Hành trình cam go
Những năm gần đây, các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm hữu cơ được người tiêu dùng ưa chuộng. Lý do là bởi sản phẩm hữu cơ luôn có chất lượng cao hơn, an toàn hơn cho sức khỏe người dùng. Giờ đây, đời sống nâng cao, người tiêu dùng ngoài mong muốn “no” và “ngon”, thì bắt đầu hướng đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, cho môi trường…
Đáp ứng nhu cầu người dùng, nhiều nhà vườn, trang trại nông sản trồng theo lối hữu cơ ra đời. Nhiều nhà vườn trồng rau hữu cơ được săn đón. Nhiều nông dân làm giàu nhờ phương pháp trồng hữu cơ thích hợp. Thế nhưng, nông nghiệp sạch chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng.
Cho dù nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch cao là thế, cho dù tốt cho sức khỏe, thì cho đến nay, tỉ lệ người nông dân lựa chọn con đường nông nghiệp sạch là không cao.
Theo tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng các nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất, gồm phân vô cơ, hóa chất, chất kích thích, sản phẩm đột biến gen.
Người nông dân thực hiện trồng trọt theo xu thế hữu cơ, nếu chuẩn hóa có thể được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Ngoài chứng nhận nói trên, người làm nông nghiệp sạch có thể hướng đến tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn được áp dụng, chứng nhận phổ biến tại Việt Nam với mức độ dễ dàng hơn so với chứng nhận hữu cơ.
Dù VietGAP hay chứng nhận hữu cơ có mức độ dễ - khó áp dụng khác nhau, nhưng tựu trung thì vẫn là phương pháp đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn hơn cách trồng tự pháp thông thường của người nông dân. Để đi trên con đường này, lúc khởi điểm sẽ đòi hỏi người nông dân câu chuyện đầu tư dài hơi, tốn kém. Và trong suốt quá trình là vô vàn gian khó phải trải qua: Cây trồng, vật nuôi chậm lớn, các loại sâu, dịch bệnh tấn công, năng suất, sản lượng thu hoạch kém, đòi hỏi bỏ công sức nhiều hơn cách làm thông thường… Chính những yếu tố đó đã khiến không ít nông dân nản lòng, bỏ cuộc.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ chia sẻ, hiện phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp sạch của Việt Nam, chưa xứng tầm với tiềm năng. Chất lượng các vùng nguyên liệu nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu cho cả thị trường xuất khẩu và cho ngành chế biến. Cạnh đó là câu chuyện làm thương hiệu. Làm nông nghiệp sạch nhưng thị trường “vàng thau lẫn lộn”, sản phẩm chuẩn sạch chưa cạnh tranh nổi với sản phẩm nuôi trồng thông thường, dùng hóa chất, thì con đường của sản phẩm sạch ra thị trường còn khó khăn nhiều lắm.
Không ít doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư vào quy trình sản xuất nông sản sạch. Tuy nhiên, con số này vẫn còn chiếm tỉ lệ rất thấp so với “bản đồ nông nghiệp Việt”. Để mở rộng quy mô nông nghiệp sạch trên toàn quốc, cái khó nhất chính là làm cách nào để thay đổi tư duy canh tác của người nông dân, khi mà cách làm “ngắn ngày, ăn xổi” của số đông dường như đã trở thành một thói quen xấu khó bỏ. Cạnh đó, nguồn vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt là điều mà người nông dân cần được hỗ trợ để họ dám mạnh dạn đến với nông nghiệp sạch.
Làm giàu nhờ nông nghiệp sạch, có được không?
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cái khó khăn khi bắt tay vào làm nông nghiệp sạch chỉ là cái khó ở bước đầu. Một khi vượt qua được cái khó ấy, thì “quả” sẽ rất ngọt ngào.
Tại Hà Nội có một trang trại rau hữu cơ nổi tiếng, có tên gọi trại rau Hoa Viên. Trang trại rộng 60ha, xuất phát từ mảnh đất hoang được cải tạo lại, hiện nay trồng trên 50 loại rau củ nhiều chủng loại. Quy trình trồng rau hữu cơ nơi đây được thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến thu hoạch. Các công đoạn dọn cỏ, cải tạo đất đều làm thủ công. Toàn bộ cỏ dại, tàn dư thực vật sau thu hoạch được thu gom, ngâm ủ, cho trùn quế ăn… Trùn quế cùng phân hữu cơ thực vật được dùng làm phân bón cây. Việc bắt sâu cũng phải hoàn toàn thủ công. Tuy quy trình khá nhiều, tốn không ít công sức, nhưng bù lại, chất lượng rau cao, được người tiêu dùng đón nhận. Mỗi ngày, trại rau này cung cấp nửa tấn đến một tấn rau cho Hà Nội.
Một trang trại ứng dụng công nghệ “sạch”. |
Phải thừa nhận rằng, không ít người nông dân với sự sáng tạo, chăm chỉ và nỗ lực đã mở ra những hướng đi mới, vừa áp dụng quy trình sản xuất sạch hiệu quả, vừa đem lại năng suất cao, làm giàu từ nông nghiệp sạch. Như ở Đồng Nai, có không ít nông trại trở thành “nông trại kiểu mẫu” bởi cách làm nông nghiệp sạch chuẩn mực.
Trong nông nghiệp hữu cơ, cái khó nhất phải kể đến vấn đề phân bón và xử lý sâu bệnh. Vì một khi không được dùng đến các phân bón hóa học, chế phẩm hóa học thì phải có biện pháp thay thế hiệu quả. Và với sự sáng tạo, chịu thương chịu khó của mình, nhiều người nông dân đã tìm ra các phương pháp thay thế tuyệt diệu từ những thứ nhỏ nhặt chung quanh: Tự ủ phân bón hữu cơ cũng như phòng trừ sâu bệnh bằng các phương pháp tự nhiên như phương pháp diệt côn trùng, sâu rầy bằng đèn, treo bảng màu thay cho thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất để xử lý sâu bệnh, vừa giảm chi phí lại bảo vệ được sức khỏe con người. Trồng lúa sạch theo mô hình ruộng lúa bờ hoa, trồng hoa cỏ trong vườn cây, nuôi kiến vàng, tự làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học để trừ sâu bệnh bằng phương pháp tự nhiên, rẻ tiền…
Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Hiếu Liêm, Vĩnh Cửu) là một trong những nông dân đi đầu ứng dụng công nghệ sinh học tự ủ phân bón hữu cơ và sử dụng men vi sinh để tạo ra những chế phẩm sinh học diệt sâu bọ.
Theo ông Thanh, sản xuất theo hướng hữu cơ do nông dân chủ động tự làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển tốt, cho chất lượng trái ngon hơn, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với sử dụng các loại phân, thuốc hóa học. Tuy sản xuất theo hướng này không quá khó nhưng đòi hỏi người nông dân phải kiên nhẫn học hỏi, nghiên cứu và quan sát trong suốt quá trình canh tác để tự rút cho mình những kinh nghiệm thực tế.
Nhờ phương pháp hiệu quả vườn bưởi của gia đình ông Thanh trở nên nổi tiếng trong vùng. Không ít cơ quan chức năng đã đưa nông dân đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, nhiều nông dân có hứng thú làm nông nghiệp sạch tự tìm đến để tham quan vườn và học cách tạo men vi sinh cũng được ông Thanh hướng dẫn cặn kẽ.
Cạnh đó, nhiều người nông dân không chỉ làm nông nghiệp sạch mà còn áp dụng được quy trình công nghệ cao vào sản xuất, đem lại những kết quả không ngờ.
Có thể thấy, người nông dân đạt sản lượng như ý, làm giàu nhờ nông nghiệp sạch không phải là hiếm. Cũng có thể nói, nông nghiệp sạch giờ đây đã trở thành xu thế của những người nông dân thức thời. Nhưng để vượt qua được khó khăn bước đầu để đến được thành quả tốt đẹp là một chặng đường dài, đòi hỏi nhiều kiên trì mà nếu đơn độc, người nông dân cũng khó đạt kết quả tốt. Thêm vào đó, nếu để phát triển tự do, thì chuyện mở rộng nông nghiệp sạch sẽ khó mà thực hiện, mãi mãi chỉ là tự phát, manh mún nhỏ lẻ.
Muốn nông nghiệp sạch trở thành “từ khóa” quen thuộc của nhà nông, cần phải có chính sách thích hợp để tuyên truyền, hỗ trợ người nông dân. Cạnh đó, vai trò triển khai của các địa phương rất quan trọng vì bên cạnh các chính sách của Trung ương thì việc chủ động ứng dụng, triển khai chính sách phù hợp với thực tế mới phát huy được hiệu quả.
Chính vì thế, các địa phương cần có sự quan tâm, tìm ra cách làm phù hợp để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để xây dựng được một nền nông nghiệp tín nhiệm bằng sự minh bạch về chất lượng.
Con đường còn dài và còn nhiều gian khó, nhưng với những dấu hiệu tích cực thời gian qua, hy vọng, màu xanh của nông sản sạch, hữu cơ sẽ ngày một mở rộng ra hơn nữa trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam.