Tựu trung, EVN đưa ra lý do “bất khả kháng” để lý giải cho việc không hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Ở đây có 2 vấn đề, cần suy nghĩ. Nước ta không “giàu” về nguồn năng lượng truyền thống hóa thạch và năng lượng tái tạo như lâu nay sách vở vẫn dạy nhiều thế hệ học sinh; và nữa, do cách đánh giá sai nên quy hoạch phát triển chưa bao giờ đúng. Tuy nhiên, giữa “cảnh báo” thiếu điện và “số liệu thống kê” lại càng không đúng.
Ví dụ: theo số liệu của Tổng cục Thống kê về năng suất lao động của 21 ngành cấp 1, thì từ năm 2010 đến nay, năng suất lao động của hai nhóm ngành khai thác (trong đó có khai thác than) và điện luôn cao hơn gấp nhiều lần năng suất lao động bình quân chung của nền kinh tế. Năm 2017, mức chệnh lệch này đã tăng lên 19 lần đối với ngành khai thác và 15,1 lần đối với ngành Điện. Từ năm 2010-2017, tốc độ tăng năng suất lao động của ngành khai thác là 13%, của ngành Điện là 31%. Tính ra, bình quân, mỗi năm năng suất của ngành khai thác tăng 1,6%, của ngành Điện tăng hơn 4,7%.
Vậy sao “thiếu than” và sao “thiếu điện”? Và sao, “tăng” sản lượng như thế nhưng sản xuất lại lỗ? Ở đây có 2 khả năng: Một là, nếu hai ngành này lỗ thì đó là do thu nhập của người lao động và quan chức của họ quá cao; Hai là, những ngành này không hề lỗ, mỗi lần tăng giá bán điện là “trốc nã” vào cả lương người lao động/cán bộ hoặc vào thặng dư.
Thi thoảng người tiêu dùng lại giật mình khi ngành Điện, ngành Xăng dầu báo lỗ và đòi tăng giá. Xin thưa, hiện nay nền kinh tế (các ngành sản xuất) đang vận hành theo kiểu tiêu thụ nhiều năng lượng nên dễ “cảm” khi điện/hoặc xăng tăng giá.
Nếu trong năm 2018 Thủ tướng không chỉ đạo về việc không được tăng giá bán điện thì có lẽ giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh, tăng rồi. Năm 2019, EVN đưa ra dự báo khó khăn cũng như nguy cơ thiếu điện phải chăng cuối cùng cũng chỉ nhằm mục đích tăng giá bán điện? Còn chờ xem, nhưng để làm việc gì, bao giờ các ngành đều có việc “chuẩn bị dư luận”.
Đáng buồn hơn, khi chuẩn bị “tăng” nhiều “nhà kinh tế” chắc chắn là “chim mồi” đều đưa ra “nhận định”: giá bán lẻ điện tại Việt Nam hiện thấp hơn phân nửa so với các nước trong khu vực. Quá khập khiễng, nếu không loại trừ phát ngôn theo “đặt hàng”.
Hãy nhớ, điện là “đầu vào” của các ngành sản xuất. Hãy nhớ, thu nhập của dân còn rất thấp. Lợi ích của một ngành luôn nằm trong lợi ích chung của đất nước, nhất là ngành “độc quyền”.