Vụ tấn công trong đêm
Cảnh sát Nhật Bản cho biết họ đã nhận được cuộc gọi từ Trung tâm chăm sóc người tàn tật Tsukui Yamayuri-en ở thành phố Sagamihara, phía Tây Tokyo vào khoảng 2h30 phút sáng 26/7. Qua tin báo, một nhân viên của trung tâm cho biết một người đàn ông vừa mang theo nhiều dao xông vào bên trong khu chăm sóc các bệnh nhân và tấn công họ.
Một loạt các xe cứu thương, xe cảnh sát và xe cứu hỏa đã ngay lập tức được điều động đến Trung tâm Tsukui Yamayuri-en – một khu nhà đơn sơ nằm nép bên những ngọn đồi rậm rạp ở Sagamihara – để tìm hiểu tình hình. Tuy nhiên, khi họ có mặt tại Trung tâm, thủ phạm đã bỏ trốn, để lại hiện trường kinh hoàng: hàng chục bệnh nhân được phát hiện trong tình trạng đẫm máu trên giường bệnh của họ.
Cảnh sát đã phong tỏa khu vực xảy ra vụ việc và lập phương án truy bắt hung thủ. Nhưng, đến khoảng 3h00 cùng ngày, hung thủ đã đến đồn cảnh sát ở gần nơi xảy ra vụ việc để đầu thú. Tên này được xác định là Satoshi Uematsu, 26 tuổi, từng làm việc tại Trung tâm Tsukui Yamayuri-en, nơi xảy ra thảm án, vài năm.
Người phát ngôn cơ quan cứu hỏa địa phương cho biết đã có tổng cộng 19 người thiệt mạng trong vụ việc, bao gồm 10 phụ nữ và 9 người đàn ông. Các nạn nhân từ 18 đến 70 tuổi. Ngoài ra, 26 người khác cũng đã bị thương trong vụ việc, trong đó có 20 người bị thương nặng.
Bác sỹ tại một trong những bệnh viện nơi các nạn nhân được đưa đến điều trị cho biết một số người bị thương rất sâu ở cổ. “Các bệnh nhân cũng bị sang chấn tâm lý nặng, khiến họ thậm chí không thể nói được” – vị bác sỹ nói.
Vụ tấn công được xác định xảy ra vào khoảng 2h10 phút, tức 20 phút trước khi cảnh sát nhận được tin báo. Tại thời điểm đó, hình ảnh từ camera an ninh cho thấy tên Uematsu đã lái xe đến cửa Trung tâm Tsukui Yamayuri-en, đập vỡ kính cửa sổ ở tầng 1 để đột nhập vào bên trong.
Theo đài truyền hình NHK của Nhật Bản, thủ phạm đã trói 2 nhân viên chăm sóc ở Trung tâm lại trước khi dùng đến 5 con dao điên cuồng đâm vào những người bệnh đang được chăm sóc tại đây khi họ vẫn còn đang say ngủ.
Vụ việc đã khiến cả nước Nhật – nơi có tỉ lệ các vụ việc giết người rất thấp, trung bình dưới 1 vụ/100.000 người dân - bị sốc bởi tính chất nghiêm trọng của nó. Đây được cho là vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất ở Nhật kể từ năm 1938, khi một người đàn ông mang theo một chiếc rìu, một thanh gươm và một khẩu súng tấn công giết chết 30 người.
“Đây là một thảm kịch đau lòng, một vụ việc gây sốc, với nhiều người vô tội bị biến thành những nạn nhân” – Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu về vụ việc tại một cuộc họp báo.
Những nguy cơ bị bỏ qua
Theo các thông tin từ truyền thông Nhật Bản, hung thủ trong vụ việc thực ra không phải là người lạ với cảnh sát. Bởi, hồi tháng 2 năm nay, tên Uematsu đã gửi một bức thư tới Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, trong đó đe dọa sẽ tấn công 2 trung tâm chăm sóc người tàn tật, bao gồm Trung tâm Tsukui Yamayuri-en và giết chết 470 người đang được chăm sóc ở các trung tâm này.
Cũng trong thư, tên này tuyên bố hành động của hắn sẽ mở ra một “cuộc cách mạng” có thể thúc đẩy nền kinh tế thế giới và ngăn chặn Chiến tranh thế giới III.
Trong bức thư điên cuồng, Uematsu cũng “vẽ” ra viễn cảnh về một xã hội mà trong đó những người bị tàn tật nghiêm trọng có thể được “chết êm ái” chỉ với sự đồng ý của các thành viên trong gia đình họ vì “những người tàn tật chỉ mang đến những điều không hạnh phúc”.
Theo một quan chức Sagamihara, cảnh sát Tokyo sau đó đã tiến hành điều tra vụ việc. Họ đã thông báo tới giới chức Sagamihara về việc tên này có thể là một mối đe dọa tiềm năng tới sự an toàn của xã hội. Vẫn theo vị quan chức này, Uematsu đã được cho nhập viện ngay trong ngày 19/2, ngày mà hắn bị sa thải khỏi Trung tâm Tsukui Yamayuri-en.
Nghi phạm Satoshi Uematsu. |
Tại thời điểm nhập viện, tên này được chẩn đoán mắc chứng hoang tưởng và lệ thuộc vào ma túy. Tuy nhiên, 12 ngày sau đó, hắn đã được cho ra viện khi các bác sỹ sau khi thăm khám và kiểm tra cho rằng hắn không gây nguy hiểm.
Dao – vũ khí phổ biến nhất
Nhật vốn nổi tiếng là đất nước an toàn nhưng không vì thế mà ở đây không có tội phạm. Những bản tin hàng ngày trên TV ở Nhật thi thoảng vẫn xuất hiện những vụ giết người, có thể là một người gây án vì cuồng ghen hay một đứa con tức giận tấn công cha mẹ. Và hung khí gây án phổ biến nhất ở nước này chính là những con dao, một phần là do luật sử dụng súng ống ở nước này được quy định rất nghiêm ngặt.
Một nghiên cứu của Bộ Tư pháp Nhật Bản năm 2013 nhận thấy dao là hung khí được sử dụng trong già nửa các vụ án giết người nước này trong các năm, trong đó dao làm bếp chiếm hơn 1/3 các vụ việc. Thống kê của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật cho thấy trong những năm gần đây ở nước này chỉ có trung bình chưa đến 10 vụ bắn chết người. Đặc biệt, trong năm 2015 chỉ có 1 vụ việc như vậy.
Năm 2001, một người đàn ông từng có tiền sử tâm thần đã giết chết 8 em bé trong một vụ tấn công bằng dao ở một trường tiểu học tại Osaka. Vụ tấn công khi đó cũng đã gây chấn động nước Nhật, buộc các trường học ở nước này phải tăng cường các biện pháp an ninh nhằm đảm bảo an toàn trong môi trường học đường.
7 năm sau đó, năm 2008, một người đàn ông đã điên cuồng lao chiếc xe tải do anh ta thuê vào đám đông những người đang mua sắm tại một giao lộ đông đúc ở Tokyo, sau đó lao ra ngoài và đâm những người đi đường.
Đã có 7 người thiệt mạng và 10 người bị thương trong vụ việc này. Vụ việc cũng đã đưa đến việc giới chức Nhật Bản sau đó ban hành luật mới, theo đó cấm người dân mang dao 2 lưỡi có chiều dài hơn 5,5 cm, với hình phạt đối với những người vi phạm có thể lên đến 3 năm tù giam và phạt 6.200 USD.
Quá tự tin về an ninh?
Vụ giết chóc đẫm máu vừa xảy ra đã khiến nhiều người Nhật hoài nghi về việc liệu danh tiếng là một trong những đất nước an toàn nhất thế giới có đã họ có cảm giác sai về an ninh ở nước này. Ông Nobuo Komiya – một Giáo sư về tội phạm học ở trường Đại học Rissho – cho rằng, vì các vụ thảm sát chết chóc như vậy hiếm khi xảy ra nên cả người dân lẫn nhà chức trách đều đang lơ là các biện pháp quản lý rủi ro và ngăn ngừa tội phạm.
“Tương tự các nước khác, tôi nghĩ các cơ sở ở Nhật cần phải xem lại các biện pháp bảm đảm an ninh của họ, phải có phương án quản lý rủi ro và chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất vì không thể chắc chắn tội phạm sẽ không xuất hiện” – ông nhận định.
Những lo ngại như vậy không hẳn là không có cơ sở khi trên thực tế thủ phạm Uematsu đã nói rõ về ý định thực hiện hành vi phạm tội của hắn. “Cần phải xem xét lại sự tương tác giữa hệ thống y tế và cảnh sát trong việc giám sát những đối tượng có khả năng phạm tội” – tờ Asahi của Nhật nhận định.
Vụ tấn công cũng đã khiến những người dân sống xung quanh trung tâm trên vô cùng hoảng sợ. Ông Reiko Kishi, 80 tuổi, từng làm việc tại trung tâm trong hơn 30 năm, cho biết ông đã bừng tỉnh giấc trong đêm khi nghe thấy tiếng còi hú inh ỏi của những chiếc xe cứu thương và xe cảnh sát.
“Ở khu dân cư vốn yên bình này chưa từng xảy ra một vụ phạm tội nào nghiêm trọng như vậy. Từ giờ tôi sẽ cẩn thận hơn, sẽ khóa cửa và cửa sổ trước khi đủ ngủ, ít nhất là ở tầng 1” – ông cho hay.
Ông Takeshi Koyanagi – một giáo sư tại trường Đại học Tokiwa ở Mito – cũng cho rằng vụ việc vừa xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều cơ sở và người dân ở Nhật về việc chú trọng an ninh. Ông Koyanagi cũng cảnh báo giới chức Nhật cần chú ý hơn nữa trong những ngày tới để đảm bảo an ninh cho người dân để đề phòng khả năng xảy ra các vụ tấn công bắt chước.
Ở mức độ ít nguy hiểm hơn, nhiều người chỉ ra rằng do chủ quan về an ninh nên nhiều bậc cha mẹ ở Nhật chỉ đưa con đến trường trong ít ngày để chúng quen đường rồi sau đó để mặc chúng tự đi học. Ngay cả những em bé lớp 1 ở Nhật cũng được nhiều bậc phụ huynh để tự túc đến trường. Chính việc này được cho là nguyên nhân khiến các vụ bắt cóc trẻ em thi thoảng lại xảy ra.