Hôm 22/7, Bộ Công Thương tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực tế cho thấy, để hàng Việt “in đậm” trong tâm trí người tiêu dùng vẫn còn nhiều gian nan…
Sở Công thương các tỉnh thành phố đã tổ chức được 68 đợt bán hàng về nông thôn |
Doanh thu 1.467 tỉ đồng!
Bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình hành động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông tin: Về hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, Sở Công thương các tỉnh thành phố đã tổ chức được 68 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt DN tham gia và 1.124 gian hàng, thu hút hơn 4,7 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu đạt 1.467 tỉ đồng.
Các Sở Công Thương đã tiếp nhận, theo dõi hơn 40 đợt bán hàng khuyến mại với hơn 6.000 lượt DN tham gia, thu hút được hơn 13 nghìn lượt khách đến thăm quan, mua sắm; doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng, hàng hóa khuyến mại tập trung chủ yếu vào đồ gia dụng, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, đồ uống…
Bà Vũ Kim Hạnh – Đại diện Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết: Kết quả Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công thương phối hợp cùng BSA đã tổ chức 31 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại 16 tỉnh thành trên 3 miền đất nước, tổng doanh thu của các DN đạt 21tỉ 15 triệu đồng, 484.710 lượt người đến tham quan và mua sắm, 7.470 bà con nghèo đã được khám chữa bệnh miễn phí, 24 lớp huấn luyện kỹ năng bán hàng cho hơn 1.322 tiểu thương tại địa phương, 89.000 tập cẩm nang người bán lẻ đã được cung cấp, 89.000 tập cẩm nang tiêu dùng phát hành miễn phí cho NTD.
Còn bị “chê” nhiều!
Cũng theo bà Thoa, quá trình thực hiện cuộc vận động còn một số khó khăn: Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng cũng làm giảm lòng tin của người tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý 40.844 vụ vi phạm, trong đó, 8.161 vụ buôn lậu, 9.244 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, tiêu hủy hơn 2.500 hộp sữa các loại kém chất lượng….
Chương trình về hàng Việt, đưa hàng về nông thôn cũng chưa kết nối được các DN có thương hiệu mạnh tham gia; chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhiều hội chợ, triển lãm mới chỉ dừng ở việc trưng bày, giới thiệu hoặc bán lẻ thuần túy. Bản thân các DN chưa chú trọng đến nghiên cứu thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm phát triển trên thị trường nội địa.
Nhiều DN còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm thực hiện xúc tiến thương mại nên hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại chưa cao. Không ít DN chưa thực sự quan tâm đến thị trường nội địa, nhất là các DN xuất khẩu. Vẫn còn một số DN lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, sắp hết hạn làm ảnh hưởng đến lợi ích, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.
Tháng 9, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phối hợp giữa Bộ Công thương và BSA sẽ “hết hạn”, hoạt động sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, BSA sẽ vẫn tiếp tục công việc hợp tác với hơn 500 doanh nghiệp, và BSA sẽ sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các DN để chinh phục thị trường nông thôn và hy vọng, sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các DN. |
Theo kết quả điều tra tiến hành tại châu Á của Tập đoàn Grey Group (Mỹ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, tức là chỉ có 23% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu trong nước. Còn theo điều tra của Cty TV Plus, sau gần một năm thực hiện Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay có 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt.
Theo bà Hạnh, các DN muốn chinh phục hàng Việt thì phải thực sự thiết tha, thấy thị trường có tiềm năng lớn mặc dù bước đầu vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. DN tham gia các Hội chợ này không phải là đi “bán dạo” mà là cơ hội tiếp thu ý kiến của người tiêu dùng đối với sản phẩm; đồng thời, tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng nông thôn để tung ra các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp các DN đi “khám sức khỏe” kênh phân phối của mình ở các địa phương để cải tiến hoặc mở rộng trong tương lai...
Mai Hoa