Tham dự hội nghị có hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành trung ương và 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có những tham luận đóng góp các giải pháp tổ chức, thúc đẩy nông hộ tham gia liên kết chuỗi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; giải pháp kết hợp giữa phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với thu hút khách du lịch trải nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và thảo luận những vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tổng diện tích 98.895km2, dân số hơn 15 triệu người, có 1.424 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 8/2019, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có 604/1.424 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp và huy động từ các nguồn lực khác được khoảng 365.000 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, xây dựng nông thôn mới tại Quảng Nam đã kết hợp giữa phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với thu hút khách du lịch trải nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh Quảng Nam. Theo đó, tỉnh đang tập trung phát triển một số sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động du lịch đã được hình thành, phát triển trong thời gian qua.
Thực tế hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng nghề, nông thôn của tỉnh đã được nhiều địa phương quan tâm, triển khai đưa vào hoạt động như Chương trình trải nghiệm các hoạt động nghề nông như ở làng rau Trà Quế, làng rau Thanh Đông, làng gốm Thanh Hà, tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (thành phố Hội An); làng trái cây Đại Bình (huyện Nông Sơn); làng bích họa Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ)...
Những địa chỉ du lịch này đã giúp du khách được trải nghiệm, được hòa cùng vào cuộc sống thực tế sản xuất của người nông dân.
Sản phẩm nông sản của các địa phương được trưng bày tại hội nghị |
Sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp là loại hình mới ở Quảng Nam, bước đầu mang lại hiệu quả, tạo được thiện cảm lớn với du khách, nhất là du khách đến từ châu Âu và Đông Bắc Á; trong đó, làng rau Trà Quế là sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút khách Quảng Nam trong hơn 10 năm qua; hằng năm, nơi đây đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, lưu trú và trải nghiệm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xây dựng nông thôn mới là thành công nhất trong tất cả các chương trình kinh tế-xã hội của các chương trình mục tiêu quốc gia. Đảng và Nhà nước hàng năm đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho mỗi địa phương xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã từng bước hoàn thiện các thiết chế trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.
Đặc biệt, chương trình đã có sự tập trung cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc để phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn. Đến nay cơ sở hạ tầng, vật chất và các thiết chế văn hóa ở từng địa phương đã hoàn thiện đáng kể. Hiện hệ thống giao thông phát triển 100% đến trung tâm xã; điện lưới quốc gia đạt 99%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là vùng đặc trưng nhất của Việt Nam để xây dựng nông thôn mới bởi đây là vùng có không gian phát triển xây dựng nông nghiệp, ngư nghiệp điển hình và rộng lớn nhất. Vì thế, cần phải tập trung xây dựng nông thôn mới, nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của khu vực, góp phần phát triển kinh tế xã hội đưa vùng này lên ngang bằng với hai miền Bắc-Nam.
Cũng tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, kết quả xây dựng nông thôn mới mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền và thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Trên bình diện chung, xây dựng nông thôn mới của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn thiếu chiều sâu, thiếu toàn diện, mới chỉ tạo được điểm sáng ở một số nơi, tính lan tỏa, nhân rộng các mô hình điển hình chưa nhiều. Một số địa phương chưa phát huy hết lợi thế về nguồn lực đất đai, tài nguyên để khai thác, hỗ trợ cho phong trào xây dựng nông thôn mới...