Nhiều người bị nhiễm HIV - dù bất cứ nguyên nhân gì - không đủ can đảm nói về bản thân cũng như căn bệnh của họ nhưng đối với chị Phan Thị Lợi thì khác …Vượt qua nỗi đau của mình, chị sẵn sàng xuất hiện để nói lên những suy nghĩ, bệnh tật của căn bệnh thế kỷ đã xâm nhập vào cơ thể mình…
Hôn nhân bồng bột
Chúng tôi đến thăm chị Phan Thị Lợi trong cái chòi cất tạm bợ vách lá, lợp tôn hầm hập trong cái nắng gay gắt chứa toàn đồ phế liệu - nơi trú ngụ hàng ngày của chị. Đây là căn nhà do người cô ruột thương tình cho cất tạm trên phần đất của mình. Bệnh tật, sự lạnh lùng xa cách của không ít người thân, láng giềng khiến chị trở nên ít nói, lặng lẽ cô đơn hơn.
Chị Phan Thị Lợi |
Là một cô gái trẻ đẹp, tràn đầy sức sống ở khu phố 6, thuộc phường 6, TP.Tân An (Long An), chị Phan Thị Lợi (SN 1985) đã sớm kết hôn khi tuổi đời vừa bước qua 17. Gia đình nghèo với bốn anh em, chị Lợi là con thứ 2 trong gia đình.
Không thể nhìn cảnh hàng ngày người cha gầy guộc làm nghề bốc vác để kiếm từng đồng, từng cắc nuôi mẹ và các anh chị em của mình, Lợi sớm nghỉ học giữa năm lớp 6 để giúp đỡ cha trong sinh hoạt hàng ngày. Năm tháng dần trôi, cô bé ngày nào nay đã thành một thiếu nữ, được nhiều chàng trai xung quanh dòm ngó.
Năm 2002, qua giới thiệu của người quen, chị Lợi vào làm công nhân cho một Cty xuất khẩu hạt điều tại TP.Tân An. Lao động hăng say, giỏi giang, hoạt bát nên hầu hết công nhân nơi đây đều yêu mến chị. Tại đây, từ giới thiệu của người bạn, chị quen với với anh Đặng Hùng Trung (SN 1981), ngụ cùng phường 6 –TP.Tân An).
Chỉ sau 4 tháng quen biết, anh chị đã sống chung với nhau mặc cho cả gia đình hai bên ngăn cản. Chị Lợi cho biết, qua những ngày hương lửa mặn nồng, chồng chị mới thú nhận là đã bị HIV vì sử dụng chất ma tuý. Nghe chồng vừa dứt lời, tay chân chị rụng rời, đầu choáng váng. Rồi chị kịp suy nghĩ và cũng tự an ủi mình đã lỡ yêu nhau... Chị đến cơ sở y tế điều trị, uống thuốc ARV theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Và cũng ngần ấy thời gian, ngày ngày chị phải khép mình trong công việc xâu chuỗi từng hạt cườm, làm nơ. Ai cũng biết HIV không thể lây qua những giao tiếp thông thường trong cuộc sống hằng ngày nhưng không ít người hiểu biết kiểu “mơ hồ” cộng với sự thêu dệt, phóng đại quá mức đã đẩy cuộc sống chị Lợi dần đi vào ngõ hẹp.
Láng giềng không nói ra nhưng trong cái xóm nhỏ chỉ mười mấy nóc nhà này, ai cũng ngại đến chơi hay trò chuyện với chị. Ánh mắt, lời nói né tranh đầy ngại ngần cũng đủ làm ai đó một lần nhắc tên chị cảm nhận được sự cách biệt lạnh lùng bởi nghĩ đến HIV/AIDs, nhiều người hay có suy nghĩ ai lầm và xem đó là một tệ nạn xã hội.
Thật ra, đó chỉ là bệnh như bao căn bệnh khác, ai cũng có thể mắc phải nhưng mấy ai thấu hiểu điều đó. Chị không chỉ đau đớn thể xác vì bệnh tật mà còn suy sụp về tinh thần. Còn nỗi đau nào hơn bởi chị gần như bị tách biệt khỏi cộng đồng, càng làm chị thêm mặc cảm cho cảnh đời bạc phận của mình. Hàng xóm cho biết, đứa con 2 tuổi chị đứt ruột sinh ra cũng đã đem cho người khác cách đây vài tháng.
Vượt qua khổ đau
Năm 2003, chị Phan Thị Lợi bị suy sụp tinh thần vì vừa chống chọi với căn bệnh HIV vừa đau khổ khi người chồng bị bắt giam về tội trộm cướp. Sức khoẻ ngày càng kém dần, thân hình chị gầy đi, rồi tóc rụng dần, thân thể teo lại, ghẻ lở tràn lan đến nỗi chị không dám nhìn vào gương. Rất may là chị kịp suy nghĩ lại, hiểu rằng phải sống cho chính bản thân.
Từ đó, chị gạt bỏ u sầu, cố gắng tập thể dục dù thân thể rất đau và kiên trì điều trị bệnh. Kết quả, lòng kiên nhẫn đã giúp chị vượt qua, sức khoẻ hồi phục, chị tăng cân từ 35 kg vượt lên 58 kg. Chị Lợi bắt đầu lạc quan với công việc xâu chuỗi từng hạt cườm làm nơ.
Giữa năm 2008, trong một lần thăm chồng trong trại giam, chị đã mang thai. Và qua bao tháng ngày một mình chăm sóc, đứa con trai kháu khỉnh của chị chào đời với kết quả xét nghiệm âm tính. Chị xem đây là niềm an ủi, hạnh phúc vô bờ bến của mình.
Tưởng niềm hạnh phúc nhân đôi khi cuối năm 2009 người chồng ra tù, nhưng chị một lần nữa suy sụp tinh thần khi người chồng bội bạc ra đi, bỏ 2 mẹ con chị. Chị oằn oại, năm liệt giường trong nhiều ngày nhưng một lần nữa cố nén vết thương lòng, chị gượng dậy nuôi con. Và điều kỳ diệu lại mỉm cười khi sức khỏe chị mỗi ngày một tốt hơn ...
Nói về chị Phan Thị Lợi, bác sĩ Trương Ký Sĩ – Trưởng Khoa nhiễm thuộc Bệnh viện Đa khoa Long An, cho biết: “ Chị Lợi là người bị bệnh nặng nhất trong tất cả những ca bệnh mà tôi điều trị. Tuy nhiên, chị Lợi đã thực hiện đúng lịch điều trị bệnh, cùng với tinh thần lạc quan, sống lành mạnh, thoải mái đã giúp chị Lợi có sức khoẻ tốt như hiện nay”.
Bác sĩ Ký Sĩ cho biết thêm, hiện chị Lợi đang điều trị thuốc ARV, đây là quá trình điều trị liên tục suốt đời và nếu chị uống thuốc tốt, tuân thủ điều trị tốt thì cơ thể sẽ khôi phục hệ thống miễn dịch, ức chế sự nhân lên của virus HIV. Điều này giúp cho chị cũng như các bệnh nhân khác dù có bệnh AIDS nhưng vẫn khỏe mạnh, sống lâu và sống tốt hơn, ít nguy cơ nhiễm trùng cơ hội, hòa nhập với xã hội và giảm lây lan HIV trong cộng đồng.
Chị Phan Thị Lợi tâm sự thêm : “Mỗi lần đi khám bệnh, tôi gặp những chị bị nhiễm HIV rất bi quan. Có chị đòi tự vẫn, có chị cho rằng mình bị thì người khác phải bị như mình nên phải đi gieo mầm bệnh cho những người đàn ông để trả thù đời. Tôi đã động viên, an ủi họ hãy cố gắng sống có ích.và chỉ ngay chính bản thân tôi đã cố vượt qua mới sống được khoẻ mạnh như bây giờ. Kết quả, phần lớn những chị bị HIV mà tôi tư vấn đều khoẻ mạnh và yêu đời như tôi”.
Chị Lợi đang xin tham gia làm thành viên những người đồng đẳng viên của tỉnh để giải thích, động viên, hướng những người bị bệnh HIV/AIDS hãy sống và hướng tới một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Liên Xuân