Những điều làm luật sư “mất lửa”

Tôi hành nghề luật sư đến nay đã hơn hai mươi năm, với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Vui, khi thấy thân chủ của mình bị hàm oan được minh oan; buồn, khi thấy nỗi oan có thật của họ mà vì một lý do nào đó vẫn không giải được nỗi oan ấy…

Tôi hành nghề luật sư đến nay đã hơn hai mươi năm, với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Vui, khi thấy thân chủ của mình bị hàm oan được minh oan; buồn, khi thấy nỗi oan có thật của họ mà vì một lý do nào đó vẫn không giải được nỗi oan ấy…

LS Nguy ễn Minh Tâm
LS Nguy ễn Minh Tâm

Đi tìm những điểm sáng ẩn khuất

Nghề luật sư là một nghề có tính đặc thù là cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Một người bị truy tố ra trước tòa án có nghĩa là người đó sẽ phải chịu sự phán xét của pháp luật về số phận pháp lý gắn liền với các chế tài nghiêm khắc. Dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp cho khách hàng cũng gắn liền với sinh mệnh của họ.

Một luật sư có trách nhiệm và kỹ năng hành nghề tốt, có thể tìm thấy trong hồ sơ những điểm sáng còn ẩn khuất giữa bề bộn các tài liệu, chứng cứ có giá trị pháp lý giúp cho thân chủ của mình được hưởng sự công minh của pháp luật. Có điều, luật sư hành nghề chỉ nhân danh cá nhân chứ không phải nhân danh quyền lực. Sức mạnh của luật sư chỉ thể hiện ở các luận lý có sức thuyết phục, còn quyền quyết định số phận pháp lý của bị cáo như thế nào là thuộc về Hội đồng xét xử.

Để có được công lý, những người được giao trọng trách xét xử phải thực sự là những người có kiến thức sâu sắc về pháp luật, có trách nhiệm với nghề nghiệp và phải có sự công tâm. Nếu các quan tòa có được phẩm chất ấy thì họ sẵn sàng chấp nhận các luận lý do luật sư đưa ra để có một phán quyết đúng pháp luật…

Phiên tòa, về tính chất là một cuộc điều tra công khai. Toàn bộ tài liệu, chứng cứ được thu thập trong giai đoạn điều tra, truy tố phải được xem xét, đánh giá công khai tại phiên tòa qua phương pháp điều tra xét hỏi, đối chất, kiểm tra làm rõ tính thống nhất hay tính mâu thuẫn của các chứng cứ buộc tội hoặc vô tội. Tranh luận tại phiên tòa là một phương pháp để hai phía - công tố và luật sư - trình bày quan điểm, đối đáp với nhau, hầu mong làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Tranh luận chính là việc xem xét, đánh giá chứng cứ, đưa ra các luận cứ, luận chứng buộc tội hoặc vô tội. Về nguyên tắc, tranh luận phải đi đến tận cùng của sự thật. Thế nhưng, trong khá nhiều vụ án, việc tranh luận chỉ xảy ra mang tính hình thức, một chiều.

Tôi vừa dự một phiên tòa gần đây, được dư luận rất quan tâm. Để chuẩn bị bào chữa cho bị cáo, chúng tôi đã dày công nghiên cứu, hệ thống hóa hồ sơ và trình bày một bài bào chữa gần 30 trang, trong đó chứng minh rất rõ ràng quan điểm pháp lý của chúng tôi.

Trong khi đó, phía công tố, bản luận tội vẻn vẹn chỉ có vài ba trang đánh máy, chỉ nêu những nhận định chung chung, không phải là một bản luận cứ chứng minh bị cáo có tội. Việc đối đáp sau đó từ phía công tố cũng chỉ mang tính hình thức, không trực tiếp tranh luận với những nội dung trong bài bào chữa của chúng tôi, để đến nỗi ông chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu đại diện VKS tranh luận thẳng vào từng vấn đề do luật sư đưa ra.

Thẩm phán, công tố và luật sư cùng có một mục đích bảo vệ công lý, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật (Ảnh minh họa)
Thẩm phán, công tố và luật sư cùng có một mục đích bảo vệ công lý, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật (Ảnh minh họa)

Phần thắng không được thể hiện trong bản án

Bức tranh tố tụng tranh luận đối đáp tại tòa như thế thật nhạt nhòa, dù không phải là phổ biến, nhưng cũng không ít và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Nói như thế để thấy rằng, nghề luật sư gắn liền với các hoạt động tư pháp, là một thành tố tạo nên bộ mặt văn minh của nền tư pháp nước nhà, như  Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã nói: Luật sư là một chân trong cái kiềng ba chân của hệ thống tư pháp.

Từ khi có Nghị quyết 08 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, và đặc biệt là Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị, vai trò của luật sư đã được coi trọng hơn, góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo dân chủ trong hoạt động tố tụng xét xử tại phiên tòa.

Tuy nhiên, hoạt động tư pháp xét xử vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi những người có thẩm quyền xét xử phải thực sự tôn trọng các quyền pháp định của luật sư trong quan hệ tố tụng ở từng vụ án cụ thể. Đừng vì quan niệm hạn hẹp về thời gian, hoặc vì lý do nào đó để dùng quyền điều khiển phiên tòa mà cắt ngang lời bào chữa đúng trọng tâm của luật sư, làm cho họ rơi vào tình trạng “mất lửa”, dẫn đến tiêu cực, chán chường. Chỉ khi nào, nghề luật sư thực sự được tôn trọng và bản thân người hành nghề luật sư ý thức được sứ mệnh cao cả của mình là “phụng sự công lý” thì khi đó, chúng ta mới thực sự có một nền tư pháp trong sạch.

Tôi điểm một vài nét về bức tranh tố tụng xét xử trong quan hệ giữa Luật sư với  công tố và Tòa án là để muốn nói một điều rằng: Thẩm phán, công tố và luật sư đều là những người hành nghề luật, cùng có một mục đích chung là bảo vệ  công lý, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, chỉ có sự khác biệt về tính chất nhân danh theo từng chức năng tố tụng để hành nghề.

Sự khác biệt ấy có thể là yếu tố tác động đến tâm lý của mỗi người khi thực hiện nhiệm vụ của mình tại phiên tòa. Vượt qua cái rào cản tâm lý ấy, chúng ta sẽ có cách nhìn bản chất về hoạt động xét xử và bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người, vì một lý do nào đó phải ra trước vành móng ngựa để chịu sự phán xét của pháp luật.

Xét xử, về tính chất là hoạt động xem xét, đánh giá chứng cứ, mà đánh giá chứng cứ lại là những thao tác của tư duy, mang tính chất chủ quan tùy theo trình độ và nhận thức của mỗi người. Điều này thể hiện rất rõ trong các bản án đã tuyên xử. Thực ra, để đánh giá luận lý của luật sư có căn cứ hay không đòi hỏi người thẩm phán và cả Hội đồng xét xử phải là những người có trình độ giỏi hơn các luật sư, biết trong luận lý đó, điều gì có căn cứ hoặc không có căn cứ để chấp nhận hoặc bác bỏ.

Nhận định thế nào về quan điểm của luật sư phải được Hội đồng xét xử thể hiện trong bản án. Trong thực tế, có bản án không dám nhận định hoặc nhận định chung chung, thậm chí sai lệch quan điểm bào chữa của luật sư để rồi lạnh lùng bác bỏ toàn bộ luận cứ ấy. Trong nhiều trường hợp, qua diễn biến phiên tòa trong tranh luận đối đáp, phần “thắng” thuộc về luật sư, nhưng rốt cục, phần “thắng” ấy vẫn không được thể hiện trong bản án!

Bỏ nghề vì “cảm giác đau khổ, thất vọng”

Tôi đã từng nghe một số luật sư đồng nghiệp thực sự có tâm, có tầm nhưng day dứt vì một mặc cảm không hoàn thành trách nhiệm với thân chủ, không bảo vệ được điều mà mình tin rằng là đúng. Trong thực tế, đã có luật sư bỏ nghề tranh tụng, chỉ hành nghề luật sư tư vấn để tránh khỏi cái cảm giác “đau khổ và thất vọng”. Có thể nói, đó là một trạng thái tâm lý tiêu cực không nên có từ phía luật sư, nhưng bình tâm suy ngẫm lại, trước thực trạng như thế, luật sư làm được gì khi mình đã thực sự rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”?.

Một người đã phải nhiều lần đau khổ và thất vọng nghề nghiệp thì chắc chắn sẽ sinh ra những chán chường, âu đó cũng là quy luật lô gích của sự phát triển tâm lý. Đây là một điều đáng để cho chúng ta suy ngẫm trong sự nghiệp xây dựng một nền tư pháp văn minh. Tôi cũng có những lần thất vọng và mang nặng cái tâm trạng ấy, nhưng tự thấy đó chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển. Chỉ cần nhìn lại thực trạng tư pháp xét xử cách đây 10-20 năm, sẽ thấy hoạt động tư pháp đã có những bước chuyển biến theo hướng tốt hơn. Hãy nuôi dưỡng niềm tin vào cải cách tư pháp, mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều thực trạng đáng buồn.

Để kết thúc lời tâm sự, tôi chỉ thầm mong ước mấy điều: Một là, trong tranh luận, đối đáp, đại diện VKS thực hành quyền công tố hãy cùng chúng tôi đi đến tận cùng của sự thật khách quan, để các luật sư chúng tôi, có “thua” cũng phải “tâm phục, khẩu phục”.

Hai là, Hội đồng xét xử hãy thực sự là cơ quan trọng tài trong cuộc tranh luận, đối đáp giữa công tố với luật sư, để phán quyết cho công minh. Bên nào có lập luận vững chắc, có sức thuyết phục thì nên chấp nhận quan điểm của bên đó. Việc đánh giá quan điểm hai bên phải được thể hiện trong bản án, để mọi người thấy được tính thuyết phục của bản án nhân danh  quyền lực Nhà nước trong quyết định số phận pháp lý của con người.

Và ba là, Hội đồng xét xử hãy giữ đúng nguyên tắc “Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” để phán quyết. Có được điều này, không thể không khẩn cầu các cấp ủy Đảng hãy thực hiện đúng nội hàm của khái niệm “Đảng  lãnh đạo hoạt động tư pháp” để tránh tình trạng có những người, những cấp can thiệp sâu vào hoạt động nghiệp vụ của các ngành tư pháp, đặc biệt là tư pháp xét xử.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.