Văn hóa doanh nghiệp của nước này nổi tiếng với sự căng thẳng. Thuật ngữ karoshi, có nghĩa là "tử vong do làm việc quá sức", được đặt ra ở Nhật Bản vào những năm 1970 do áp lực công việc mà nhân viên phải đối mặt.
Đại dịch COVID-19 đã mang lại những thay đổi lớn đối với cách thức hoạt động của các tập đoàn Nhật Bản dù cho nhiều công ty vẫn còn rất cứng nhắc và truyền thống.
Các nhà lãnh đạo chính trị hiện hy vọng sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo công ty rằng giờ làm việc linh hoạt, làm việc từ xa, liên lạc và kết nối ngày càng chặt chẽ và một loạt các phát triển khác có thể có lợi nếu chúng vẫn được duy trì ngay cả khi cuộc khủng hoảng y tế kết thúc.
Các chuyên gia cũng dự đoán rằng những người trẻ tuổi sẽ có nhiều thời gian hơn để gặp gỡ, kết hôn và sinh con, giải quyết vấn đề ngày càng nghiêm trọng của tỷ lệ sinh giảm, dân số giảm trong khi tỉ lệ người già ngày càng cao.
Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách trưởng của Bộ phận Thông tin Thị trường Toàn cầu của Fujitsu Ltd., nói với Deutsche Welle: "Chính phủ thực sự rất quan tâm đến việc thay đổi tâm lí vốn đã ăn sâu vào các công ty Nhật Bản…Trong thời kỳ đại dịch, các công ty đã chuyển sang những cách thức hoạt động mới và họ đang chứng kiến sự gia tăng dần dần về năng suất. Các công ty đang cho nhân viên của họ làm việc tại nhà hoặc từ xa, tại các văn phòng vệ tinh hoặc tại địa điểm của khách hàng, điều này có thể thuận tiện và hiệu quả hơn đối với nhiều người".
Nếu được các công ty áp dụng, chính phủ Nhật Bản hy vọng các quy định mới về tuần làm việc 4 ngày có thể mang lại những lợi ích bổ sung khác cho xã hội và nền kinh tế nước này.
Nhật Bản không phải là quốc gia đầu tiên cân nhắc thu hẹp tuần làm việc. Tây Ban Nha dự định sẽ trải qua một tuần làm việc 4 ngày và điều này cũng đã được thảo luận ở New Zealand và Đức.