Tăng cường nguồn lực
Tăng cường phối hợp có thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác ở các cấp, trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động cung cấp/chuyển tải thông tin pháp luật, đào tạo, tư vấn thực thi chính sách và pháp luật cho doanh nghiệp là một trong những giải pháp VCCI thực hiện nhằm tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tại các chi nhánh, văn phòng đại diện của VCCI cũng có những thỏa thuận hợp tác ở cấp địa phương. Ví dụ phối hợp với công ty luật tư vấn giải đáp cho các doanh nghiệp trên website và có gắn tên, thương hiệu của công ty. Phối hợp với các đối tác uy tín trong lĩnh vực cụ thể tổ chức trao đổi thông tin pháp luật trong lĩnh vực đó…
Bên cạnh đó, VCCI kết hợp phổ biến tuyên truyền pháp luật với việc tạo nguồn thu (thông qua các ấn phẩm, hỗ trợ đối ứng từ phía doanh nghiệp, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước) để tiếp tục mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật.
Hay như ở Vĩnh Phúc, theo nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016 - 2020: Ngân sách tỉnh cấp kinh phí cho công tác PBGDPL mỗi năm ước tính là 9.700.000.000 đồng, trong đó bố trí kinh phí cho cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ PBGDPL ở địa phương. Đảm bảo kinh phí hàng năm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 - 2025 dự kiến mỗi năm bố trí 14 tỷ đồng, đặc biệt là Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nhận thấy đối tượng quan trọng hàng đầu của công tác PBDGPL chính là cán bộ và nhân dân ở các địa bàn cơ sở, nhưng nguồn lực về ngân sách và con người ở đây chưa thể tự đáp ứng được, trong khi cấp chính quyền càng xa cơ sở thì nguồn lực càng lớn. Để khắc phục những bất cập trên, từ đầu năm 2017, Sở Tư pháp Quảng Nam đã mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh chuyển đổi mô hình PBGDPL theo hướng thay vì giao kinh phí theo chiều ngang cho một số sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật xuống các địa phương bằng việc chuyển dọc nguồn kinh phí này xuống các địa phương theo mô hình "tỉnh bố trí kinh phí, huyện tổ chức thực hiện, xã tiếp nhận kết quả".
Theo đó, mỗi năm UBND tỉnh bố trí bình quân khoảng 1.500 triệu đồng hỗ trợ cho cấp xã; các xã đồng bằng được hỗ trợ 8 triệu đồng/năm; các xã trung du 9 triệu đồng/năm và các xã miền núi 10 triệu đồng/năm, góp phần không nhỏ tạo điều kiện cho các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở được tổ chức hết sức sôi nổi.
Có thể nói việc mạnh dạn đưa mô hình mới vào thực tiễn như trên là một bước đi có tính đột phá đối với công tác PBGDPL ở tỉnh Quảng Nam. Mô hình này trước hết giải quyết được một phần khó khăn trước mắt cho ngân sách cấp xã đối với công tác PBGDPL, đồng thời còn khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung cũng như bỏ trống địa bàn khi ngân sách của tỉnh được giao cho các sở, ngành thực hiện.
Cần nhiều giải pháp thiết thực
Những năm qua, theo Bộ Tư pháp chế độ, chính sách, kinh phí hỗ trợ đối với công tác PBGDPL đã được từng bước quan tâm nhất là công tác tuyên truyền PBGDPL đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo. Bên cạnh công chức làm công tác PBGDPL được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, các cán bộ làm công tác PBGDPL kiêm nhiệm nói chung và tại các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo nói riêng cũng được Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật, có thù lao kinh phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, Bộ Tư pháp thường xuyên đề nghị các địa phương tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể để có các giải pháp thiết thực hỗ trợ các điều kiện đảm bảo kinh phí cho công tác PBGDPL nói chung và công tác PBGDPL đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo.
Tuy nhiên, ngoài các tỉnh quan tâm bố trí ngân sách cho PBGDPL, nguồn kinh phí cho công tác này nhiều địa phương còn rất khó khăn, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo. Bộ Tư pháp cũng thừa nhận: Phương thức, nội dung PBGDPL, việc sử dụng nguồn lực tài chính và huy động nguồn lực xã hội phục vụ công tác PBGDPL chưa đạt kết quả cao. Một số địa phương chưa chủ động nghiên cứu biện pháp, cách thức đổi mới công tác PBGDPL; việc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021” ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm.
Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể để có các giải pháp thiết thực hỗ trợ các điều kiện đảm bảo công tác PBGDPL.