Đầu tư hơn 1.200 tỷ xây dựng nhà máy xi măng tại Hòa Bình, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, nhưng trồng cây sắp đến ngày hái trái thì chủ đầu tư lại đứng trước nguy cơ bị “nẫng tay trên” thương hiệu sản phẩm, mà trong đó có phần nguyên nhân từ sự “bàng quan” của chính những người đã trải thảm đỏ chào mời.
Chuẩn bị công phu
Trở lại sự việc, năm 2007, xét đề nghị của Bộ Xây dựng và ý kiến của các Bộ có liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là Phó Thủ tướng Thường trực) đã cho phép đầu tư Dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn, công suất 2.500 tấn clanhke/ngày, tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và giao Bộ Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng và du lịch Bình Minh tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành để lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án theo các quy định hiện hành (công văn 535/TTg-CN).
Trước đó, dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn đã được đưa vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/2005/QT-TTg.
Để được Thủ tướng chấp thuận đầu tư và ghi tên vào quy hoạch, thực sự chủ đầu tư đã phải trải qua một quá trình phôi thai, chuẩn bị dự án hết sức công phu, kéo dài tròn 10 năm, kể từ khi được Phó thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương đồng ý thông qua dự án tiền khả thi xây dựng nhà máy xi măng Hoà Bình vào năm 1995.
Năm 2003, ông Bùi Văn Dư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình ký quyết định (số 1209/QĐ-UB) cho phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Trung Sơn, công suất 1,2 triệu tấn/năm tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn; chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xây dựng và du lịch Bình Minh.
Năm 2004, Chủ tịch tỉnh Hoà Bình, ông Trần Lưu Hải ra quyết định thu hồi hơn 547 nghìn m2 đất tại xã Trung Sơn để chủ đầu tư dự án thuê xây dựng nhà máy xi măng.
Ngày 30/11/2007, UBND tỉnh Hòa Bình chính thức cấp Giấy phép đầu tư cho Công ty Bình Minh để thực hiện dự án đầu tư “Nhà máy xi măng Trung Sơn”. Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.
Như vậy, rõ ràng chủ đầu tư dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn đã hoàn chỉnh mọi thủ tục pháp lý để triển khai dự án. Đến thời điểm này, các hạng mục đầu tư đang được Công ty Bình Minh và các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, vào quý I/2012, mẻ sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu xi măng Trung Sơn sẽ trình làng.
Bất ngờ bị nẫng tay trên
Trồng cây sắp đến ngày hái trái, ngờ đâu chủ đầu tư lại đang đứng trước nguy cơ bị “nẫng tay trên” thương hiệu sản phẩm.
Cụ thể, khi làm thủ tục để đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, Công ty Bình Minh bất ngờ phát hiện thấy ngoài vỏ bao xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai, trụ sở tại xã Thành Lập, huyện Lương Sơn có in hàng chữ “Xi măng pooc lăng hỗn hợp Trung Sơn” trùng với tên Nhà máy xi măng Trung Sơn của Bình Minh. Đáng nói, dự án nhà máy xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam và có công suất nhỏ hơn nhiều so với dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn.
Sau khi xem xét đơn của Công ty Bình Minh, ngày 8/12/2010 Cục Sở hữu Trí tuệ đã ra Quyết định 2470, hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cấp cho Công ty TNHH Xuân Mai. Lý do, theo cơ quan này, chỉ dẫn thương mại “Dự án xi măng Trung Sơn” của Công ty Bình Minh đã được xác lập trước ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có từ “Trung Sơn” của Công ty Xuân Mai. Hơn nữa, việc Công ty Xuân Mai đăng ký nhãn hiệu có từ “Trung Sơn” trùng với thành phần quan trọng nhất trong chỉ dẫn thương mại “Dự án xi măng Trung Sơn” mà Công ty Bình Minh xác lập từ trước là “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, gây thiệt hại cho Công ty Bình Minh.
Phán quyết xác đáng của Cục Sở hữu Trí tuệ đáng tiếc không được Công ty TNHH Xuân Mai tuân thủ. Công ty này còn khởi kiện và yêu cầu Tòa hủy Quyết định 2470 và TAND tỉnh Hòa Bình đã thụ lý đơn khởi kiện của Công ty TNHH Xuân Mai từ ngày 17/8/2011.
Trong khi các thủ tục tố tục tiến hành, Công ty TNHH Xuân Mai lại tiếp tục có động thái đổi tên doanh nghiệp, lấy tên mới là Công ty TNHH xi măng Trung Sơn. Bằng động thái này, có thể nói doanh nghiệp đã không cần phải che đậy động cơ của mình. Không thể nói Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình cũng như Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc sở này không biết đến hệ lụy gây nhầm lẫn và cạnh tranh không lành mạnh, thế nhưng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 9 với việc đổi tên mới vẫn được thản nhiên cấp cho Công ty TNHH xi măng Trung Sơn.
Tiếp xúc với phóng viên PLVN, chính Phó trưởng Phòng đăng ký kinh doanh Hòa Bình Vũ Đức Dũng - người trực tiếp ký giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nói trên cũng thừa nhận, hai tên gọi “Nhà máy xi măng Trung Sơn” và “Công TNHH xi măng Trung Sơn" sẽ dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ quay lại sự việc này trong các số báo tới.
Nhóm Phóng viên