Lại câu chuyện “rút kinh nghiệm” khá thú vị - Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đồng ý cho Chính phủ “rút kinh nghiệm một lần nữa”. Nguyên do, ở dự án Hồ Tả Trạch (HTT) chủ trương “đất đổi đất” không thực hiện được khiến người dân khó khăn, bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài suốt 10 năm qua.
Trước vướng mắc này, Chính phủ xin dùng 77 tỷ đồng trong 150 tỷ đồng dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 cho việc đền bù.
Ở đây có mấy vấn đề chưa “phù hợp” nếu không muốn nói là sai. Trước hết, về nguyên tắc, hạng mục đền bù của dự án HTT không nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 đã phê duyệt. Việc Bộ NN&PTNT ban hành quyết định cho phép bổ sung hạng mục đền bù vào dự án HTT khi chưa có ý kiến chấp thuận của UBTVQH là chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.
Nhưng trước sự việc “chẳng đặng đừng”, UBTVQH buộc phải kiến nghị chấp thuận đề xuất của Chính phủ để xử lý dứt điểm khiếu kiện kéo dài. Tại cuộc họp, nhiều vị lãnh đạo cấp cao yêu cầu bảo đảm kỷ cương ngân sách trong khi cố gắng không kéo dài thêm việc nợ tiền đền bù của dân. Đây là chuyện không còn thực hiện được ở dự án này.
Trước hiện thực ở dự án trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: “Ta thường có tình trạng cứ xong lại rút kinh nghiệm. Sợi dây này cứ dài từ tháng này sang năm khác, rút hoài không hết”. Bà Ngân nhấn mạnh lại nguyên tắc đúng luật, đúng nghị quyết, công khai, minh bạch, không lấy khoản này “đắp” vào khoản kia. Chủ tịch Quốc hội đồng ý cho Chính phủ rút kinh nghiệm một lần nữa để lo cho dân và cũng yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm trong Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên - Huế rút kinh nghiệm nghiêm khắc, không để tái diễn tình trạng này.
Như vậy là kinh nghiệm vẫn là sợi dây dài… vô tận.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhiều cuộc họp, hội nghị, sau khi kiểm điểm, đánh giá về sự không thành công của một chủ trương, biện pháp hay một dự án đầu tư, chúng ta thường được nghe kết luận: Yêu cầu cá nhân, tổ chức có liên quan “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”! Nói thật, những cụm từ “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” đã trở nên vô cùng phản cảm.
Chính quyền hành pháp có hệ thống quản lý từ Trung ương tới địa phương và một hệ thống các văn bản quy định về quyền hạn, trách nhiệm của từng vị trí công tác. Theo đó, mọi hành vi vi phạm, khuyết điểm đều có một hình thức kỷ luật tương ứng. Thế nhưng, vì lý do gì, biện pháp “rút kinh nghiệm” lại được sử dụng thay thế những quy định ấy?
Đây là câu chuyện chưa nghiêm túc của “rút kinh nghiệm nghiêm túc” trong vận hành bộ máy. Có lẽ đã đến lúc phải chấm dứt ngay tình trạng xử lý thực thi nhiệm vụ bằng các cụm từ “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Có như vậy mới có kỷ cương trong quản lý, điều hành.