Thuê khách sạn đánh bạc xuyên đêm
Phiên tòa xét xử vụ án “đánh bạc” của TAND TP Huế (Thừa Thiên – Huế) diễn ra vào sáng 27/4/2017.Các bị cáo trong vụ án là Lê Thị Phượng (37 tuổi), Nguyễn Thị Mộng Hằng (40 tuổi), Trương Châu Thùy Trang (27 tuổi), Tô Hoàng Oanh (33 tuổi), Phan Lê Huyền Thảo (27 tuổi), Lê Khắc Tâm (23 tuổi, đều ngụ TP Huế) và Nguyễn Văn Khương (24 tuổi, quê Quảng Bình, vào Huế trọ học Đại học).
Cả 7 bị cáo được tại ngoại, ngồi khép nép ở dãy ghế dành riêng kê sát tường. Khuôn mặt những bị cáo nữ được tô son điểm phấn, nhưng vẫn tái mét, nhợt nhạt khi ngước nhìn lên phía HĐXX ngồi trên cao.
Khán phòng đông đúc. Ngoài người thân các bị cáo, còn có hàng xóm láng giềng, đến để động viên các bị cáo. Một người bày tỏ, nhà ở cùng xóm với mấy bị cáo nữ. Do các bị cáo nữ đều ở nhà buôn bán, hoặc chăm con, có nhiều thời gian rỗi nên thường cùng nhau “xây sòng”. Lúc đầu chỉ đánh chơi, vài ba ngàn “giết thời gian”, không ngờ nghiện lúc nào không hay.
“Ở trong xóm, tụi tui khuyên can mãi. Nhưng chẳng ai chịu bỏ. Máu cờ bạc đã ngấm sâu vào xương tủy, khó mà dứt ra được”, người này lắc đầu ngán ngẩm.
Theo cáo trạng, vào khoảng 20h30 tối 13/11/2016, Phượng, Hằng, Oanh rủ nhau đi tìm địa điểm đánh bạc. Trên đường đi, cả ba gặp Tâm, Trang nên rủ nhập hội. Cả nhóm đến thuê một phòng tại khách sạn ở trung tâm thành phố rồi cùng nhau đánh “xì lác”. Số tiền cược mỗi ván thấp nhất là 50 ngàn, cao nhất là 200 ngàn. Mọi người đánh được một lúc thì Khương và Thảo đến chơi cùng. Trận đỏ đen kéo dài suốt đêm, đến tận 9h sáng hôm sau thì công an phát hiện bắt quả tang. Số tiền thu được tại chiếu bạc hơn 12 triệu.
Trong vụ án, Phượng là người khởi xướng chơi bài, thuê phòng khách sạn và cung cấp bài. Hằng, Oanh, Tâm, Trang chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm tích cực. Thảo, Khương đóng vai trò đồng phạm thực hiện.
Cùng nại lý do “giận chồng”
Trong 7 bị cáo, Hằng từng bị phạt hành chính về hành vi đánh bạc. Oanh từng bị phạt hành chính về hành vi “công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác” và từng bị TAND TP Huế xử phạt 3 tháng tù cho hưởng án treo về hành vi “đánh bạc”.
Tòa hỏi bị cáo Hằng và Oanh: “Từng bị xử đánh bạc nhiều lần rồi, nghĩ sao mà bị cáo vẫn tái phạm? Có phải hình phạt không đủ nặng để thức tỉnh phải không?”. Bị cáo Hằng rối rít phân bua, bảo trước đó mình chỉ chơi 2 ngàn, 4 ngàn cho vui, không “sát phạt” ăn tiền nên nghĩ không sao. “Bị cáo đi đánh bạc, chồng có biết không?”. “Dạ biết”. “Biết mà vẫn để bị cáo đi sao?”. Bị cáo Hằng lại giãi bày, tối đó vì hai vợ chồng cãi nhau. Hằng giận chồng nên mới ra ngoài cho khuây khỏa. Không ngờ có bạn rủ đánh bạc, Hằng đồng ý luôn.
Tại thời điểm bị bắt quả tang đánh bạc, bị cáo Thảo chỉ mới sinh con 4 tháng. Dù vậy, Thảo vẫn bỏ con ở nhà, ra ngoài đánh bạc suốt đêm đến sáng. “Bị cáo làm mẹ kiểu gì, mà con mới 4 tháng lại vô trách nhiệm, bỏ đi chơi cả đêm. Con bị cáo không bú sữa mẹ sao?”. Thảo nói mình không có sữa, nên con mới 4 tháng đã uống sữa ngoài, không phải “kè kè” cạnh con cho bú.
“Có phải vì bị cáo cứ bỏ con đi chơi suốt như vậy, con không bú mẹ nên mới mất sữa? Bị cáo đi cả đêm vậy mà không lo lắng con ở nhà khóc đòi mẹ? Bị cáo không nhớ con à?”. Thảo đứng nơi vành móng ngựa bật khóc. Tòa hỏi sao khóc. Thảo nói tại thương con. “Lúc bỏ con đi chơi cả đêm không về lại không thấy thương con. Giờ đứng đây mới thấy thương con, có phải muộn quá không?”, vị hội thẩm ngán ngẩm.
Cũng như Hằng, bị cáo Thảo cho rằng, mình không hay bỏ con ở nhà một mình để ra ngoài. Tối hôm đó, vì Thảo với chồng cãi nhau, giận chồng quá nên mới bỏ nhà đi. Tòa lắc đầu: “Các bị cáo đứng ở đây, ai cũng nói do cãi nhau với chồng, giận chồng mới đi đánh bạc. Các bị cáo đều có kế hoạch cùng giận chồng một lúc sao?”.
“Nhà trẻ” bên lề chiếu bạc
Cả 5 nữ bị cáo đều có hoàn cảnh khó khăn. Vợ buôn bán “lẹt xẹt”, chồng làm công nhân, thợ nề. Riêng Phượng thì đã ly hôn, một mình nuôi 3 con nhỏ, trong đó có một bị tàn tật. Lẽ ra cả ngày quần quật làm lụng mưu sinh, tối đến có thời gian rảnh, người mẹ phải về nhà chăm sóc, lo lắng cho các con. Nhưng chị này lại bỏ bê con, ra ngoài tiêu khiển suốt đêm.
Kiểm sát viên hỏi Phượng: “Một mình bị cáo nuôi một đàn con nhỏ. Bị cáo bỏ đi đánh bạc suốt đêm, con ai trông?”. Bị cáo Phượng cứ ấp úng mất một lúc nhưng vẫn không trả lời câu hỏi đó. “Ở xóm, các bị cáo thường xuyên tụ tập đánh bài. Nhưng đây là lần đánh lớn nhất, nên mới bị bắt quả tang.
Các bị cáo đều đã có chồng con. Nếu không lo chí thú làm ăn, thì cũng phải dành thời gian chăm sóc gia đình, giáo dục con cái. Phụ nữ kiểu gì mà suốt ngày chúi mũi trên chiếu bạc. Nếu các bị cáo không thay đổi cách sống, không từ bỏ thói quen xấu, thì không chỉ bị cáo phải trả giá, mà tổ ấm của chính bị cáo, của chồng con bị cáo cũng không chắc giữ được”.
“Ai là người dẫn theo hai con nhỏ khi đi đánh bạc?”, vị hội thẩm hỏi. Bị cáo Oanh đứng lên phía trước vành móng ngựa, lý nhí đáp: “Dạ bị cáo”. “Bị cáo nghĩ gì mà dẫn hai con theo vào khách sạn để chúng nhìn thấy cảnh mẹ đánh bài?”. Oanh ngắc ngứ nhìn vị hội thẩm mất một lúc, nhưng cuối cùng vẫn cúi đầu không trả lời được.
Oanh mới học lớp 6 thì nghỉ học vì gia đình khó khăn, từ đó ở nhà phụ mẹ buôn bán. Oanh có hai đứa con, lớn 13 tuổi, nhỏ 6 tuổi. Đêm đó, cả hai đứa trẻ được mẹ dẫn theo, sau khi nhìn người lớn “sát phạt” chán chê thì lăn ra ngủ.
“Con bị cáo thấy mẹ suốt ngày bài bạc như thế, sao học hành được? Bị cáo muốn con mình cũng như mình, học đến lớp 6 thì nghỉ học sao? Bị cáo làm mẹ, lẽ ra phải giáo dục con cái, đằng này lại… Bị cáo nghĩ sao nếu sau này con bị cáo ra ngoài đánh bạc, rồi chạy về nhà xin bị cáo tiền?”. Bị cáo Oanh cúi đầu, hai tay cứ vặn vẹo xoắn vào nhau ra chiều hối hận. Vậy nhưng, những người dự khán lại lắc đầu nhìn các bị cáo. Ai nấy đều bảo, “tật xấu khó bỏ”, “mê bài khó cai”.
Tòa nhận định, các bị cáo đều có địa chỉ, nơi cư trú rõ ràng; đa phần là phụ nữ và đang nuôi con nhỏ; vụ án có tính chất, mức độ nhẹ, nên không cần phải phạt tù. Vì vậy tòa tuyên phạt bị cáo Phượng 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ và phạt bổ sung 10 triệu đồng; bị cáo Hằng, bị cáo Oanh 1 năm 3 tháng cải tạo không giam giữ và phạt bổ sung mỗi người 8 triệu đồng; bị cáo Trang, bị cáo Khương, bị cáo Thảo, bị cáo Tâm mỗi người 9 tháng cải tạo không giam giữ và phạt bổ sung mỗi bị cáo 5 triệu đồng.
Tòa tan, các bị cáo lầm lũi ra về. Người nhà đến giật giật áo mấy bị cáo, nhỏ giọng: “Lần này về là phải “cạch” bài bạc nghe không. Nếu tái phạm, sẽ không may mắn được về nhà như ri nữa mô”.
Trong 7 bị cáo, chỉ có bị cáo Khương là người ngoại tỉnh. Mẹ Khương phải từ Quảng Bình vào Huế tham gia phiên tòa xét xử con trai. Bà kể, ở vùng Quảng Bình đầy nắng gió quê bà, quanh năm chỉ biết có ruộng với đồng. Hai vợ chồng bà ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, trằn mình trên đồng ruộng để mong kiếm từng hạt lúa cọng rau. Chắt chiu dành dụm từng đồng, bà mới gom góp được 1,5 triệu đồng mỗi tháng gửi vào Huế cho con trai ăn học.
Vậy mà, bao nhiêu mơ ước, bao nhiêu kỳ vọng, lại bị con trai đánh đổ hết. Hôm công an gọi điện về quê thông báo con trai bà đánh bạc bị bắt, bà đang lọ mọ ngoài đồng. Lúc đầu còn tưởng nhận nhầm điện thoại, sau thì bàng hoàng suýt ngã xuống ruộng. Chồng bà giận con trai đến tím mặt mày, bảo từ nay không nhìn mặt con trai. Ông quyết định cắt đứt tiền trợ cấp hàng tháng. Thương con nơi đất khách quê người, bà lại giấu diếm chồng, dấm dúi gửi tiền cho con.
“Chuyện đã trôi qua một thời gian, nhưng ông vẫn chưa hết giận. Hôm tết hắn về quê, nhưng chỉ về nhà bà nội, chứ chẳng dám lên nhà. Hôm nay vào đây dự khán, tui cũng phải giấu diếm chồng để đi. Chứ nếu ông biết, chắc chẳng cho tui ra khỏi cửa”, người mẹ thở dài.
Hôm đó đi đánh bài, Khương cầm theo số tiền mẹ vừa gửi vào để đóng học phí. “Tiền mẹ gửi đóng học phí, sao bị cáo không đem đi nộp, lại dùng để đánh bài?”. “Dạ bị cáo dự định ngày mai mới đi nộp”. “Đêm đó bị cáo đánh thua, chỉ còn 500 ngàn, ngày mai tiền đâu để nộp?”. Khương ấp úng. Như thể ý thức được đôi mắt mẹ đang chăm chăm nhìn mình từ phía sau, hai vai Khương bất chợt rủ xuống, đầu cúi gằm.