Nhân kết thúc thập kỷ đầu thế kỷ XXI, tờ Guardian và Observer của Anh đã công bố danh sách “20 dự báo cho 25 năm tiếp theo”. Những dự báo này được rút ra từ các nghiên cứu chuyên sâu của giới chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, kinh tế, y học, công nghệ, giao thông cho đến nông nghiệp, tôn giáo và giải trí. Dưới đây là 9 dự báo tiêu biểu nằm trong danh sách này.
1. Mỹ sẽ phải đối mặt với làn sóng thù địch
Dự đoán đầu tiên liên quan đến chính trị có tên là “Geopolitics: Rivals will take greater risks against the US” (Địa chính trị: Mỹ phải đối mặt với làn sóng thù địch) đề cập đến xu thế chính trị mới, nước Mỹ phải đối mặt mặc dù Mỹ xưa nay được xem là thủ đô của thế giới tự do. Đây là dự báo của ĐH Stanford University, theo đó, thế giới sẽ không có sự cân bằng quyền lực vĩnh viễn.
Nếu cách đây vài thế kỷ, quyền lực thuộc về Anh và phương Tây, nhưng sau chiến tranh lạnh, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, Đức và Mỹ hình thành một trục thế lực mới thì sang đến thế kỷ 21 nhân loại sẽ chứng kiến sự nhiều thay đổi về cán cân quyền lực. Về ngắn hạn, trong 20 năm tới, trung tâm quyền lực sẽ chuyển về phương Đông. Đến năm 2030, thế giới sẽ phức tạp hơn bởi ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông và Nam Á, và sự xuất hiện của Trung Quốc ở châu Á và châu Phi.
Phạm vi ảnh hưởng cũng như quyền lực của Mỹ bắt đầu lung lay, Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Quyền lực chuyển dần sang các quốc gia đông dân như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga. Nguy cơ quyền lực của Mỹ trong vòng 25 năm tới sẽ giảm mạnh, đặc biệt từ sau năm 2020, do kinh tế bất ổn ở châu Phi, Trung Á - nơi có tỷ lệ người nghèo đông.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu lại diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực; nạn buôn bán vũ khí, ma túy và di dân không giảm nên lực lượng thù địch, chống lại Mỹ ngày càng mạnh hơn. Thậm chí, người ta còn tiên đoán đến năm 2030, các cường quốc lớn sẽ tranh giành nguồn năng lượng hạt nhân và làm cho tình hình chính trị toàn cầu có thể trở nên phức tạp hơn.
2. Làn sóng phản kháng ngân hàng gia tăng
Các chuyên gia Quỹ Việc làm (Work Foundation) của Anh dự báo nền kinh tế thế giới trong vòng 25 tới sẽ gặp nhiều khó khăn, xuất hiện làn sóng chống lại giới ngân hàng do hậu quả của những cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài trong thập niên đầu của thế kỷ XXI và tiên đoán sẽ có một cuộc khủng hoản kinh tế kép diễn ra ngay trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ này.
Sở dĩ có tình trạng trên là do hệ thống ngân hàng toàn cầu làm việc kém hiệu quả buộc chính phủ phải bảo lãnh bằng những gói cứu trợ từ tiền đóng thuế của người dân.
Với đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, buộc hệ thống ngân hàng phải cải tổ và làm ăn minh bạch hơn. Tuy nhiên, cuộc cách cách này không mấy đơn giản bởi thế giới đang bước vào giai đoạn bất ổn chính trị, thiên tai hạn hán diễn ra triền miên, lạm phát gia tăng, giá hàng hóa phi mã, trong khí đó dân số lại không dừng lại ở mức 7 tỷ như hiện nay.
3. Ra đời vắcxin giải thoát nhân loại khỏi đại dịch AIDS
Theo dự báo của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, trong vòng 1/4 thế kỷ nữa, nhân loại sẽ đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực y học, tìm ra được nhiều loại thuốc chữa bệnh cho người nghèo như bệnh sốt rét, lao phổi, bại liệt, sởi và đặc biệt hơn là tìm ra cả vắcxin HIV/AIDS mà hiện nay con người đang bó tay.
Bằng chứng, ngay từ bây giờ con người đã và đang sản xuất được nhiều loại vắcxin có hiệu quả cao, trong đó có vắcxin HIV/AIDS có tên là RV144 đang được thử nghiệm ở Thái Lan cho kết quả rất khả thi, vì vậy trong vòng 25 năm nữa dứt khoát căn bệnh nan y nói trên sẽ được chế ngự.
Dự báo thứ hai liên quan đến lĩnh vực y học nhưng không vui là trong vòng 25 năm tới sức khỏe con người có thể giảm sút do hệ thống chăm sóc sức khỏe lỗi thời, đặc biệt là tình trạng quá tải ở các bệnh viện, dân số tăng nhanh.
Tại Mỹ, chi tiêu cho y tế sẽ tăng từ 17% đến 25% vào năm 2025 và tăng tiếp lên 49% vào năm 2035 nhưng nhu cầu về y tế rất lớn, xuất hiện nhiều dạng bệnh nan y cần đến nhiều tiền hơn, nhất là bệnh tiểu đường, ung thư, tim mạch và bệnh tự miễn.
4. Nhiên liệu hóa thạch vẫn ngự trị
Theo dự báo của ĐH Oxford (Anh) thì an ninh năng lượng, lương thực được xem là những vẫn đề bức xúc trong tương lai. Hiện tại, dân số thế giới đã đạt ngưỡng gần 7 tỷ, trong đó hơn 50% đang sống thành thị, dự kiến sẽ tăng lên hơn 9 tỉ người (80% sống ở thành thị) vào cuối thể kỷ XXI.
Hiện tại, nguyên liệu hóa thạch đảm nhận tới 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu và để giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu, con người đang cố gắng giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu cho thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, thực hiện được mục tiêu này không mấy đơn giản. Theo dự báo thì mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 35% trong 25 năm tới, trong đó nhiên liệu hóa thạch tăng tới 24%, như vậy thế giới vẫn sẽ dựa chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch. Lý do, dân số tăng nhanh, các nguồn năng lượng lựa chọn khác như điện hạt nhân, hydro và năng lượng gió chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của nhana loại.
5. Nga sẽ trở thành cường quốc lương thực
Dự báo đến năm 2030, dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 9 tỉ người và nhu cầu về lương thực sẽ tăng hơn 50% so với mức hiện nay. Vì vậy, nếu không quan tâm đến nông nghiệp thì đến năm 2030, nhân loại có thể bị đói.
Ngoài dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, nhiều nơi bị xa mạc hóa, đất canh tác thu hẹp như ở Nam Âu và Bắc Phi.
Dự kiến 25 năm tới Nga sẽ nổi lên và trở thành cường quốc lương thực bởi nhiều vùng đất, đồng cỏ từng bị đóng băng ở Siberie sẽ trở thành nơi sản xuất lương thực do khí hậu ấm lên làm băng tan.
6. Công nghệ nano sẽ lên ngôi
Theo dự báo của các chuyên gia ở ĐH Sheffield (Anh), trong vòng 25 năm tới công nghệ nano sẽ lên ngôi, thống lĩnh cuộc sống của con người, nó có dải ứng dụng rất lớn, từ nguyên tử, phân tử cho tới y học, giải trí, tiêu dùng...
Và nhờ công nghệ nano phát triển con người sẽ cho ra đời nhiều loại sản phẩm mới như máy tính giá rẻ, tăng cường trí thông minh, ra đời nhiều loại thuốc chữa bệnh mới, kể cả bệnh sa sút trí tuệ, kéo dài tuổi thọ cho con người hoặc chữa bệnh liệt não, mang lại cuộc sống tốt hơn cho những người bị bệnh về não mà lâu nay y học phải bó tay hoặc tạo ra trí thông minh nhân tạo không khác gì trí tuệ sinh học.
7. Ra đời các loại phương tiện giao thông tự động
Theo dự báo của ĐH Cambridge, trong vòng 25 năm tới sẽ có rất nhiều thay đổi trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đặc biệt, nhờ công nghệ tin học, truyền thông phát triển, cộng với sự phát triển của công nghệ nano mà tương lai con người sẽ cho ra đời nhiều phương tiện giao thông hiện đại mang tính tự động.
Các nhà ga, sân bay sẽ được tự động hóa để giảm sức lao động của con người và tăng cường độ tin cậy. Xuất hiện nhiều loại xe hơi hiệu quả về mặt năng lượng và an toàn cho con người do không cần người lái. Nếu gặp sự cố nó sẽ tự xử lý để đảm bảo an toàn cho con người thông qua hệ thống cứu hộ thông minh.
8. Ra đời trang phục thông minh
Theo dự báo của các chuyên gia của “London College of Fashion”, thời trang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người hiện đại và trong vòng 25 năm tới nhờ khoa học phát triển con người sẽ sản xuất được những trang mới thông minh, có lợi cho con người.
Thông qua công nghệ sinh trắc học, những bộ trang phục kiểu này có thể theo dõi sức khỏe, nhất là nhịp tim, hơi thở, nhiệt độ và các chuyển động thể chất khác. Nó sẽ được dùng để theo dõi sức khỏe của cầu thủ trong quá trình luyện tập, thi đấu hay dùng cho những người thợ mỏ để phát hiện mối nguy hiểm khi làm việc sâu trong lòng đất.
9. An ninh mạng ngày càng bức xúc bởi nạn hacker
Theo dự báo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan quản lý an ninh mạng quốc tế (ISC) và nghiên cứu của hãng MeAfec, tỷ lệ tội phạm mạng đang tăng với tốc độ chóng mặt, gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu tới 1 nghìn tỷ USD/mỗi năm.
Đây là số liệu được khai thác từ trên 800 chuyên gia quản lý mạng chủ chốt của Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, riêng thiệt hại về mặt dữ liệu lên tới 4,6 tỷ USD, 600 triệu USD khác dành cho việc khắc phục tình trạng này. Mỹ hiện đang đưa ra thực hiện một chính sách an ninh mạng mới, giúp cho trên 2 tỷ người dùng Internet toàn cầu không phải trả phí mà vẫn an toàn khi giao dịch.
Khắc Nam (theo Guardian)