Hiệu lực của thỏa thuận phân chia tài sản chung
Bà Hoàng Thị Kim Xuyến ở Chính Kinh, Thanh Xuân, Tp. Hà Nội đề nghị tư vấn: “Năm 2008, tôi góp tiền cùng ba người bạn mua một lô đất, nhà tại Khu đô thị Trung Yên. Tại thời điểm mua đất, nhà chúng tôi có lập cam kết với nhau là cho người nước ngoài (Hàn Quốc) thuê và đã lập bản giao ước với nhau đây là tài sản thuộc sở hữu chung của tất cả mọi người và chỉ bán căn hộ này sau tám năm kể từ năm 2003. Tuy nhiên, đầu năm 2010, có một người trong số chúng tôi đòi bán nhà để chia tiền trước thời hạn, nhưng ba người còn lại không đồng ý. Liệu việc bạn tôi muốn bán nhà, đất chúng tôi có phải thực hiện theo hay không?”
- Trường hợp bà nêu, tài sản nhà và đất mà bà nêu là tài sản chung của tất cả những người cùng góp vốn. Vì vậy, việc phân chia khối tài sản chung này phải được sự chấp thuận của những người cùng góp vốn.
Điều 224 của Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định về chia tài sản chung nêu rõ, trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó.
Như vậy, nếu bà và các bạn bà đã thoả thuận chỉ bán nhà và đất thuộc tài sản chung của bốn người sau tám năm kể từ năm 2003, thì mỗi người trong số các bạn bà chung vốn góp, chỉ có quyền yêu cầu bán nhà, đất đó khi hết thời hạn tám năm kể từ năm 2003.
Như thế nào là hành vi hủy hoại đất?
Bà Phạm Thị Lan Anh, ở thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, Đăk lăk đề nghị tư vấn: “Gia đình tôi có một lô đất với diện tích 1347m2 do bố tôi khai phá từ năm 1989. Năm 2005, UBND huyện đã cấp sổ đỏ cho gia đình tôi, với mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm. Vừa qua, gia đình tôi đổ đất trồng cây thì bị UBND thị trấn xử phạt vi phạm hành chính với lý do gia đình tôi có hành vi hủy hoại đất. Việc UBND thị trấn xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình tôi có đúng quy định pháp luật hay không?”
- Theo Khoản 27 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003 giải thích khái niệm hủy hoại đất thì Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Gia đình bà đổ đất trồng cây là phục vụ cho mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm như đúng quy định trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được UBND huyện cấp. Hơn thế nữa, việc xem hành vi đổ đất để trồng cây là hành vi hủy hoại đất là trái với quy định tại Khoản 27 Điều 4 Luật Đất đai và không có cơ sở pháp lý.
Như vậy, việc UBND thị trấn xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình bà với lý do hủy hoại đất là trái với quy định của pháp luật.
PLVN