy thở xâm lấn.

Quá trình điều trị, cụ bà sức khỏe yếu, không thể tự đi vệ sinh hoặc vệ sinh cá nhân, phải đóng bỉm. Song, cụ tỉnh táo, có thể trò chuyện với nhóm điều trị. Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhớ lại, trong quá trình điều trị, cụ bà nhiều lần bi quan, nói với bác sĩ “cho tôi chết, ông trời mãi chẳng cho tôi chết đi”. Bác sĩ nhiều lần động viên cụ bà cố gắng điều trị để sống ra viện, đùa “sẽ biếu tiền” khi cụ được về nhà.

Sau 14 ngày, sức khỏe cụ bà hồi phục ngoạn mục, có thể đi lại, tự vệ sinh cá nhân, tập phục hồi chức năng. Ngày 25/11, cụ xuất viện, được xe của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hưng Yên đưa về nhà.

Chia tay cán bộ và nhân viên Bệnh viện để trở về với gia đình, cụ C. vui mừng khôn xiết, gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước và các y, bác sĩ đã cứu giúp cụ thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm để trở về với con cháu.

Gia đình 14 người bỗng … trở thành F0

Đầu tháng 12, mạng xã hội lan truyền những đoạn clip ghi lại khoảnh khắc cháu trai nhẫn nại đút từng muỗng cháo, dỗ dành ông nội gần 100 tuổi ăn để lấy sức chiến đấu với COVID-19 khiến cộng đồng mạng không khỏi xúc động.

Theo đó, câu chuyện trên là của anh Đoàn Tiến Đạt (20 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Theo đó, giữa tháng 8, sau một trận sốt cao, cậu cùng người anh trai đã xét nghiệm COVID-19 và cho kết quả dương tính. Sau đó thì lần lượt 14 người trong gia đình đều nhanh chóng trở thành F0.

“Lúc đầu tất cả đều lo lắng, về sau được bác sĩ tư vấn nên cũng đỡ hơn. Mọi người hạn chế tiếp xúc bằng cách thông báo sức khỏe qua hội nhóm trên Facebook. Thế nhưng, vài ngày sau thì người thím đổ bệnh nặng, buộc phải đi cách ly tập trung, cắt đứt mọi liên lạc khiến ai nấy đều xót xa”. Trước lo sợ tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn nên cả gia đình đã chia mỗi người một góc, tự cách ly và sát khuẩn liên tục.

Đáng nói, ông nội của Đạt đã 96 tuổi, sức khỏe yếu, ho nhiều khiến cả gia đình đều lo lắng. Ban đầu, ai cũng chuẩn bị tâm thế cho chuyện buồn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không thể test dịch tễ cho ông, mọi người trong gia đình Đạt quyết định sẽ mặc áo bảo hộ để chăm sóc hằng ngày.

5 ngày đầu, ông nội Đạt mệt mỏi, không muốn rời khỏi giường. Vì vậy, Đạt cùng anh trai và người cô thay nhau cho ông uống sữa và nước yến để lấy sức. Ông nội Đạt chỉ ngồi dậy khi muốn đi vệ sinh nên 3 người ngồi ở trong phòng, quan sát tỉ mẩn từng chút một. Khi ông nội mệt mỏi, việc bị mọi người trong gia đình bắt dậy ăn, không cho ngủ khiến ông bực mình. Thấy vậy, mọi người trong gia đình Đạt phải thay nhau dỗ dành. Đến ngày thứ 15, ông đã có thể ăn được cháo. Sau 25 ngày, ông nội Đạt đã hoàn toàn bình phục.

Ngày tất cả các thành viên trong gia đình đều chiến thắng COVID-19, ai nấy đều vui mừng khôn xiết. Chia sẻ về bí quyết vượt qua dịch bệnh của gia đình, Đạt cho rằng, điều cốt yếu là tất cả phải luôn giữ vững tinh thần lạc quan, tích cực và đùm bọc lẫn nhau. Vượt qua những cơn thập tử nhất sinh, Đạt nhận ra rằng: “Qua tất cả càng quý trọng tình thân, gia đình và sức khỏe”.

Đọc thêm

Cấp phép vaccine sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam

Ảnh minh họa: Môi trường và đô thị
(PLVN) -  Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) mới phê duyệt vaccine ngừa sốt xuất huyết cùng zona thần kinh và phế cầu 23. Trong đó, vaccine sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam cho cá nhân mà không cần xét nghiệm trước khi tiêm.

2 trẻ nhỏ ở Lào Cai nguy kịch vì ho gà

Trẻ mắc ho gà đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai. Ảnh: SYT Lào Cai
(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai vừa ghi nhận trên địa bàn 2 bệnh nhi mắc ho gà nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, điều trị kháng sinh liều cao.

Nguy kịch vì mắc cúm B

Bệnh nhân mắc cúm B đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC
(PLVN) -  Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị này đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc Cúm B nặng. Hai trong số đó đã được chỉ định can thiệp ECMO (phương pháp oxy hoá qua màng ngoài cơ thể). Điều đáng lưu ý là cả 3 bệnh nhân đều ở lứa tuổi trẻ và có tiền sử khỏe mạnh.

Gần 30 người ở Cao Bằng nghi nhiễm lỵ trực trùng

Để chủ động phòng, chống bệnh do lỵ trực trùng, người dân cần thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống nước đã đun sôi. Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng mới ghi nhận 28 ca tiêu chảy nghi do lỵ trực trùng trên địa bàn. Ngành y tế địa phương đang tăng cường các biện pháp xử lý ổ dịch và tìm tác nhân gây bệnh.

Gia đình 8 người nhập viện sau ăn nấm

Nấm mọc vườn ngô nơi các cháu nhỏ đã hái về ăn.
(PLVN) - Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang, trên địa bàn huyện Mèo Vạc vừa xảy ra 1 vụ ngộ độc nghi do ăn phải nấm độc làm 8 người trong một gia đình nhập viện.

'Lỗ hổng' quản lý an toàn thực phẩm

Hình ảnh dòi bò lúc nhúc trong miếng pate (Ảnh: Dân trí).
(PLVN) - “Pate có dòi” là từ khoá được tìm kiếm nhiều ngày qua trên các trang mạng xã hội, sau khi trên mạng xuất hiện một video đăng tải hình ảnh miếng pate có dòi trong suất bánh mì chảo.