Người lớn bế xốc nách và rung lắc, trẻ 4 tháng tuổi bị xuất huyết não

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi được nhiều người chuyền tay nhau bế ẵm, bệnh nhi 4 tháng tuổi được chuẩn đoán bị xuất huyết não do hội chứng rung lắc.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa điều trị cho bé 4 tháng tuổi xuất huyết não do hội chứng rung lắc. Bệnh nhi sinh thường đủ tháng, không sặc sữa, ngủ bằng nôi không rung lắc mạnh, không có tiền sử té ngã.

Trước đó 2 ngày, bé được mẹ đưa đi chơi, sau đó nhiều người chuyền tay bế xốc nách và rung lắc trẻ. Hôm sau, bé có triệu chứng li bì, bú kém, không sốt, sau đó li bì nhiều hơn, kèm theo thở nấc nên được gia đình đưa vào viện.

Khi nhập viện, bệnh nhi hôn mê, đồng tử 2 bên có đáp ứng với ánh sáng, thở nấc, tím môi, nhịp tim rõ đều, thóp trước phồng, bụng mềm, không tiêu chảy, không sốt. Qua kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán: Xuất huyết não (xuất huyết dưới nhện + tụ máu dưới màng cứng) nghi do Hội chứng rung lắc.

Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực tại Khoa Nhi với các phương pháp thở máy, điều chỉnh rối loạn thông khí, điều chỉnh rối loạn điện giải, truyền máu, cắt cơn co giật, nuôi dưỡng tĩnh mạch.

Sau 7 ngày điều trị nội khoa hồi sức tích cực, bệnh nhi tỉnh, được cai máy thở rút ống nội khí quản. Đến hiện tại, trẻ tỉnh táo, bú tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định hoàn toàn, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Cảnh báo hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh.
Cảnh báo hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh.

Các bác sĩ khuyến cáo, hội chứng rung lắc là một dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh. Hội chứng này hay gặp hơn ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh đến 8 tháng tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây ra hội chứng rung lắc thường là do việc rung lắc mạnh, quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác đơn giản khi chơi đùa nhưng làm thay đổi tư thế trẻ nhanh đột ngột như: trẻ đang nằm được bế thốc dậy, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, nhấc bổng trẻ lên cao làm máy bay… Những động tác này đều có thể gây nguy hại đến trẻ dù chỉ với thời gian ngắn. Có thể so sánh Hội chứng rung lắc ở trẻ em tương tự như người lớn bị chấn thương sọ não do tai nạn xe.

Phụ huynh có thể nhận biết và theo dõi các dấu hiệu ở trẻ như: Rối loạn tri giác ở nhiều mức độ; lừ đừ, vật vã, hoặc hôn mê; co giật; nôn; bú kém hoặc bỏ bú; nhịp thở chậm và bất thường; thóp phồng. Ngoài ra, trẻ bị thương tổn liên quan đến bạo lực như bầm tím mặt, da đầu, cánh tay, lưng hoặc bụng… Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ, nếu nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, giảm khả năng học tập… nặng hơn có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, giảm thị lực hoặc mù, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.

Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc hội chứng rung lắc, phụ huynh cần:

  • Gọi xe cấp cứu, không nên vận chuyển bằng các phương tiện thông thường.
  • Không bế xốc trẻ lên, hay cố gắng lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại, không cho trẻ ăn, bú.
  • Nếu trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần phải tiến hành hô hấp nhân tạo.
  • Nếu chấn thương cổ nên cố định cổ và tránh xoay trở trẻ.
  • Nếu trẻ nôn và không có chấn thương cổ, cần xoay nhẹ đầu trẻ về một bên để tránh sặc và ngừng thở.

Những lưu ý giúp phụ huynh trong việc phòng ngừa Hội chứng rung lắc ở trẻ:

  • Phụ huynh, người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ.

  • Không bồng bế thốc ngược hay vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

  • Không nên để người đang tức giận bế ẵm trẻ. Cần đảm bảo các thành viên trong gia đình và người chăm sóc trẻ nhận thức được sự nguy hiểm của hội chứng rung lắc ở trẻ.

  • Phải tìm cách giảm bớt căng thẳng khi con khóc trong thời gian dài. Hãy nhờ gia đình hoặc bạn bè người thân giúp đỡ khi cảm thấy mất kiểm soát bản thân.

Tin cùng chuyên mục

TP Cần Thơ đẩy mạnh quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trên địa bàn. (Nguồn: Sở GD&ĐT TP Cần Thơ)

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh

(PLVN) -  Việc hầu hết các em học sinh (HS) khi gặp vấn đề tâm lý không biết phải gặp ai, làm gì để giúp các em vượt qua là phản ánh rõ nét cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khoảng trống.

Đọc thêm

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.