Song song với phòng chống dịch có hiệu quả, Hải Phòng cũng nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 13,22%, gấp 2,95 lần bình quân cả nước (4,48%); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,72 tỷ USD, tăng 25,15%; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 33,93 triệu tấn, tăng 16,66%; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 22,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2%; trong đó, thu nội địa đạt gần 8,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7%; thu hút 920,7 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gấp 4,25 lần so với cùng kỳ 2020.
Ngay sau Đại hội XVI Đảng bộ TP, Thành ủy và các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; đặc biệt là các công trình, dự án, đề án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của TP.
Hải Phòng cũng tạo được dấu ấn riêng khi có những quyết sách táo bạo: Xây dựng mỗi phường 1 công viên xanh; xây dựng hơn một trăm cây cầu trong giai đoạn 2021-2025; dự kiến chi hơn 6.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây mới, hoặc cải tạo 187 chung cũ, xuống cấp; dành 2.500 tỷ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; hạ ngầm toàn bộ hệ thống đường dây điện, đường cáp viễn thông; lập dự án cải tạo, chỉnh trang hè đường dự kiến khoảng 300 tuyến đường, với kinh phí đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.
Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, Hải Phòng còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục dứt điểm trong thời gian tới như: Giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện một số dự án trọng điểm còn chưa đạt tiến độ như mong muốn; cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương ở một số đơn vị chưa nghiêm; tai nạn giao thông có xu hướng tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ… Ông Thành đã nhiều lần khẳng định, Hải Phòng muốn thành công thì phải tháo bỏ những “nút nghẽn” để phát triển bứt phá.
Trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục triển khai quyết liệt việc thực hiện chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, trong đó xây dựng 21 công viên trong năm 2021 và 46 công viên trong năm 2022.
Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Bắc (Ảnh: Phong Pink) |
Cùng với việc hoàn thiện các thủ tục giải ngân vốn đầu tư công, Hải Phòng cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình cầu, đường đang thi công như: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường Đông Khê 2; cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; cải tạo, nâng cấp đường 359 từ cầu Bính đến xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên; cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Rào 1... đồng thời khởi công xây dựng các công trình: Tuyến đường Vành đai 2 đoạn Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; cầu Bến Rừng; cầu Nguyễn Trãi; cầu Vũ Yên; cầu Lại Xuân; cầu Nghìn 2; cầu Rào 3; nút giao Tôn Đức Thắng - Máng Nước - QL5...
Để thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và huy động tối đa các nguồn lực xã hội vào 3 trụ cột kinh tế: công nghiệp, công nghệ cao; cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.
Ngày 15/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020. Theo kết quả được công bố, thành phố Hải Phòng xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, TP, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019. Đây là lần thứ ba TP Hải Phòng nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.