Tiết lộ chuyện hậu trường chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore

Được chọn là địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử ngày 12/6 tới vừa là vinh dự vừa là sự đau đầu của Singapore.

Vai trò chủ nhà

Khi các nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tìm kiếm một địa điểm phù hợp, điều họ quan tâm là phải tìm cho được một phòng họp có nhiều cửa ra vào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không nên vào cùng một cửa trong cuộc họp song phương. Mục đích là để tránh tình huống người này đến trước và chờ người kia.

Tiết lộ chuyện hậu trường chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ảnh 1

Báo chí nước ngoài xuất hiện trên con đường dẫn tới khách sạn Capella ở Sentosa, nơi có thể được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: EPA-EFE

Đây chỉ là một trong nhiều điều đau đầu mà nước chủ nhà Singapore phải tính tới khi được chọn là nơi lần đầu tiên gặp mặt giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo các nhà ngoại giao và quan chức phụ trách lễ tân, với một cuộc gặp quan trọng như vậy, chỉ một chi tiết dù nhỏ nhất cũng có thể trở nên nhạy cảm và việc đảm bảo tính bình đẳng là việc tối quan trọng. 

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao đánh giá nếu có một quốc gia chủ nhà có thể xử lý được những việc đó thì đó sẽ là Singapore. Singapore từng là nơi tổ chức các sự kiện cấp cao, trong đó có cuộc gặp lịch sử Trung Quốc-Đài Loan năm 1993 và 2015 và các cuộc họp trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La hàng năm.

Tờ Straits Times dẫn lời Đại sứ lưu động Ong Keng Yong nhận định: Vai trò chủ nhà của Singapore là tạo một môi trường hòa bình, an toàn và xây dựng cho hội nghị thượng đỉnh. Chủ nhà cũng cần phải sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ điều gì theo yêu cầu của hai bên, miễn là điều đó trong khả năng cung cấp của chủ nhà.

Các nhà ngoại giao được phỏng vấn cho rằng những gì Singapore chuẩn bị là phông nền. Ông Nicholas Fang, Giám đốc an ninh và các vấn đề toàn cầu thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Singapore, nói: “Đó không phải là cuộc họp hay màn thể hiện của chúng tôi”.

Tiết lộ chuyện hậu trường chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ảnh 2

Cảnh sát Singapore tuần tra bên ngoài khách sạn Shangri-La. Ảnh: AP

Tờ Straits Times cho rằng ngay cả việc phục vụ trà và cà phê cũng không đơn giản chút nào. Không chi tiết nào bị coi là quá nhỏ nhặt, trong đó có cà phê.

Một cựu quan chức lễ tân ngoại giao cho biết nhiều người nước ngoài không quen vị cà phê Nanyang của Singapore. Vì thế, Singapore cần phải phục vụ một loại thức uống mang tính quốc tế hơn.

Tiến sỹ Alan Chong thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) cho biết cần phải cân nhắc đến nhiều vấn đề hậu trường khác để đảm bảo không khí bình đẳng dễ nhận thấy. 

Tham gia vào quá trình chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh có nhiều bộ ngành khác nhau như ngoại giao, nội vụ, quốc phòng, thông tin, truyền thông, giao thông… Đại sứ lưu động Ong Keng Yong cho biết đó là một công việc phức tạp và chúng ta cần ngả mũ với những người xử lý công việc chuẩn bị.

Tiến sĩ Graham Ong-Webb cũng thuộc RSIS nhận định: Mặc dù Singapore chỉ phụ trách về hình thức chứ không phải chất lượng cuộc họp nhưng hình thức là một điều rất quan trọng. Nó đảm bảo những người đang tham gia đàm phán có bối cảnh thoải mái nhất về mặt tinh thần, tâm lý và cảm xúc. Ông nhấn mạnh: “Lễ tân có thể xây dựng hoặc phá đổ các hội nghị thượng đỉnh”.

Đó là lý do tại sao trước thềm hội nghị, Singapore phải thảo luận với cả hai bên là Mỹ và Triều Tiên để hiểu hơn về tình hình và những vấn đề nhạy cảm có thể gặp.

Tầm quan trọng của bình đẳng

Chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa là tới ngày họp thượng đỉnh Mỹ-Triều, quá trình chuẩn bị ở Singapore cũng đang dần hoàn tất. 

Theo các chuyên gia, Singapore cần phải đảm bảo không khí bình đẳng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều ngay từ lúc máy bay chở họ đáp xuống sân bay. Nếu chiếc Không lực 1 của Tổng thống Trump trông ấn tượng hơn chiếc máy bay chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un, báo chí có thể không được ghi lại cảnh máy bay tới. Phóng viên có thể chỉ được mời chụp ảnh ghi hình tại lễ đón chính thức tại Phủ Tổng thống Istana.

Tiết lộ chuyện hậu trường chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ảnh 3

Chiếc xe The Beast (Quái thú) của Tổng thống Trump. Ảnh: Getty

Ô tô mà hai nhà lãnh đạo đi cũng phải sang trọng như nhau. Phía Mỹ sẽ mang theo ô tô riêng trong đó có chiếc xe “Quái thú” bọc thép của Tổng thống Trump. Trong khi đó, phía Triều Tiên có thể phải thuê xe từ một công ty địa phương để xe trông tương xứng với phía Mỹ.

Theo quy tắc ngoại giao, mỗi nhà lãnh đạo sẽ được một thành viên nội các Singapore tháp tùng trong chuyến đi.

Theo tiến sĩ Ong-Webb, tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng cũng là lý do tại sao hội nghị thượng đỉnh sẽ khó có thể diễn ra tại khách sạn Marina Bay Sands. Khách sạn này thuộc sở hữu của ông trùm người Mỹ Sheldon Adelson – một người bạn của Tổng thống Trump. Tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại đây sẽ làm hỏng không khí trung lập và bình đẳng.

Thêm nữa, không nhà lãnh đạo nào sẽ nghỉ tại địa điểm diễn ra hội nghị để không tạo cảm giác một người được nhìn như chủ nhà đón tiếp người kia tới.

Hiện nay, có tin cho rằng Tổng thống Trump có thể ở tại khách sạn Shangri-La và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể ở tại khách sạn Fullerton. Còn hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra tại khách sạn Capella hay một khách sạn nào đó trên Sentosa.

Một vấn đề mà Singapore cũng phải để ý đó là ai ngồi chỗ nào tại bàn chính tại bữa tiệc. Một quan chức lễ tân nghỉ hưu cho biết ông từng chứng kiến một sự kiện có một chiếc bàn tròn đủ lớn để xếp chỗ cho 36 vị khách nhằm tránh bất đồng.

Tiết lộ chuyện hậu trường chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ảnh 4

Phóng viên bên ngoài khách sạn Fullerton, nơi nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể ở tại Singapore. Ảnh: Straits Times

Cựu quan chức này cho biết truyền thông Hàn Quốc cũng xuất bản một hướng dẫn bằng đồ họa hoàn chỉnh về việc ai ngồi vị trí nào tại bàn tiệc ngoại giao.

Những chi tiết đó sẽ rất quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh lần này ở Singapore, đặc biệt là khi nước này có quan hệ lâu năm với Mỹ.

Ông Nicholas Fang nhận định: “Quan hệ của Singapore với Mỹ rộng hơn và sâu sắc hơn với Triều Tiên, nhưng nước này không thể ưu đãi bất kỳ bên nào”. Nếu Singapore khiến cho Triều Tiên cảm thấy được tôn trọng tại đây, Singapore sẽ thành công.

Mặc dù mọi chi tiết có thể đã được chuẩn bị sẵn sàng nhưng theo Straits Times, Singapore vẫn cần tới kế hoạch B, C, thậm chí D để đề phòng mọi tình huống có thể xảy ra. 

Đọc thêm

Đoàn kiều bào thăm, động viên quân, dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I

Đoàn công tác số 11 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, ra thăm Trường Sa.
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Tiết lộ khẩu pháo phòng không nguy hiểm nhất của Nga

Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga.
(PLVN) - Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga không chỉ là phương tiện phòng không chống lại trực thăng, máy bay không người lái cỡ lớn và máy bay chiến đấu bay thấp mà còn là vũ khí đất đối đất “sát thủ” cả trên bộ và trên biển.

Mỹ chế tạo máy bay 'Ngày tận thế' mới

Một máy bay chỉ huy và điều khiển E-4B.
(PLVN) - Mỹ sẽ phát triển một máy bay “Ngày tận thế” mới để cho phép tổng thống Mỹ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân hoặc thảm họa lớn khác phá hủy các trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên mặt đất.

Tiết lộ sức mạnh vũ khí 'độc nhất vô nhị' của Nga

Máy bay ném bom Tu-160 của Nga.
(PLVN) - Máy bay ném bom Tu-160M2 của Nga “vượt mặt” các loại sản phẩm đối thủ của các nước khác nên đang gây lo ngại nghiêm trọng ở các nước phương Tây, hãng tin Sputnik dẫn lại thông tin từ tờ National Interest khẳng định.