Người khiến thế giới đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác

Ông Kim Jong-un ký sổ lưu niệm tại nhà Hòa bình
Ông Kim Jong-un ký sổ lưu niệm tại nhà Hòa bình
(PLO) - Kể từ đầu năm đến nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khiến thế giới đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Trong những ngày này, ông trở thành tâm điểm của dư luận khi trở thành lãnh đạo Triều Tiên đặt chân đến Hàn Quốc trong vòng 65 năm.

Hy vọng mở ra kỷ nguyên cởi mở

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ông Kim Jong-un sinh ngày 8/1/1982 nhưng các nguồn tin khác cho rằng ông này có thể sinh năm 1983 hoặc 1984. Ông Kim Jong-un là con thứ ba, cũng là con trai út cố lãnh đạo Kim Jong-Il và là cháu trai của nhà sáng lập Triều Tiên Kim Il-sung.  

Tờ Vanity Fair dẫn thông tin của nhà nghiên cứu Mark Bowden cho biết, trong những năm 1990, ông Kim Jong-un đã theo học tại hai trường tư ở Thụy Sỹ là Trường quốc tế Berne ở Gümligen và trường Liebefeld Steinhölzli ở gần thành phố Bern.

Ở Thụy Sỹ, ông này được cho theo học tiếng Đức và tiếng Pháp và giao du với những người bạn quốc tế như bao học sinh khác. Chính vì thế nên khi ông Kim Jong-un kế nhiệm cha, trở thành chủ tịch của Triều Tiên, các nhà quan sát phương Tây đã rất hy vọng rằng ông này sẽ mở ra kỷ nguyên cởi mở giữa Triều Tiên với thế giới bên ngoài. 

Quá trình chuẩn bị cho việc “kế vị” của ông Kim Jong-un được đẩy mạnh vào năm 2008, khi sức khỏe của ông Kim Jong-il có dấu hiệu xấu đi. Năm 2009, ông được bầu vào Ủy ban trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên và được bổ nhiệm vào Ủy ban quốc phòng của Triều Tiên. Tháng 9/2010, ông Kim Jong-un được thăng hàm tướng bốn sao, trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Triều Tiên.

Đến tháng 8/2010, khi ông Kim Jong-il thăm Trung Quốc, có nguồn tin nói rằng ông Kim Jong-un đã tháp tùng cha. Động thái này được các chuyên gia xem là chỉ dấu cho thấy ông này đã chắc chắn được chọn làm người kế nhiệm cha.

Tháng 12/2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il qua đời ở tuổi 69. Sau đám tang của cha, ông Kim Jong Un chính thức tiếp quản vị trí người đứng đầu đất nước, trở thành một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới.

Khi ông Kim Jong-un mới lên nắm quyền, nhiều nhà quan sát cho rằng vì tuổi đời còn trẻ, lại ít kinh nghiệm lãnh đạo, ông có thể sẽ bị biến thành một con rối bị những nhân vật lão luyện trong bộ máy lãnh đạo của Triều Tiên giật dây thao túng. Tuy nhiên, thực tế sau đó chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

Lên nắm quyền được ít lâu, ông Kim Jong-un được cho là đã thẳng tay xử lý một số quan chức cấp cao trong giới lãnh đạo Triều Tiên. Có tin cho biết ông đã thay ít nhất sáu bộ trưởng quốc phòng chỉ trong vài năm nắm quyền. Ông cũng không nghe lời khuyên từ nhiều người xung quanh, bao gồm những người từng làm cố vấn cho cha và ông nội của mình. 

Năm 2013, ông Kim Jong-un đã công bố chính sách phát triển đồng thời chương trình vũ khí hạt nhân và kinh tế của Triều Tiên. Kể từ đó, Triều Tiên tiếp tục phát triển các tên lửa tầm trung và tầm xa, đồng thời tiến hành hàng loạt những vụ thử hạt nhân với mật độ dày đặc hơn cả thời cha và ông của ông.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) được cho là cao khoảng 170 cm và nặng 130 kg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) được cho là cao khoảng 170 cm và nặng 130 kg

Tổng cộng, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, Triều Tiên đã bốn lần thử hạt nhân, nâng tổng số vụ thử hạt nhân của nước này lên thành sáu vụ. Triều Tiên cũng tuyên bố đã thử thành công bom H được thu nhỏ có thể gắn lên tên lửa tầm xa. Tầm bắn của tên lửa của Triều Tiên cũng đã gia tăng đáng kể. Trong năm 2017, nước này tuyên bố đã thử thành công tên lửa liên lục địa có thể bắn tới Mỹ. 

Các vụ việc này đã khiến những nước láng giềng của Triều Tiên thất vọng. Đặc biệt, khẩu chiến qua lại giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên mức cao nhất mọi thời đại. Thậm chí, hai nhà lãnh đạo đã mạt sát lẫn nhau khi ông Trump đã gọi ông Kim là “người đàn ông tên lửa với sứ mệnh tự sát” còn ông Kim đáp trả bằng cách gọi nhà lãnh đạo của Mỹ là “kẻ điên”. 

Bước chuyển bất ngờ

Giữa lúc căng thẳng đang lên cao, thậm chí có nhiều người đã lo lắng về khả năng xảy ra “chiến tranh thế giới thứ ba” vì căng thẳng Mỹ - Triều, ông Kim Jong-un đã khiến cả thế giới bất ngờ xen lẫn hồ nghi khi trong bài phát biểu chúc mừng năm mới đã chìa “cành ô liu” về phía Hàn Quốc với tuyên bố sẵn sàng đối thoại và có thể cử đoàn vận động viên tham gia Olympic tại Hàn Quốc. 

Một loạt các hoạt động ngoại giao tích cực đã diễn ra sau đó, với đỉnh cao là cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng 4/2018 vừa qua. Cùng với đó, ông Kim cũng chuẩn bị có cuộc gặp với ông Trump, đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống tại nhiệm của Mỹ gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Để chuẩn bị cho các cuộc gặp này, trong tháng 4/2018, ông Kim cũng tuyên bố dừng tất cả các vụ thử tên lửa và đóng cửa một địa điểm thử hạt nhân của nước này vì Triều Tiên đã đạt đến mức độ vũ khí hóa hạt nhân. Thay vào đó, ông Kim tuyên bố Triều Tiên sẽ tập trung thực hiện cải tổ kinh tế nhằm đảm bảo cuộc sống đủ đầy cho mọi người dân.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim trở thành lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân tới lãnh thổ Hàn Quốc trong hơn 60 năm qua. Cuộc gặp đã đưa đến nhiều tín hiệu tích cực, với việc hai bên đã nhất trí về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên cũng như sẵn sàng cho các cuộc đàm phán có thể là với Mỹ và Trung Quốc nhằm chính thức kết thúc chiến tranh liên Triều.

Cũng qua cuộc gặp này, người ta biết đến nhiều hơn về một hình ảnh khác của ông Kim Jong-un – một người đàn ông thẳng thắn, hài hước cùng nhiều tật xấu rất “đời” khác như nghiện thuốc lá, thừa cân… chứ không chỉ như hình ảnh đẹp đẽ mà ông được khắc họa qua truyền thông Triều Tiên hay chân dung có phần tiêu cực qua lăng kính của các nguồn tin khác.

Cho đến nay, có nhiều đồn đoán về nguyên nhân khiến ông Kim Jong-un bất ngờ thay đổi chính sách. Có người nói rằng nền kinh tế Triều Tiên đã bị ảnh hưởng nặng nề vì các lệnh trừng phạt quốc tế buộc ông Kim phải xuống thang. Có ý kiến lại cho rằng đó chỉ là cách để nhà lãnh đạo Triều Tiên kéo dài thời gian trong lúc căng thẳng trên thế giới đã lên cao đến mức khó chấp nhận…

Tuy nhiên, dù nguyên nhân là gì thì các động thái của Triều Tiên vẫn đã đưa đến nhiều triển vọng tích cực cho hòa bình trên thế giới cũng như hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn cho người dân Triều Tiên.

Sau cái bắt tay lịch sử ở đường ranh giới liên Triều, ông Kim và ông Moon duyệt đội danh dự trước khi đi cùng nhau vài phút để đến nhà Hòa bình. Quãng đường đi bộ chỉ khoảng 200 - 300m đã khiến ông Kim thở nặng nề khi ký sổ lưu niệm tại nhà Hòa bình.

Chi tiết này khiến nhiều người đặt câu hỏi về thể lực của ông Kim. Truyền thông Hàn Quốc nhanh chóng suy đoán rằng ông Kim, được cho là 34 tuổi, có thể bị tiểu đường và cao huyết áp. Ông cao khoảng 170 cm và nặng 130 kg. Cha và ông của ông Kim đều qua đời vì bệnh tim.

Trong khi đó, một số người cho rằng việc ông Kim thở nặng nề không phải do vấn đề thể lực mà là vì ông quá lo lắng. 

Ông Kim đến hội nghị thượng đỉnh trên chiếc limousine hạng sang Mercedes-Benz và sử dụng chiếc bút hàng hiệu Montblanc khi viết lên sổ lưu niệm của nhà Hòa bình. Xe của ông trị giá 930 ngàn USD, được cải tiến đặc biệt để có thể tránh đạn và lựu đạn.

Trong bữa tiệc kéo dài 160 phút, Kim Jong-un liên tục được phía Hàn Quốc mời rượu Moonbaeju 40 độ nhưng ông không một lần từ chối.

Kim Jong-un là người ưa thích rượu vang Pháp và từng có lần uống 10 chai Bordeaux trong một đêm, theo lời kể từ đầu bếp cũ của gia đình nhà Kim. Ông cũng được cho là sở hữu bộ sưu tập siêu xe trị giá 20 triệu USD

Kim Jong-un là người nghiện thuốc lá nặng. Truyền thông Triều Tiên thường xuyên đăng những bức ảnh ông chỉ đạo các quan chức khi cầm một điếu thuốc trong tay. Ông hút thuốc trong nhà ngay cả khi ông đến thăm bệnh viện, trường học và nhà trẻ ở Triều Tiên. 

Khi lãnh đạo Hàn - Triều nói chuyện riêng với nhau, phía Hàn Quốc cũng chuẩn bị một cái gạt tàn trên bàn. Tuy nhiên, ông Kim đã không hề hút điếu nào trong cuộc nói chuyện riêng và cả cuộc họp chính thức.  

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.