Khái niệm “kinh tế xanh”, theo Liên Hợp quốc, là nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và khan hiếm tài nguyên.
Hội nghị ASEM 2016 với chủ đề “kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững” là sáng kiến của Thủ tướng Việt Nam thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Milan (Italia) năm 2014.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang là mối quan tâm của toàn cầu, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội và môi trường. Các phân tích gần đây được thực hiện đã chỉ ra rằng thiếu kĩ năng đã và đang cản trở quá trình chuyển đổi qua nền “kinh tế xanh”. Vì thế, ổn định việc làm xanh và xúc tiến việc làm bền vững đã trở thành mục tiêu chung cho các nhà hoạch định chính sách nhằm cải thiện nền kinh tế và tăng cường thế cạnh tranh quốc gia.
“Trong bối cảnh này, đào tạo kỹ năng xanh và phát triển kĩ năng nghề, đặc biệt những kĩ năng đang thiếu (kỹ năng mềm, kỹ năng sử dụng công nghệ mới, nhận thức và thay đổi những thói quen xấu ảnh hưởng đến môi trường) chính là chìa khóa để phát huy hết tiềm năng việc làm hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, ông Dung nói.
Ông Dung nhấn mạnh, mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh là phát triển năng lực để người lao động áp dụng các quy trình và công nghệ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với sử dụng tài nguyên - năng lượng hiệu quả. Do đó, khâu đào tạo nghề không chỉ liên quan đến một nhóm các hoạt động mà còn giúp thực hiện tất cả các nhiệm vụ của chiến lược tăng trưởng xanh.
Bộ trưởng Dung đề cập đến một số giải pháp để Việt Nam phát triển “kinh tế xanh”. Theo đó, cần cụ thể hoá những chỉ đạo và xây dựng chiến lược sáng tạo thích ứng với công nghệ đang thay đổi từng ngày. Mặt khác, chú trọng thúc đẩy việc chuyển đổi sang môi trường làm việc xanh hơn, tạo việc làm bền vững, năng suất lao động cao hơn.
Cùng quan điểm trên, TS Horst Sommer, Giám đốc chương trình hợp tác phát triển Việt - Đức về đào tạo nghề chia sẻ về phương pháp tiếp cận nền “kinh tế xanh” theo hai hướng: Thứ nhất là xanh hóa các công nghiệp bằng cách cải thiện môi trường thông qua các hoạt động như sử dụng tài nguyên hiệu quả, loại bỏ dần chất độc hại, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Song song với đó là cải thiện sức khỏe và an toàn lao động, tăng trách nhiệm nhà sản xuất.
Hướng thứ hai kích thích sự phát triển của của ngành công nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ và công nghệ nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Cụ thể như xử lý nước thải, sản xuất và lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo, phát triển và sản xuất công nghệ sạch hay tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
TS Horst Sommer nhấn mạnh Việt Nam cần giảm lượng khí thải nhà kính và thúc đẩy năng lượng sạch-tái tạo, giảm tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, giảm lượng khí thải nhà kính, tăng số lượng cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, tăng hiệu quả hệ thống thu gom nước thải đạt tiêu chuẩn, tăng năng lực vận tải công cộng… Và muốn làm được những việc trên, Việt Nam cần có lực lượng lao động có trình độ. Cần có các cơ sở đào tạo nghề mô hình mẫu cho nền sinh thái thân thiện và thực hiện vai trò tích cực, ví dụ thành lập các “học viện xanh”.
Chia sẻ cụ thể hơn về chương trình hợp tác Việt - Đức trong đào tạo nghề, ông Horst Sommer cho biết trước tiên sẽ thành lập trung tâm đào tạo nghề xanh, sau đó thí điểm chương trình đào tạo hợp tác khu vực nước thải, ước tính nhu cầu khoảng 10 ngàn lao động có trình độ đến năm 2020.