Hướng tới kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (ngày 7/11/1917-7/11/2017 theo lịch Gregorius, theo lịch Julius Nga sử dụng thời điểm đó là ngày 25/10/1917), đã có nhiều hội thảo được tổ chức xoay quanh chủ đề: 100 năm chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực. Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, giá trị của CNXH hiện thực từ sau Cách mạng Tháng Mười; luận giải, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng, củng cố niềm tin vào con đường đi lên CNXH và chế độ CNXH ở Việt Nam; nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu CNXH khoa học trong các nhà trường quân đội hiện nay, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “100 năm CNXHhiện thực - giá trị lý luận và thực tiễn”.
Hội thảo đã nhận được 130 bài tham luận của các tướng lĩnh, nhà khoa học… về các vấn đề lý luận, thực tiễn CNXH hiện thực từ sau Cách mạng Tháng Mười đến nay. Các đại biểu đã phân tích, làm sáng tỏ những nội dung về giá trị thời đại, ý nghĩa mở đường và tinh thần khai sáng cho cả một thế kỷ phát triển vừa qua của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga 1917; đồng thời nhìn nhận lại sự hình thành, phát triển của CNXH hiện thực ở mỗi nước và trào lưu xã hội chủ nghĩa trên thế giới trong một thế kỷ qua.
Trong hơn bảy thập kỷ tồn tại và phát triển, CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhiều hạn chế, khiếm khuyết đã dẫn tới sự trì trệ, khủng khoảng và sụp đổ. Hội thảo này được tổ chức nhằm tìm ra hướng đi mới để tồn tại, phát triển vững chắc tại các nước xã hội chủ nghĩa.
Theo GS, TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một thời đại phát triển mới, cứu nhân loại thoát khỏi chủ nghĩa phát xít, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, bảo vệ nền hòa bình thế giới… Tuy nhiên, mô hình CNXH kiểu Xô-viết chứa đựng nhiều hạn chế, khiếm khuyết dẫn đến sự trì trệ, xơ cứng, khủng hoảng và sụp đổ. Sự tan vỡ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sụp đổ của mô hình CNXH kiểu Xô - viết chứ không phải là sự lỗi thời, đổ vỡ của CNXH với tư cách là lý tưởng về một xã hội tốt đẹp và với tư cách là một học thuyết khoa học. Mặc dù chủ nghĩa tư bản ngày nay đã có nhiều sự thay đổi, đạt được trình độ phát triển cao về kinh tế, năng suất lao động…, song bản thân nó vẫn có những mâu thuẫn không thể tự giải quyết. Thực tiễn ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển không thể chứng minh được xã hội tư bản là nền văn minh cuối cùng mà lịch sử biết đến.
Tương lai không thuộc về chủ nghĩa tư bản mà sự quá độ lên CNXH là một tất yếu khách quan. Cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội của nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa đang phát triển mạnh mẽ. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đang tiến hành công cuộc cải cách đổi mới nhằm phát hiện, tìm tòi và sáng tạo những phương thức, biện pháp phù hợp xây dựng, phát triển và bảo vệ CNXH. Đổi mới để tồn tại và phát triển vững chắc trở thành một nhu cầu nội tại của CNXH trong thế kỷ XXI. Nhất là với giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ở giai đoạn đầu, được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc cách mạng lần thứ 4 đã tạo ra những thuận lợi, những thách thức không nhỏ với sự phát triển của CNXH. Trong bối cảnh đó, các nước cần lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa theo những mô hình khác nhau phải có sự chuẩn bị để có thể tận dụng được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức đưa đất nước phát triển.
Các tham luận đã khẳng định sức sống của CNXH hiện thực 100 năm qua và dự báo những phát triển trong thời gian tới; luận giải, làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra đối với CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ngoài ra, các ý kiến tại Hội thảo cho thấy, thành tựu nổi bật của một thế kỷ xây dựng CNXH là sự lớn mạnh nhanh chóng, sức hấp dẫn của CNXH và sự xuất hiện nhiều mô hình xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Một thế kỷ xây dựng CNXH hiện thực mang lại nhiều nhận thức lý luận và các cung bậc cảm xúc của những người yêu quý sự nghiệp giải phóng và phát triển. Sự tồn tại, phát triển, rồi trì trệ, khủng hoảng và cải cách, đổi mới của CNXH hiện thực cho chúng ta một đánh giá khái quát về sự thăng trầm, sức sống và cả những vấn đề của CNXH hiện thực trong 100 năm qua. Từ thực tiễn này, mỗi nước trên con đường xây dựng CNXH hiện thực đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và bước đầu xác định trên thực tế một số quy luật của quá trình xây dựng CNXH.
Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, với nhạy cảm chính trị của mình, qua phân tích lịch sử, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin là con đường cứu nước duy nhất đúng cho dân tộc mình. Từ vai trò người tìm đường, Hồ Chí Minh đã trở thành người mở đường, dẫn đường cho cả dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH.
Một thế kỷ đã trôi qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, tuy đời sống chính trị xã hội thế giới có những biến đổi sâu sắc, nhưng tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn nguyên giá trị đối với nhân loại tiến bộ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất đứng lên tự giải phóng… Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.