4 nguyên nhân của hụt thu
Về nguyên nhân hụt thu NSNN năm 2013, Ủy ban TCNS cho rằng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số thuế phát sinh phải nộp thấp làm cho số thu nội địa giảm mạnh.
Dự toán thu, chi NSNN năm 2013 được Quốc hội quyết định với mức phấn đấu khá cao, do kết quả thu NSNN năm 2012 giảm lớn so với ước thực hiện, nên tỷ lệ dự toán thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất) và thu từ hoạt động XNK năm 2013 tăng xấp xỉ 20% so với thực hiện năm 2012, đây là mức tăng lớn.
Thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và theo một số luật thuế làm giảm thu ngân sách khoảng 16.600 tỷ đồng.
Số nợ thuế lớn và có xu hướng tăng đột biến ở nhiều địa phương, một mặt cho thấy tình hình tài chính của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặt khác, cho thấy công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa thường xuyên, tính quyết liệt chưa cao. Đồng thời, qua kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hầu hết đều phát hiện phải truy thu thuế. Điều này cho thấy, tình trạng kê khai sai, gian lận, trốn thuế vẫn xảy ra khá phổ biến, chưa giảm so với các năm trước.
Với những nguyên nhân trên, Ủy ban TCNS nhận định Chính phủ ước thu cân đối NSNN chỉ đạt 92,2% so với dự toán (hụt thu 63.630 tỷ đồng) là khá sát tình hình, song vẫn còn dư địa tăng thu từ việc tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu; thu vào NSNN một số khoản còn để ngoài NSNN.
Từ thực tiễn này, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, đồng thời bảo đảm bố trí đủ số tiền hoàn thuế GTGT năm 2013, không để phát sinh nợ mới.
Năm 2014 sẽ tiếp tục giảm biên chế đế hạn chế bội chi
Chiều nay, trong phần trình bày trước Quốc hội, Ủy ban TCNS cũng nêu những kế hoạch dự toán chi NSNN năm 2014
Ủy ban TCNS cho rằng, trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi NSNN đã cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của NSNN chưa được xử lý nhưng dự toán chi NSNN theo đề nghị của Chính phủ vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.
Do vậy, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ. Trong điều kiện khó khăn, buộc phải giảm chi đầu tư phát triển còn 163.000 tỷ đồng, thấp hơn mức dự kiến bội chi (224.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mức dự toán trên là thấp so với dự toán năm 2013 (175.000 tỷ đồng) và số ước thực hiện (201.555 tỷ đồng).
Về chi thường xuyên: Ủy ban TCNS đề nghị mức dự toán chi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, sự nghiệp môi trường, phải bảo đảm bố trí theo các tỷ lệ tương ứng 20%, 2%, 1% trên tổng chi NSNN. Lĩnh vực y tế phải cao hơn mức tăng chi NSNN như quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội. Xây dựng dự toán chi thường xuyên cho các lĩnh vực an sinh xã hội bằng với mức dự toán năm 2013, không ban hành chính sách chi an sinh xã hội mới khi chưa thể cân đối được nguồn thực hiện.
Đi cùng với những chủ trương này là tiết kiệm chi tiêu, giảm tối đa chi hội nghị, khánh tiết, không bố trí mua xe công… Đồng thời, cần rà soát tinh giảm biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp theo hướng không tăng biên chế (trừ biên chế thật cần thiết cho giáo dục, y tế), làm tăng gánh nặng cho NSNN, siết chặt kỷ luật tài chính trong quản lý chi tiêu.
Ủy ban TCNS nhất trí với phương án giảm chi của Chính phủ và đề nghị bảo đảm nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, với yêu cầu giữ danh mục 16 chương trình MTQG nhưng thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp. Một số ý kiến đề nghị ưu tiên cho các lĩnh vực trọng tâm như: xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, lao động và việc làm, một số chương trình có cam kết quốc tế như chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.