Đồng hồ đeo tay, từng là biểu tượng của một người đàn ông trưởng thành ở Nhật Bản, nay đã trở thành món đồ lỗi mốt bởi thế hệ trẻ thấy xem giờ trên điện thoại di động tiện lợi hơn. Không chỉ đồng hồ đeo tay, thanh niên Nhật còn không cần cả xe ôtô.
Trong một bài phát biểu năm 2013, ông Akio Toyoda, chủ tịch hãng xe Toyota, tỏ ra vô cùng lo ngại trước xu hướng nam giới Nhật Bản ngày nay không muốn sở hữu xe ôtô. Thuộc thế hệ cũ, ông Toyoda cảm thấy khó lý giải hiện tượng này. Trước kia, một người đàn ông phải có xe ôtô mới có thể hẹn hò với phụ nữ.
Thậm chí, ngành công nghiệp sản xuất cà vạt ở Nhật Bản cũng đang điêu đứng vì thế hệ trẻ coi cà vạt không khác gì chiếc "thòng lọng siết cổ" bó buộc ở chốn công sở.
Đàn ông Nhật Bản hay đi uống rượu sau giờ làm việc để xây dựng mối quan hệ với đối tác làm ăn hoặc đồng nghiệp, tuy nhiên, thói quen này đang dần thay đổi.
"Văn hóa Nhật coi trọng tính hòa hợp tập thể và tránh biểu hiện mâu thuẫn ra mặt. Khi đi uống rượu cùng nhau, người ta có cơ hội để thả lỏng và nói ra những suy nghĩ thật", theo một giáo sư đến từ trường kinh doanh nổi tiếng nhất châu Âu INSEAD.
Dựa vào một cuộc khảo sát gần 7.000 đàn ông và phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi 20 - 70 về thói quen uống rượu, một trang mạng kết luận 39,8% thanh niên Nhật trong độ tuổi 20 không uống rượu. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với 25% số người không uống rượu ở độ tuổi ngoài 60, mà đa phần những người này buộc phải bỏ rượu do chỉ định của bác sĩ chứ không tự nguyện.
Kể từ những năm 1980, tiệc tùng đã trở thành một phần không thể thiếu trong môi trường công sở Nhật Bản. Nhưng ngày nay, lượng tiêu thụ rượu đã giảm xuống còn 89% so với mức đỉnh điểm vào năm 1996.
"Không người quen nào của tôi uống rượu nhiều như trước kia", một nhân viên văn phòng 29 tuổi cho biết, "Tôi không thích đi uống rượu với sếp và đồng nghiệp nhưng khi đi chơi với bạn thì tôi có uống".
Nam thanh niên này thích "chu-hai", một loại cocktail pha giữa rượu gạo shochu và nước hoa quả. "Mỗi lần, tôi uống hai hoặc ba ly chu-hai. Có lẽ là ba mới đúng. Nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi".
"Tôi nghĩ những người trẻ cưỡng lại áp lực phải đi uống rượu với cấp trên và đến một lúc nào đó sếp chẳng còn buồn rủ họ đi uống cùng nữa vì biết trước câu trả lời rồi".
Văn hóa công sở ở Nhật Bản hiện cũng rất khác so với trước kia. "Thanh niên ngày nay tích cực chăm sóc con cái hơn thế hệ cha mẹ họ, một phần vì họ không muốn lặp lại cảnh ngày xưa khi các ông bố đi làm suốt và cả ngày không thấy mặt con", một phó giáo sư giảng dạy tại một trường đại học ở Tokyo nói.
Nhiều nhân viên trẻ thuộc các tập đoàn lớn giờ sẵn sàng từ chối thuyên chuyển đến các văn phòng khu vực. Trước kia, hành động được coi là không tuân thủ quyết định của cấp trên này hiếm khi xảy ra. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Chuo ở Tokyo, 42,7% nhân viên nam hiện không ngại chống lại việc điều chuyển công tác, kể cả phải nghỉ việc.
"Tôi nghĩ bây giờ không còn có những nhân viên làm việc điên cuồng, đặt công ty lên trên hết nữa", một thanh niên lý giải, "Sau chiến tranh, Nhật Bản phải nhanh chóng tái thiết đất nước vì vậy tất cả mọi người phải làm việc rất chăm chỉ. Đó chính là thế hệ ông tôi. Thế hệ cha tôi sau này tiếp nối cách làm việc đó. Nhưng ngày nay, không mấy ai nghĩ như vậy nữa".
Thậm chí một số thanh niên Nhật Bản còn cho rằng ngày nay chỉ có "những công ty đen" mới bắt nhân viên làm việc cật lực hay trong một số trường hợp cực đoan là làm việc tới chết.
Một chuyên gia nhận thấy chuyển biến trong văn hóa uống rượu ở xã hội Nhật Bản có mối liên hệ mật thiết với công việc. Theo đó, một số nghiên cứu gần đây cho thấy thu nhập của người trẻ ở Nhật chững lại trong vòng hai thập kỷ qua, nên để tiết kiệm tiền, nhiều người chọn cách đi thẳng về nhà sau giờ làm thay vì đi chè chén với đồng nghiệp.
Một lý do nữa là bình đẳng nam nữ đang dần được cải thiện ở Nhật Bản. Ngày nay, phụ nữ Nhật không chấp nhận để chồng đi làm đến tối muộn rồi đi uống rượu say mèm đến khuya. Họ muốn chồng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.