Những con số 'gây sốc' về cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
(PLO) - Cảnh sát Malaysia đã mất đến 3 ngày mới kiểm đếm được hết tiền mặt thu được tại một căn hộ của cựu Thủ tướng Najib Razak. Chưa kể đến hàng trăm chiếc túi xách hàng hiệu có chiếc có giá đến hàng trăm nghìn USD, hay đồng hồ đắt tiền, vàng thỏi… Số tài sản này được cho là đã bị biển thủ từ quỹ đầu tư nhà nước 1MDB do chính ông Najib thành lập và quản lý.

700 triệu USD “quà tặng”

Như đã nói ở số báo trước, tại cuộc bầu cử hôm đầu tháng, liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) cầm quyền suốt gần 60 năm qua tại Malaysia đã thất bại trước liên minh Hy vọng đối lập do ông Mahathir Mohamad đứng đầu. 

Bê bối liên quan đến Quỹ đầu tư nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB) được xem là một phần nguyên nhân dẫn đến thất bại của liên minh BN nói chung và cá nhân ông cựu Thủ tướng Najib Razak.

1MDB được ông Najib thành lập ít lâu sau khi đắc cử hồi năm 2009 với mục đích hỗ trợ các dự án phát triển Malaysia. Ông Najib vừa giữ vai trò chủ tịch hội đồng cố vấn vừa là người nắm quyền kiểm soát các hoạt động đầu tư của quỹ. 

Tuy nhiên, ngày 2/7/2015, trong một bài báo gây chấn động, tờ The Wall Street Journal đưa tin các điều tra viên Malaysia phát hiện gần 700 triệu USD từ quỹ 1MDB đã được chuyển tới các tài khoản ngân hàng nghi là tài khoản cá nhân của ông Thủ tướng Najib. Thông tin nói trên đã khiến dư luận Malaysia vô cùng bức xúc, đòi ông Najib từ chức. 

Sự bất mãn cũng đã gia tăng ngay trong chính nội bộ Đảng Mặt trận Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) – nòng cốt của liên minh BN do ông Najib làm chủ tịch. 

Trước áp lực dư luận, ông Najib khăng khăng không làm gì sai trái, thậm chí còn dọa kiện tờ báo trên vì tội phỉ báng. Nói cứng là vậy nhưng chỉ trong vòng 1 tháng sau khi bê bối bùng nổ, ông này đột ngột cải tổ nội các, sa thải Phó Thủ tướng Muhyiddin Yassin và Bộ trưởng phát triển khu vực Shafie Apdal - động thái bị nhiều người chỉ trích là nhằm dập tắt những ý kiến trái chiều. 

Bằng chứng là, tháng 8/2015, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) tuyên bố số tiền 700 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Najib là do một thành viên thuộc hoàng tộc Ả rập Xê-út tặng chứ không phải tiền của 1MDB.

Cũng trong tháng này, ông Najib đã sa thải luôn Tổng chưởng lý khi đó là ông Abdul Gani Patail – người phụ trách nhóm đặc nhiệm bao gồm thành viên là các quan chức của Ngân hàng trung ương Malaysia và cơ quan chống tham nhũng của nước này đang thực hiện cuộc điều tra về quỹ 1MDB. Thế chỗ ông Patail là ông Mohamad Apandi Ali – một nhân vật có quan hệ chặt chẽ với UMNO. 

Ba tháng sau, ông Mahamad đã quyết định đóng cuộc điều tra về việc chuyển tiền vào tài khoản của ông Najib. MACC do ông Apandi đứng đầu khi đó kết luận rằng việc chuyển tiền không phạm luật và món quà từ Ả rập không cấu thành hành vi tham nhũng. 

Ngày 12/5 vừa qua, 3 ngày sau khi đắc cử, tân Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tuyên bố mở lại cuộc điều tra về quỹ 1MDB, đồng thời cấm ông Najib, vợ của ông này cùng một số quan chức khác của quỹ 1MDB xuất cảnh để tránh khả năng họ bỏ trốn. 

Các vật dụng thu được từ căn hộ của ông Najib.
Các vật dụng thu được từ căn hộ của ông Najib.

Theo thông tin do Chính phủ mới tại Malaysia công bố, nợ phải trả của chính phủ của ông Najib là 50 tỉ USD. Trong đó, theo báo cáo kiểm toán 1MDB được tổng kiểm toán Malaysia giải mật hồi giữa tháng, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2039, tổng số tiền để xử lý các khoản nợ và lãi suất của chỉ riêng quỹ này lên đến 42,26 tỉ ringgit (tương đương 10,6 tỉ USD).

Đó là ước tính được đưa ra với giả định rằng kế hoạch hợp lý hóa các khoản tiền liên quan đến quỹ trên sẽ được thực hiện nghiêm túc và trong giai đoạn sau tháng 10/2015 không phát sinh thêm khoản nợ mới. 

Tân Bộ trưởng tài chính Malaysia Lim Guan Eng trong tuyên bố ngày 22/5 cũng đã tố cáo Chính phủ cũ cung cấp thông tin sai trước Quốc hội về tình hình tài chính của đất nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quỹ 1MDB.

Vụ việc được xem là một trong những bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử Malaysia. Ngoài Malaysia, giới chức ít nhất 6 nước khác, trong đó có Mỹ và Thụy Sỹ, cũng đang điều tra về cáo buộc rút ruột khoảng 4,5 tỉ USD từ quỹ 1MDB. 

Thực tế thì những bất thường về mặt tài chính liên quan đến 1MDB được cho là đã bắt đầu ngay từ năm quỹ này được thành lập. Tháng 9/2009, 1MDB tham gia liên doanh trị giá 2,5 tỉ USD với Công ty dầu mỏ tư nhân PetroSaudi International (PSI) của Ả rập Xê-út.

Theo thông tin do phía Malaysia công bố, Hội đồng giám đốc của quỹ và Ngân hàng trung ương Malaysia đã phê chuẩn việc chuyển 1 tỉ USD – là tiền vay từ ngân sách – tới liên doanh. Đối tác PSI cũng chuyển số tài sản trị giấ 1,5 tỉ USD. 

Tuy nhiên, theo Bộ tư pháp Mỹ, 700 triệu USD trong tổng khoản tiền 1 tỉ USD đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ của Công ty Good Star Limited do một người bạn thân của con riêng của vợ ông Najib tên Jho Low đứng tên. Theo điều tra của phía Mỹ khoản tiền 700 triệu USD này nằm trong số hơn 1 tỉ USD đã được chuyển trái phép từ 1MDB sang tài khoản của Công ty Good Star Limited trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2011.

Kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định việc sử dụng sai mục đích của 1MDB diễn ra trong nhiều giai đoạn khác nhau, liên quan đến nhiều người khác nhau. Thông qua các khâu trung gian, những khoản biển thủ công quỹ từ 1MDB cuối cùng đều chảy về túi nhân vật được đặt hiệu danh Malaysian Official 1, được xác định chính là ông Najib. 

Khối tài sản khổng lồ

Cuộc điều tra về vụ việc đang rất được dư luận quan tâm không chỉ vì số tiền khổng lồ có liên quan mà còn vì vụ việc đang được Chính phủ mới do tân Thủ tướng Mahathir Mohamad xử lý. Cùng với việc đẩy nhanh cuộc điều tra, ông Mahathir cũng nêu rõ sẽ không thỏa hiệp với ông Najib để đổi lấy việc ông Najib trả lại tiền được cho là đã chi tiêu sai mục đích.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát Malaysia đã tiến hành khám xét nhiều tài sản của ông Najib. Họ đã thu nhiều xe tải vật dụng được cho là đã được mua bán, tích lũy từ nguồn tiền của 1MDB. Trong đó có 284 thùng túi xách hàng hiệu, trong đó có những chiếc túi có giá lên đến vài trăm nghìn USD, 72 vali chất đầy tiền mặt cùng nhiều trang sức và đồng hồ đắt tiền. 

Truyền thông Malaysia hôm 24/5 dẫn các nguồn tin cho biết, cảnh sát nước này với sự hỗ trợ của người thuộc các cơ quan khác, trong đó có Ngân hàng Negara Malaysia, đã phải mất gần 3 ngày ròng rã mới đếm được hết số tiền mặt tịch thu được tại chỉ riêng căn hộ của ông Najib ở khu dân cư Pavilion tại thủ đô Kuala Lumpur. 

Tổng số tiền mặt kiểm đếm được lên đến hơn 110 triệu ringgit (27,6 triệu USD). Sau khi kiểm đếm tiền mặt, các điều tra viên đã chuyển sang đánh giá các vật dụng khác, bao gồm nhiều trang sức quý, vàng thỏi, đồng hồ. 

Bản thân ông Najib ngày 22/5 vừa qua đã phải tới trụ sở của Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) để cung cấp các thông tin về cáo buộc khoảng 10,6 triệu USD từ công ty năng lượng SRC International – một công ty con của 1MDB – đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông ta. 

Ba ngày sau, ngày 25/5, cựu thủ tướng Malaysia tiếp tục phải đến trụ sở MACC và đã bị thẩm vấn suốt 11 giờ. Theo giới chức Malaysia, cùng với việc điều tra về tham nhũng, ông Najib có thể bị khởi tố về tội lạm quyền. Chỉ vài giờ trước khi ông Najib phải ra trình diện tại MACC, 2 luật sư của ông này đã tuyên bố từ bỏ việc đại diện cho cựu thủ tướng.

Trong quá trình điều tra, nhiều cáo buộc chống lại ông Najib cũng đã được đưa ra. Trong đó, ngày 14/5, cựu quan chức MACC Abdul Razak Idris đã đệ đơn tố cáo ông Najib với sự giúp đỡ của các công chức khác đã ém các chứng cứ và ngăn cản cuộc điều tra về các cáo buộc biển thủ công quỹ nhằm vào ông ta. Đến ngày 22/5, đến lượt Giám đốc MACC Mohd Shukri Abdull lên tiếng. 

Trong số các thông tin gây sốc được ông Mohd công bố có việc trong quá trình điều tra với quỹ 1MDB vào năm 2015, ông đã liên tục bị đe dọa. “Tôi đã bị dọa sẽ bị sa thải, bị yêu cầu nghỉ hưu sớm rồi sau đó bị chuyển công tác”, ông Abdull cho hay. Vẫn theo ông này, một số nhân chứng mà ông từng thẩm vấn sau đó đã biến mất. Bản thân ông cũng đã bị gửi đạn đến nhà để đe dọa.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.