Nguy cơ dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại: Cần đẩy mạnh công tác tiêm chủng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là khẳng định của các chuyên gia, nhà quản lý tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế vừa được Bộ Y tế tổ chức chiều qua (27/6) tại Hà Nội.

Theo các báo cáo viên, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nếu chúng ta buông lơi công tác dự phòng. Cho đến thời điểm này, tiêm phòng vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Nhiều thách thức…

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng, các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi rút ở mức cao hơn so với các biến chủng vi rút SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Không chỉ vậy, người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Và mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.

Trong tuần từ 23-29/5, so với tuần trước đó: Tổng số ca mắc mới tại khu vực châu Mỹ tăng 9%, khu vực Trung Đông tăng 1%; Tổng số ca tử vong tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) tăng 18%, khu vực châu Phi tăng 15%, khu vực châu Mỹ tăng 13%. Số ca mắc COVID-19 ở trẻ em cũng có xu hướng tăng lên tại một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.

Cũng theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm mũi nhắc vaccine COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do COVID-19. Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

Để đẩy mạnh công tác dự phòng bệnh, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, Bộ Y tế đã có Hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). Trong thời gian qua, ngành Y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vaccine COVID-19.

Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vaccine đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vaccine ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19. Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học…

Tuy nhiên, đáng lo ngại khi hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vaccine tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.

“Có những địa phương cán bộ y tế gửi giấy mời nhưng họ từ chối tiêm; Thậm chí khi tổ chức tiêm chỉ có vài người đến. Việc tiêm chủng cho nhóm học sinh cũng vậy. Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu hoàn thành tiêm chủng các mũi cho nhóm đối tượng này trong tháng 8/2022 để các em đảm bảo miễn dịch khi đến trường, nhưng xem chừng khó đạt được, nếu các phụ huynh không đồng thuận” – PGS.TS Dương Thị Hồng lo lắng cho hay.

Đẩy mạnh tiêm chủng

TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, trẻ em mắc COVID-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng ít hơn. Số liệu theo dõi tử vong do COVID-19 ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy: Số tử vong ở độ tuổi này mặc dù thấp, chỉ chiếm 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo ngại với trẻ em sau mắc COVID-19 là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: Da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh…

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh trong gần 1 năm qua đã tiếp nhận và điều trị 153 ca, trong đó số chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 là 149 ca, chiếm tới 97,4%. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay cũng đã tiếp nhận và điều trị 369 trẻ em bị MIS-C, hầu hết trong số này là những trẻ chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. “Điều này cho thấy, công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em là rất quan trọng. Các bậc cha mẹ nên cố gắng đưa con em đi tiêm chủng đủ mũi, đúng thời gian” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế bày tỏ mong muốn.

Tham dự buổi gặp mặt, PGS. TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới là rất khó dự báo, vì thế Bộ Y tế đưa ra hai kịch bản cho công tác phòng chống. Muốn phòng chống dịch bệnh hiệu quả, phải giám sát và đánh giá nguy cơ chuẩn, từ đó có biện pháp dự phòng đúng và đáp ứng đúng. Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nếu đánh giá nguy cơ không đúng, không phòng chống được dịch bệnh, nhưng nếu nhận định thái quá thì lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Theo vị chuyên gia này, Nghị quyết 128 của Chính phủ vẫn đúng trong điều kiện Việt Nam hiện tại. Chúng ta nới lỏng nhưng không được buông trôi, thả lỏng, để bảo đảm phát triển kinh tế và an sinh xã hội, nhưng cũng không thể xem nhẹ COVID-19. Cụ thể nên nới lỏng đồng bộ nhưng cũng phải dự phòng đồng bộ, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác dự phòng và tiêm chủng vaccine.

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, có thể sửa đổi quy định về đeo khẩu trang phòng bệnh (có thể đeo trong phòng kín, nơi tập trung đông người, với những người có triệu chứng về hô hấp, không cần thiết đeo khi ra ngoài môi trường).

Đặc biệt, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất dự phòng bệnh. Với mục tiêu: Không có bệnh nhân nặng, không có ca tử vong, tránh quá tải bệnh viện, nên tăng cường tiêm vét, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho các đối tượng, càng sớm càng tốt.

Theo thông tin từ Hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 từ thời điểm 27/4/2021 đến nay, có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng COVID-19; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bác sĩ đa chuyên khoa phối hợp tìm ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
(PLVN) - Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.