Nhiều hành vi vi phạm hành chính về y tế bị “bỏ lọt”

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.
(PLO) - Chiều 28/6, Đoàn kiểm tra liên ngành do Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về công tác thi hành pháp luật (THPL) về XLVPHC năm 2016. 

Tiếp Đoàn kiểm tra, về phía Bộ Y tế có Thứ trưởng Trương Quốc Cường và đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ.

Báo cáo kết quả công tác THPL về XLVPHC năm 2016 của Bộ Y tế với Đoàn kiểm tra, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Trang cho biết, Bộ Y tế rất quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và thường xuyên đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành triển khai công tác này thông qua các kế hoạch công tác pháp chế, công tác thanh tra và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Riêng công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành việc THPL về XLVPHC, trong năm 2016 Bộ Y tế đã triển khai 47 đoàn.

Qua số liệu tổng hợp, số vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế bị phát hiện và xử lý của năm 2016 là 243 vụ (giảm so với 321 vụ của năm 2015); đã ban hành và thi hành xong 219 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu được hơn 20,4 tỷ đồng. Trong đó, tiền phạt từ vi phạm trong quản lý dược là nhiều nhất với trên 7,5 tỷ đồng, tiếp đến là lĩnh vực an toàn thực phẩm hơn 5,5 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Y tế phạt theo thẩm quyền gần 7,3 tỷ đồng.

Cũng theo bà Trang, mặc dù đã có Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, số 178/2013/NĐ-CP nhưng vẫn còn một số hành vi vi phạm về khám, chữa bệnh, an toàn thực phẩm không có chế tài xử lý. Đáng chú ý là hành vi sử dụng nguyên liệu không công bố trong sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng không đúng đối tượng thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà không có giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc có nhưng đã hết hiệu lực... Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm gặp khó khăn trong mô tả rõ ràng, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn; biện pháp khắc phục hậu quả, hình thức xử phạt bổ sung với một số hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm chưa đủ răn đe; ngành Y tế không có thẩm quyền xử phạt về môi trường...

Trả lời câu hỏi của các thành viên Đoàn kiểm tra, đại diện Thanh tra Bộ Y tế lý giải sự chênh lệch giữa số vụ phát hiện và số quyết định xử phạt là do có một số vụ việc qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chuyển sang cho các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông. Vị đại diện này cũng khẳng định các quyết định xử phạt được ban hành là qua chủ động phát hiện, qua phản ánh trên báo chí, qua đơn thư... Cảm ơn hoạt động kiểm tra của Đoàn, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cam kết sẽ tiếp thu các góp ý của các thành viên Đoàn kiểm tra, rút kinh nghiệm để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác THPL về XLVPHC.

Thay mặt Đoàn kiểm tra, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn nhận định, lãnh đạo Bộ Y tế đã bước đầu quan tâm chỉ đạo đến công tác THPL về XLVPHC, các đơn vị thuộc Bộ Y tế nghiêm túc trong quá trình triển khai thực hiện quy định pháp luật về XLVPHC, đã sáng tạo lồng ghép truyền thông đối với công tác này. Tuy nhiên, theo ông Sơn, Bộ Y tế dường như chưa chú trọng đến biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà theo quy định của Luật XLVPHC cũng thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Cục trưởng Sơn đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế nghiên cứu giải pháp tăng cường vai trò của tổ chức pháp chế, bảo đảm liên thông chức năng thanh tra giữa Thanh tra Bộ và thanh tra các Tổng cục, Cục...

Tin cùng chuyên mục

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Đau đầu kéo dài, bé gái 9 tuổi được phát hiện có khối u não lớn

(PLVN) - Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nữ 9 tuổi, có khối u màng não lớn. Đây là ca bệnh khó vì người bệnh nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Đọc thêm

Suýt tử vong vì mắc căn bệnh thường gặp rồi đi uống thuốc nam

Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan. Ảnh: BVCC
(PLVN) - Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Cấp Cứu của đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 17 tuổi, đến từ Bắc Giang. Cách vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực không rõ sốt kèm theo mệt nhiều. Đặc biệt, trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu đã khỏi.