Bắt đầu từ doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo
Tại Việt Nam, kỷ nguyên AI cũng đang thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ. Một ví dụ nổi bật là nền tảng ví điện tử MoMo đã có bước chuyển mình ấn tượng với việc tích hợp AI vào các tính năng tài chính. Chính thức công bố vào cuối tháng 10/2024, MoMo AI định vị mình là “Trợ thủ tài chính với AI”, mang đến cho người dùng khả năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả và tiện lợi hơn. Từ các tính năng như trung tâm tài chính thông minh, quỹ nhóm, đến trợ lý tài chính cá nhân Moni, MoMo AI không chỉ giúp tự động hóa các thao tác quản lý tiền bạc mà còn cá nhân hóa trải nghiệm chi tiêu. Với hơn 30 triệu người dùng và hàng nghìn đối tác, MoMo được xem là đơn vị tiên phong thúc đẩy tài chính toàn diện và kinh tế số tại Việt Nam. Sự đổi mới này không chỉ phục vụ cá nhân mà còn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi số hiệu quả.
Trước đó, trợ lý ảo VinFast tích hợp công nghệ AI tạo sinh đã ra mắt trên dòng xe VF 8 Lux Plus từ tháng 7/2024, mang đến trải nghiệm tương tác tự nhiên, thông minh và liền mạch cho người dùng. Phát triển từ trợ lý ViVi, sản phẩm này cho phép người dùng thực hiện nhiều tác vụ đa dạng như tra cứu thông tin xe, tư vấn mua sắm, hoặc tìm hiểu các chủ đề thường thức. Với khả năng xử lý ngôn ngữ vượt trội, trợ lý có thể hỗ trợ lên kế hoạch du lịch, so sánh chi phí giữa xe điện và xe xăng, hoặc gợi ý thực đơn nấu ăn. Sản phẩm do VinBigdata phát triển, sử dụng hàng trăm tỉ dữ liệu tiếng Việt để tăng tính tự nhiên trong giao tiếp. Đội ngũ kỹ sư đã làm chủ công nghệ AI tạo sinh từ tầng lõi chỉ trong 9 tháng, rút ngắn đáng kể thời gian so với các công ty lớn khác. Trợ lý ảo VinFast không chỉ là bước tiến trong công nghệ xe thông minh mà còn là dấu ấn đổi mới trong hệ sinh thái công nghệ của Vingroup.
Các làng nghề truyền thống tại Việt Nam cũng đang nhanh chóng bắt kịp xu thế chuyển đổi số, tiêu biểu là câu chuyện tại làng nghề dệt lụa Nha Xá ở Hà Nam. Đầu năm 2024, mạng xã hội lan truyền những câu chuyện về sự thay đổi tích cực mà các hộ sản xuất lâu năm tại đây đã đạt được nhờ áp dụng công nghệ số. Trước đây, lụa Nha Xá chủ yếu được biết đến qua các hội chợ và chương trình quảng bá do Hiệp hội và Hợp tác xã tổ chức. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ứng dụng định danh điện tử VNeID đã mở ra một trang mới đầy triển vọng. Với hàng chục triệu lượt tải, VNeID không chỉ giúp sản phẩm lụa Nha Xá tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn mà còn tạo tiếng vang cả trong và ngoài nước. Ứng dụng này trở thành cầu nối quan trọng, đưa nghề lụa truyền thống hơn 700 năm tuổi đến gần hơn với khách hàng toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở lụa Nha Xá, đặc sản cá kho Nhân Hậu của Hà Nam cũng được quảng bá trên VNeID, góp phần gắn kết du lịch với đặc sản địa phương. Theo đó, việc quảng bá sản phẩm qua các nền tảng số không chỉ thúc đẩy kinh tế hộ gia đình mà còn từng bước xây dựng xã hội số và công dân số, tạo ra nền tảng phát triển toàn diện trong kỷ nguyên công nghệ.
Trợ lý ảo VinFast có khả năng cập nhật, nâng cấp thường xuyên, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng ô tô điện VinFast. (Ảnh: Vin Bigdata). |
Hòa vào xu hướng chung, trên giới, nhiều doanh nghiệp đã khai thác sức mạnh của AI để chuyển đổi nghề nghiệp và đổi mới hoạt động kinh doanh. Một ví dụ điển hình là Amazon, công ty đã triển khai AI để tối ưu hóa quy trình logistics và quản lý kho hàng, đồng thời đào tạo lại nhân viên trong các chương trình như Career Choice, giúp họ phát triển kỹ năng mới phù hợp với các vai trò liên quan đến AI. Điều này không chỉ giúp Amazon tăng cường hiệu suất mà còn đảm bảo rằng lực lượng lao động của họ không bị bỏ lại phía sau trong làn sóng tự động hóa. Tương tự, tại Đức, Siemens đã áp dụng AI trong các nhà máy thông minh để cải thiện hiệu quả sản xuất. Họ đồng thời triển khai các chương trình đào tạo cho kỹ sư và công nhân để sử dụng các công cụ AI trong vận hành và bảo trì thiết bị.
Những minh chứng trên cho thấy việc chủ động kết hợp chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực có thể tạo ra giá trị lâu dài, đặc biệt cho thị trường lao động. Các công ty như MoMo và VinFast không chỉ tiên phong trong việc tích hợp AI vào sản phẩm mà còn tạo điều kiện cho người lao động phát triển kỹ năng mới. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình, từ đó mở rộng các vị trí công việc liên quan đến dữ liệu, lập trình và quản lý hệ thống AI. Điều này tạo ra lợi ích kép: Người lao động được tạo điều kiện từ sớm để nâng cao kỹ năng, đáp ứng yêu cầu mới của thời đại công nghệ AI, từ đó gia tăng năng suất và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, các doanh nghiệp có khả năng tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ dễ dàng triển khai công nghệ vào hoạt động, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và đổi mới sáng tạo.
Tìm kiếm “chìa khóa” thành công trong kỷ nguyên AI
Thời gian gần đây, các hội thảo, chương trình, khóa học liên quan đến công nghệ AI, chuyển đổi nghề nghiệp trong thời đại AI ngày càng phổ biến, cho thấy mối quan tâm lớn từ thị trường lao động trong nước, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. Nhìn chung, công nghệ AI không hẳn được xem là mối đe dọa mà là cơ hội lớn nếu biết cách tận dụng. Trên thế giới, việc kết hợp AI với nguồn lực con người đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, góp phần không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn tạo ra giá trị bền vững.
Nền tảng ví điện tử MoMo đã có bước chuyển mình ấn tượng với việc tích hợp AI. (Ảnh: MoMo) |
Theo báo cáo Chỉ số Xu hướng Công việc năm 2024 của Microsoft Việt Nam, dựa trên khảo sát 31.000 người tại 31 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cho thấy: 88% lao động tri thức tại Việt Nam đang sử dụng AI tạo sinh, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 75%. AI không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tăng khả năng sáng tạo, cho phép nhân viên tập trung vào nhiệm vụ chính. Tuy nhiên, 48% lãnh đạo Việt Nam lo ngại về việc thiếu tầm nhìn và kế hoạch triển khai cụ thể, dù 89% thừa nhận AI là yếu tố cạnh tranh thiết yếu. Thực trạng "Bring Your Own AI" (BYOAI) - nhân viên sử dụng các công cụ AI cá nhân của họ trong môi trường làm việc, thay vì các công cụ AI được cung cấp chính thức bởi công ty - cũng là một điểm nổi bật. 70% người dùng Việt Nam sử dụng công cụ AI cá nhân, dẫn đến nguy cơ mất an ninh thông tin và bỏ lỡ cơ hội tối ưu hóa. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng 76% lãnh đạo tại Việt Nam sẽ không tuyển dụng ứng viên thiếu kỹ năng AI, so với 66% trên toàn cầu. 78% lãnh đạo Việt Nam ưu tiên ứng viên ít kinh nghiệm nhưng thành thạo AI, nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng này trong tuyển dụng.
Nhìn chung, công nghệ AI đang định hình lại môi trường làm việc, tạo cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi cả nhân viên lẫn lãnh đạo phải thích nghi để tối ưu hóa lợi ích mà AI mang lại. Đơn cử, Microsoft đã công bố các tính năng mới trong Copilot trên Microsoft 365, hỗ trợ hội thoại thông minh và cá nhân hóa gợi ý công việc. LinkedIn đã ra mắt hơn 50 khóa học AI dành cho người dùng Premium, cùng với hơn 600 khóa học hiện có, nhằm nâng cao kỹ năng AI cho lao động toàn cầu.
Có thể thấy, trong một thế giới nơi các công việc truyền thống đều đang đứng trước nguy cơ bị thay thế, định hướng và triển khai đào tạo lại kỹ năng là điều tất yếu. Các chương trình đào tạo tập trung vào dữ liệu, lập trình và tư duy sáng tạo sẽ giúp người lao động thích nghi tốt hơn với các thay đổi. Đồng thời, những doanh nghiệp thành công trong kỷ nguyên AI thường là những tổ chức sẵn sàng thử nghiệm, đổi mới và chấp nhận rủi ro - yếu tố cần thiết để tạo ra các bước đột phá.