Trong thời gian gần đây, tình trạng buôn bán, sử dụng rượu pha, rượu ngâm các loại rắn mang nhiều độc tố không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây ngộ độc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe. Tâm lý bồi bổ sức khỏe thông qua rượu ngâm các loại thuốc bổ, động vật quý hiếm đã trở thành trào lưu để rồi không ít người tự hại mình bằng thói quen đó.
Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM bày bán đủ loại rượu, giá bán từ vài ngàn đồng cho đến vài trăm ngàn đồng/xị.
“Hô biến” rượu Chằm quặp thành Hổ mang chúa
Ông chủ một tiệm rượu tiếp thị với chúng tôi: “Tại đây bán đủ lại rượu, rượu thuốc, rượu pha từ côn trùng, rắn, thú rừng... có đủ cả, toàn là những lại rượu quý hiếm thời vua chúa mới dám đụng vào. Còn bây giờ những thứ này đã trở nên dân dã, ai cũng có quyền sử dụng vì giá của nó rẻ như... bèo”.
Tại đây, rượu thuốc, rượu bổ được ngâm với nhiều loại như tắc kè, hải mã, rắn, ngọc dương... giá cũng chỉ 20.000 đồng/lít. Còn rượu đại bổ, lục giao, sâm nhung, Minh Mạng, Càn Long, Tam Xà, Hổ Mang.... giá từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/lít.
Ông chủ bán rượu cho biết thêm, đây là giá bán lẻ, nếu mua số lượng lớn sẽ được giảm vài chục phần trăm.
Bình quân, mỗi ngày ông bỏ mối được vài ba chục lít đến hàng trăm lít tùy theo ngày thường hay ngày lễ cho các quán nhậu tại TP.HCM.
Hầu hết các quán nhậu bình dân tại TP.HCM đều có mùi vị và màu sắc na ná giống nhau. Chúng tôi ghé vào một quán nhậu bình dân của người quen nằm ở quận 7.
Sau khi làm vài ve với chủ quán tên T., tôi nhìn vào bình rượu rắn hổ mang chúa liền kêu 1 xị uống cho khỏe nhưng T. liền ngăn cản.
T. chỉ vào dãy bình rượu trưng bày cho "thượng đế" liệt kê: rượu trắng, rượu thuốc, chuối hột, rượu rắn có cả Càn Long, kể cả Minh Mạng… quán đều có hết.
Đếm xong, T. liền rỉ tai tôi: “Chỗ quen biết tui nói thật, toàn nước lã không đó, hơn 6 năm mở quán chưa bao giờ tui dám uống rượu quán mình”. Thấy tôi không hiểu, T. nói tiếp, thật ra nước lã pha tí cồn và men Trung Quốc, mỗi lọai men là một vị rượu, muốn rượu được thuần khiết nhiều quán còn cho thêm ít thuốc rầy.
T. cho biết thêm, có người bạn chuyên đi bỏ rượu rắn cho quán nhậu nào là rắn hổ mang, hổ hành, kể cả rượu rắn tam xà chỉ toàn là rắn “chằm quặp”.
Loại rắn này có giá bèo nhất bởi thịt ít, xương cứng và không có các tác dụng bổ dưỡng, nên thường được các quán nhậu thu mua để làm món rắn bằm xúc bánh tráng.
Để chế biến rắn chằm quặp thành hổ mang chúa, các “nghệ nhân làm rượu rắn giả” dùng kẹp banh rộng miệng rắn để luồn lò xo bằng kẽm vào sâu trong cổ rắn.
Hai đầu của lò xo được cột hai sợi chỉ và thòng ra khỏi miệng chai, sau đó nhét rắn vào. Chỉ vài giờ sau cổ rắn bành ra, nhìn giống hệt cổ hổ mang.
Sau đó, đổ cồn vào ngâm, khi rắn đã bắt đầu cứng lại, giữ được hình dáng đã tạo, chiếc lò xo được rút ra.
Lúc này, các chất dơ trên thân rắn cũng bắt đầu tiết ra và cồn trong chai có màu đùng đục, được gọi là giai đoạn bán thành phẩm.
Với lọai rượu rắn mà “ông uống bà khen” như trên có giá chỉ 10.000 - 20.000 đồng/1xị, có nơi bán chỉ 5.000 đồng. Một hũ rắn Hổ Mang giả như vậy được đổ tới hơn… 100 lít rượu.
Nguy hại cho sức khỏe
Theo bác sĩ Phan Anh Tuấn, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, tại bệnh viện có tiếp nhận nhiều ca bệnh bị rối loạn tâm thần nặng do dùng phải rượu kém chất lượng.
Các trường hợp này do uống rượu trong nhiều năm liền, các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, co giật rất mạnh và liên tục.
Điều đáng chú ý là có tới 8/16 mẫu được xét nghiệm cho kết quả dương tính với metanol.
Theo bác sĩ Tuấn, methanol từ lâu đã được chứng minh là còn có thể gây tổn thương thần kinh, não, gây mù mắt, tổn thương thận, tuần hoàn máu, gây ngộ độc với tốc độ nhanh và mức độ rất nặng có nguy cơ tử vong cao.
Riêng về rắn được bỏ vào rượu ngâm rất nhiều ký sinh trùng sống bám dưới lớp vẩy của rắn.
Vẩy rắn được xếp rất khéo léo và kín đáo để có thể vượt được sông nước. Nhưng dưới lớp vẩy này, vì bò sát mặt đất, có hàng ngàn hàng vạn ký sinh trùng, sán lãi núp theo.
Khi ngâm ruợu, không ai đánh vẩy, do đó, có hàng ngàn hàng vạn con sán lãi được ngâm theo ruợu.
Một số chết từ từ trong ruợu, nhưng một số sán lãi chỉ chết khi được đun sôi tới 120 độ C trong 3 - 4 giờ liên tiếp.
"Do đó, những người uống rượu rắn có thể đã uống sán lãi là tác nhân có thể gây hại cho con người. Những người còn trong độ tuổi sinh đẻ không nên uống rượu rắn, nếu lạm dụng rượu rắn có khi làm cho "cái ấy" yếu đi, thậm chí không còn khả năng sinh con nữa. Phụ nữ có thai và trẻ em không được dùng rượu rắn, đặc biệt, những người có bệnh nội khoa, nhất là các bệnh suy thận, tăng huyết áp, bệnh gan, tim mạch không nên sử dụng rượu và thịt rắn", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Hùng Sơn