Theo bác sĩ Dư Minh Trí, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, dịp Tết là thời điểm các loại vi rút gây bệnh vào thời điểm này có đặc tính hoạt động mạnh và cũng do đặc tính của mùa xuân như có nhiều phấn hoa, thời tiết lạnh, độ ẩm cao…
Sau đây là một số bệnh dịch ở trẻ vào mùa xuân mà quý phụ huynh cần lưu ý:
Dịch cúm mùa: Khi thời tiết trở lạnh vào xuân là thời điểm của dịch cúm xảy ra, bệnh gây ra những triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ ở trẻ. Bệnh thường tự khỏi sau 5-7 ngày nếu trẻ được chăm sóc tốt và uống đủ nước.
Trong một số trường hợp, cúm sẽ làm cơ thể trẻ yếu đi và bị bội nhiễm thêm các bệnh lý khác như viêm thanh khí phế quản (biểu hiện là khàn tiếng, thở mệt,…), viêm phế quản (khò khè, bứt rứt, ho đàm,…) hay nặng hơn là viêm phổi (suy hô hấp, sốt cao,…).
Hiện đã có vaccine phòng bệnh cúm mùa, bé sẽ được chích 2 liều cách nhau 1 tháng trong năm đầu tiên và nhắc lại mỗi năm 1 lần.
Sốt phát ban: Thời điểm này bé thường nhiễm các loại siêu vi gây sốt như rubella, parvovirus,… bệnh thường biểu hiện sốt cao liên tục trong 3 ngày đầu, sau đó sốt sẽ giảm đi và hết hẳn vào ngày thứ 5,6 của bệnh. Lúc này trên người trẻ sẽ trổ ra những mảng ban hồng, lan từ mặt đến chân rồi lặn dần đi. Bệnh này thường khiến trẻ rất mệt mỏi, li bì và mất nước do sốt.
Hầu hết các vi rút gây sốt phát ban đều lây lan qua đường hô hấp nên quý phụ huynh có thể phòng tránh bằng đeo khẩu trang cho trẻ, tránh tiếp xúc với người bệnh, dùng các loại thức ăn uống giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng và đi khám bệnh ngay khi trẻ có biểu hiện sốt.
Ngoài ra, phụ huynh còn có thể đưa trẻ đi chích ngừa Sởi- Quai bị- Rubella từ 12 tháng tuổi.
Dịch tiêu chảy cấp do Rotavirus: Rotavirus là vi rút rất dễ lây lan vì chỉ cần nhiễm một lượng nhỏ cũng có thể gây bệnh cho trẻ. Bệnh thường biểu hiện đầu tiên bằng biểu hiện nôn ói nhiều lần trong 1-2 ngày đầu tiên, sau đó ói sẽ bớt đi và trẻ bắt đầu tiêu chảy. Trẻ thường tiêu chảy nhiều lần trong ngày khiến cho trẻ nhanh chóng bị mất nước.
Bệnh thường tự khỏi sau 5-6 ngày bệnh nếu trẻ được bồi hoàn nước đầy đủ. Tuy nhiên việc bồi hoàn nước cho trẻ bị nhiễm Rotavirus thường không dễ dàng do trẻ rất dễ bị nôn khi đút nước cho trẻ uống.
Để phòng Rotavirus, phụ huynh có thể cho trẻ uống vaccine ngừa bệnh từ 6-8 tuần tuổi.
Thủy đậu/Trái rạ: Mùa xuân là thời điểm rất nhiều trẻ bị mắc bệnh thủy đậu. Do bệnh lây lan dễ dàng nên rất dể gây ra dịch trong cộng đồng. Thủy đậu thường biểu hiện là bóng nước nhiều tuổi, nổi khắp cơ thể kể cả vùng niêm mạc như miệng, hậu môn.
Bệnh thường tự khỏi sau 7-10 ngày tuy nhiên trong một số trường hợp nhất là đối với trẻ nhỏ, thủy đậu có thể bội nhiễm gây nhiễm trùng huyết hay xâm lấn vào hệ thần kinh trung ương gây viêm não.
Do đó, phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Quý phụ huynh có thể đưa trẻ chích ngừa trái rạ từ 12 tháng tuổi tại các cơ sở y tế.
Viêm mũi dị ứng, hen phế quản: Vào mùa xuân phấn hoa rất nhiều, đây là tác nhân quan trọng gây ra các triệu chứng dị ứng của đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen phế quản.
Viêm mũi dị ứng thường biểu hiện bằng ngứa mũi, hắt hơi, chảy mũi; hen phế quản thường biểu hiện bằng khò khè, thở rít, khó thở. Đây thực sự là thời điểm vô cùng khó chịu cho những bé không may mắc những bệnh lý dị ứng này và cũng khiến cho các bậc phụ huynh rất mệt mỏi trong việc chăm sóc bé.
Hiện nay, viêm mũi dị ứng và hen phế quản đã có những loại thuốc phòng bệnh rất hữu hiệu, thường được sử dụng từ 2 tuần trước thời điểm bé thường dị ứng cho đến khi hết thời điểm đó.
“Lưu ý rằng các thuốc phòng bệnh của trẻ không giống với các thuốc dành cho người lớn do đó các bậc phụ huynh nên đưa bé đến khám tại các bác sĩ nhi khoa để nhận được hướng dẫn phòng bệnh phù hợp với trẻ”, bác sĩ Trí nhấn mạnh.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu