Giữ chức danh chủ chốt vẫn có thể bị tinh giản
Theo Dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế mà Bộ Nội vụ vừa công bố lấy ý kiến nhân dân, sẽ có 5 nhóm công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế.
Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn dôi dư do sắp xếp lại, chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn, có chuyên môn đào tạo không phù hợp với ngành nghề, có năng lực hạn chế, có 2 năm liên tiếp có số ngày nghỉ ốm trên 60 ngày.
Thứ hai là, cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cấp trên, không thể bố trí được công tác khác.
Thứ ba là, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc và các vị trí lãnh đạo của các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, nay cổ phần hóa hoặc giao, bán, giải thể, phá sản…
Thứ tư là, người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới.
Thứ năm là, những cán bộ, công chức được luân chuyển sang giữ các chức danh chủ chốt, được tuyển dụng hoặc được điều động thuộc biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù, nay thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại hoặc không đáp ứng yêu cầu chuyên môn…
Đối tượng tinh giản biên chế nói trên sẽ kèm theo điều kiện từ 55 – 58 tuổi đối với nam, 50 – 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên. Số đối tượng tinh giản biên chế khi chuyển sang bộ phận khác không hưởng lương từ ngân sách sẽ được lĩnh 3 tháng tiền lương hiện hưởng, được trợ cấp ½ tháng lương cho mỗi năm đóng bảo hiểm.
Riêng với những người thôi việc, ngoài được 3 tháng tiền lương thì được thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác đóng bảo hiểm. Người có tuổi đời dưới 45, nếu có nguyện vọng thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề để thôi việc, tự tìm việc làm mới.
6 năm, tinh giản 100.000 người
Tại Dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Nội vụ cho biết dự kiến sau sáu năm (2014-2020) thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Dự kiến phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng, tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong 6 năm khoảng 8.000 tỷ đồng.
Bộ Nội vụ cho biết, sau nhiều năm thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể và 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ An Giang, Vĩnh Long), tính đến ngày 31/12/2011 đã giải quyết tinh giản biên chế được 67.449 người.
Đã có nhiều ý kiến liên quan đến Dự thảo đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến. Nhiều người cho rằng, cần phải có tiêu chí rõ ràng trong việc xác định “lý do” những trường hợp thuộc diện tinh giản. Trong khi đó, cũng nhiều người tỏ ý băn khoăn bởi số lượng nhân sự giảm do nghỉ hưu, chuyển công tác, thôi việc, đi học thì cũng tương ứng với số người được tuyển vào.
Câu chuyện nhân sự đã trở thành vấn đề được người dân quan tâm suốt thời gian qua. Trước đó, với số liệu do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình công bố chỉ 1% cán bộ viên chức không hoàn thành nhiệm vụ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều.
Sếp đại diện phần vốn Nhà nước của SCIC sẽ được bố trí như thế nào?
Tính đến tháng 9/2013, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 382 DN, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách trên 14.000 tỷ đồng, giá thị trường ước đạt 71.000 tỷ đồng. Hệ thống người đại diện vốn nhà nước tại DN do SCIC quản lý có 470 người, trong đó có 387 người đại diện trực tiếp tham gia lãnh đạo, điều hành DN.
Theo đề án tái cơ cấu SCIC, đến năm 2015 SCIC sẽ thoái vốn tại 376 doanh nghiệp, trong đó có Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Bảo Việt, Nhựa Bình Minh… Mục tiêu đến năm 2015, danh mục đầu tư vốn của SCIC sẽ còn không quá 100 doanh nghiệp.
Sau khi thoái vốn, chưa biết SCIC sẽ tổ chức lại bộ máy nhân sự như thế nào đối với các lãnh đạo đại diện phần vốn nhà nước do Tổng Công ty này quản lý.