Có sự lệch giữa hệ 7 năm và 10 năm
Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh từ năm 2017-2019 cho thấy, điểm trung bình của học sinh cả nước trong 3 năm đều dưới 5.0; mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3.0 đến 3.4. Kết quả thi này có sự phân hoá theo vùng miền.
Trong khi những địa phương khó khăn thuộc vùng núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Hà Giang, Sơn La, Hậu Giang… nhiều năm xếp cuối về điểm trung bình trong cả nước; thì những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… lại đứng đầu.
Điểm trung bình của TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu đều từ 5-6, cao hơn mức chung của cả nước. Tỷ lệ điểm dưới trung bình, điểm từ 8 trở lên cũng có sự phân hoá theo địa phương.
Ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, với môn tiếng Anh, thể hiện rõ sự phân hóa vùng miền. Điểm cao tập trung ở thành thị, các đô thị lớn nên đây cũng là môn có rất nhiều điểm 9, 10 so với các môn khác.
Ngược lại, nhiều điểm thấp ở môn này tập trung ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, điều này phản ánh đúng điều kiện dạy học và mức độ quan tâm của người dân với môn này ở các vùng miền khác nhau. Những năm trước, môn Lịch sử và Tiếng Anh đã có kết quả thấp.
Tuy năm 2019 đã có tiến bộ hơn so với năm 2018 nhưng kết quả này vẫn chưa chấp nhận được. Vì vậy cần có phân tích kỹ lưỡng, đúc rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau.
Nhìn nhận phổ điểm thi THPT quốc gia từ góc độ hệ đào tạo, ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên môn tiếng Anh, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay vẫn đang tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông, chương trình hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3), hệ 10 năm chủ yếu được triển khai ở những tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Qua thống kê và đánh giá, học sinh hệ 10 năm có chất lượng tốt hơn học sinh hệ 7 năm. Tuy nhiên để triển khai được rộng khắp hệ 10 năm, cần một đội ngũ giáo viên có chất lượng, trong khi thực tế chất lượng giáo viên hiện nay rất không đồng đều, ở những tỉnh khó khăn, trình độ giáo viên còn hạn chế.
Cùng quan điểm với ông Giang, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia thông tin thêm, theo khảo sát, điểm trung bình thi THPT quốc gia của học sinh học hệ 10 năm cao hơn học sinh hệ 7 năm xấp xỉ 2 điểm.
Bà Hữu cũng cho biết, ngoài việc xây dựng và chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình tiếng Anh cho trẻ mầm non, trẻ em càng được tiếp xúc với tiếng Anh sớm sẽ càng tốt.
Và cũng chung lo lắng về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, bà Hữu cho rằng, rất cần có vai trò xã hội hóa, cần sự hỗ trợ của các trung tâm ngoại ngữ trong đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu vùng xa.
Thầy ta trốn… thầy tây
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2019, cả nước có 789.435 thí sinh dự thi môn tiếng Anh. Trong đó có tới 542.666 thí sinh có điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 68,74%. Mức điểm có nhiều thí sinh đạt được nhất ở môn tiếng Anh là 3,75. Mức điểm trung bình môn đạt 4,3, chỉ cao hơn môn Lịch sử đang ở vị chí “đội sổ”.
Ở góc độ chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất - Giám đốc trường học trực tuyến Bigschool cho rằng: “Nếu nói rằng nguyên nhân dẫn đến điểm thi Lịch sử thấp do học sinh không hứng thú với môn học này, thì môn tiếng Anh lại khác hoàn toàn.
Bất cứ phụ huynh nào, dù ở thành phố hay nông thôn đều muốn và sẵn sàng đầu tư cho con học tiếng Anh. Hiện nay chúng ta đã đưa ra những chuẩn về giáo viên tiếng Anh như phải có các chứng chỉ B1, B2... nhưng cũng cần xem lại các chứng chỉ này” - TS Lê Thống Nhất lo ngại.
Ảnh minh họa |
TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQG TP Hồ Chí Minh - Giám đốc ban đảm bảo chất lượng Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng cũng cho rằng phổ điểm thi năm nay khá đẹp, vì đã phản ánh đúng thực chất của học sinh.
Riêng với môn tiếng Anh, bà Phương Anh nói không có gì bất ngờ. Theo TS Phương Anh, môn tiếng Anh được đầu tư lớn với các đề án hàng nghìn tỷ đồng, cũng đã làm được những việc nhất định, nhưng không thể mong đợi quá nhiều từ đề án cấp quốc gia này, mà cần có xã hội hóa.
Có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh, chuyên gia này cũng thẳng thắn nhìn nhận, nếu không có những sự thay đổi lớn hơn, tạo ra môi trường giao tiếp nhiều hơn, thì khó có thể cải thiện năng lực tiếng Anh của học sinh.
Nếu nói năng lực giáo viên tiếng Anh hiện nay còn có nhiều hạn chế, là bởi bản thân họ cũng chính là “sản phẩm” của nền giáo dục, chương trình học đó. Chính những giáo viên này cũng chỉ được học trên lớp và trong sách vở là chủ yếu, nên dẫn đến phát âm không hay, thậm chí không nghe được người bản xứ nói gì…
Là địa phương có điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước trong 3 năm (2017 5.92 điểm, 2018 là 5.06 điểm, 2019 là 5.79 điểm), đồng thời luôn đứng đầu về tỷ lệ thí sinh có điểm từ 8 trở lên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, chất lượng tiếng Anh của học sinh thành phố tốt nhờ khá nhiều từ các trung tâm ngoại ngữ.
“Cả thành phố có 700 trung tâm ngoại ngữ, hầu hết học sinh TP học thêm ngoại ngữ ở bên ngoài trường học, chỉ có một số học sinh vùng ven đô thị có điều kiện kinh tế khó khăn mới không tham gia học thêm ngoại ngữ” - Ông Hiếu thông tin.
Ở góc độ khác, bà Lê Quang Thục Quỳnh - Tổng Giám đốc Anh văn Hội Việt Mỹ cho rằng, để đào tạo tiếng Anh có chất lượng nguồn lực giáo viên cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng, quản lý chất lượng đào tạo phải thống nhất và nghiêm ngặt, kỹ năng và phương pháp giảng dạy cần được cập nhật thường xuyên, giáo trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế, ngoài ra cũng áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo.
Theo bà Quỳnh, cần phát huy sự hợp tác giữa trung tâm Anh ngữ và hệ thống trường công, từ đó thấy rõ nét hơn vai trò của xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện để phát triển hệ thống trung tâm Anh ngữ có chất lượng.