Tổng giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) vừa có hướng dẫn nhằm thống nhất về việc xử lý nợ rủi ro và xem xét cho vay bổ sung để thực hiện đối với những khách hàng được tiếp tục đi lao động có thời hạn tại nước khác theo chủ trương của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của số lao động từ Libya, các nước Bắc Phi và Trung Đông phải về nước trước hạn.
Theo đó, tất cả các trường hợp người lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Libya, các nước Bắc Phi và Trung Đông phải về nước trước thời hạn thì đều thực hiện việc thanh lý Hợp đồng lao động với Doanh nghiệp XKLĐ và nhận lại tiền phí dịch vụ, tiền phí môi giới tương ứng với số tháng người lao động về nước trước hạn và toàn bộ tiền đặt cọc (nếu có).
Đối với người lao động đã vay vốn NHCSXH thì đây là khoản tiền vay của NHCSXH. Vì vậy, NHCSXH nơi cho vay phối hợp và yêu cầu tổ chức Hội nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ TK&VV đôn đốc người vay trả ngay cho NHCSXH số tiền được nhận này; đồng thời động viên, đôn đốc người vay và gia đình có kế hoạch trả tiếp số nợ còn lại hoặc lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định hiện hành đối với trường hợp bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Trường hợp, người lao động về nước trước hạn do nguyên nhân khách quan (như doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể hoặc bị ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị - kinh tế), nếu còn dư nợ và có nhu cầu tiếp tục vay vốn để đi XKLĐ ở nước khác thì NHCSXH có thể xem xét cho vay tiếp một khoản vay mới ngoài số dư nợ của người vay cũ để giúp người lao động có điều kiện đi làm việc ở nước ngoài và có nguồn trả nợ Ngân hàng cả nợ cũ và nợ mới.
Việc cho vay khoản vay mới, ngoài các thủ tục theo quy định hiện hành phải có thêm các điều kiện: Có bản “Thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” hoặc giấy tờ khác chứng minh người lao động về nước trước hạn; Người vay đã sử dụng toàn bộ các khoản tiền được nhận lại khi thanh lý Hợp đồng lao động theo khoản vay trước (được nêu cụ thể trong Thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm: Tiền phí dịch vụ, tiền phí môi giới, tiền đặt cọc,…) để trả nợ NHCSXH; Đã hoàn tất các thủ tục theo quy định về xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan với NHCSXH (như gia hạn nợ, khoanh nợ…).
NHCSXH cũng vừa có hướng dẫn mới nhất về giấy xác nhận vay vốn chính sách do sinh viên lập. Theo đó, giấy này bao gồm các nội dung: Họ và tên học sinh (sinh viên); Ngày sinh; Giới tính; số và ngày cấp, nới cấp CMND; Mã trường theo học (mã quy ước trong tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN); Tên trường; Ngành học; Hệ đào tạo (Đại học, cao đẳng, dạy nghề); Khoá học; Loại hình đào tạo; Lớp và số thẻ HSSV; Khoa; Ngày nhập học; Thời gian ra trường (tháng/năm); Thời gian học tại trường (tính bằng tháng); Số tiền học phí hàng tháng. Sinh viên thuộc diện không miễn giảm/giảm học phí/miễn học phí. Sinh viên thuộc đối tượng mồ côi/không mồ côi.
Trong phần xác nhận của mình, nhà trường xá nhận theo mẫu nội dung: “Trong thời gian theo học tại trường, anh (chị) (tên sinh viên) không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu. Số tài khoản của nhà trường… tại Ngân hàng…”
P.V.