Tối 15/3, thời tiết nóng nực nên anh Huỳnh Tấn Phong (45 tuổi, ngụ 78/1/3, đường Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4) ra lan can (gác trên bằng gỗ) nằm ngủ cho mát.
Đến khoảng 3h rạng sáng ngày 16/3, trong cơn mơ màng, anh choàng tỉnh giấc bởi tiếng cọc cạch phát ra ngoài hẻm. Lo có chuyện chẳng lành, anh vơ vội thanh gỗ, chạy xuống xem sự tình.
Cửa vừa mở, anh phát hiện hai tên trộm, một đang ngồi trên chiếc xe máy exciter, một đang lọ mọ bẻ khóa cổng nhà hàng xóm đối diện.
Anh Phong cầm cây gậy chạy ra ngoài, hai tên trộm giật mình. Chúng quay lại cự cãi với nhau, nói là “đang mở khóa vào nhà”. Anh Phong biết rõ chủ ngôi nhà và người thuê trọ ở đây nên biết ngay hai người đang dựng màn kịch.
Anh hô lớn: “Bọn mày làm cái trò gì đấy”. Biết bị phát hiện, tên ngồi trên xe máy nói với đồng bọn: “Xử gọn nó luôn đi”. Nghe vậy, anh Phong chạy xuống phía hẻm đối diện, tri hô mọi người.
Hai tên trộm đuổi theo. Chạy cách nhà 150m, anh Phong bị hai tên trộm áp sát, xô ngã bên đường. Chúng vung hung khí đâm một nhát chí mạng vào cổ anh rồi rú ga bỏ chạy.
Dính cú đâm bất ngờ, anh Phong choáng váng ngã xuống đường. Một phút định thần, anh lấy tay bịt vết thương, cố chạy ra chốt dân phòng ở mặt đường Tôn Thất Thuyết (cách đó khoảng 100m) kêu cứu.
“Khi đó, em đang ngủ với người em họ trước cửa nhà. Đang ngủ say, em giật mình tỉnh bởi tiếng hô “có trộm” của ba. Em thấy cửa nhà mình khép hờ, ngoài đường có tiếng xe máy chạy.
Hai chị em vội chạy ra tìm ba. Em thấy rất nhiều máu dưới mặt đường, trên tường máu dính hình bàn tay. Chạy ra hướng chốt dân phòng em thấy bố đang nằm sõng soài”, con gái nạn nhân khóc nghẹn kể lại.
Di ảnh người đàn ông dũng cảm |
Nhận được tin báo, Công an quận 4 nhanh chóng có mặt, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng để điều tra vụ việc. Tại hiện trường, hai đối tượng bỏ lại 1 túi ni lông màu đen chứa nhiều đồ nghề để bẻ phá cửa.
Về phần nạn nhân, do vết thương quá nặng, anh được chuyển sang Bệnh viện 115. Đến hơn 6h cùng ngày, anh Phong trút hơi thở cuối cùng.
Anh Phong là con cả trong gia đình nghèo có 4 anh em. Bố mất sớm, học chỉ kịp biết mặt chữ, anh nghỉ học, đi làm thuê phụ mẹ nuôi các em. Đến tuổi đôi mươi, trong một lần đi làm thợ hồ, anh “cảm nắng” cô gái quê Trà Vinh. Nhà quá nghèo, không có tiền làm đám cưới, hai trái tim đồng cảm về sống với nhau mà không đăng ký kết hôn.
Hạnh phúc đơm hoa kết trái bằng đứa con gái khỏe mạnh chào đời. Người chồng làm việc “đầu tắt mặt tối” kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2013, họ hạnh phúc đón đứa con trai thứ 2 ra đời. Hạnh phúc ngắn chẳng tày ngang, sóng gió bắt đầu ập tới mái ấm nhỏ. Gánh nặng cuộc sống khiến họ chia tay nhau khi đứa con út chưa đầy 2 tuổi.
Từ đó, anh nuôi hai đứa con. Anh chăm chỉ đi làm như trước, không tỏ vẻ buồn chán khi mối tình tan vỡ. Sau một thời gian, tiền kiếm ra không đủ để lo cho các con, người đàn ông bắt đầu chán nản, buồn rầu.
“Thời gian đó, thằng Phong như biến thành một người khác. Nó ít nói hẳn, con cái bỏ mặc cho bà nội, đi thâu đêm suốt sáng mới về. Không có tiền tiêu, Phong theo bạn đi cướp. Trong một lần “hành nghề” cướp túi xách người đi đường, Phong bị công an bắt.
Nó bị đi tù, có lẽ đó là quãng thời gian nó suy nghĩ lại cuộc đời. Cố gắng cải tạo tốt, 2 năm sau nó được thả. Ra tù, nhờ anh công an khu vực giúp đỡ, tìm việc làm nên Phong hoàn lương rất tích cực”, một người dân cho biết.
Sau khi hoàn lương, mỗi lần trong khu vực có người cần giúp đỡ, anh đều xung phong đi đầu. Tiền bạc không có anh giúp bằng sức lực, sự chân thành của mình.
Từ quá khứ “kẻ cướp”, anh bắt đầu trở thành “người hùng” bắt cướp của vùng. Chỉ cần nghe người dân tri hô cướp, anh nhanh chân đuổi theo đến cùng. Nhiều năm nay, anh Phong đã bắt được nhiều tên trộm, kẻ nghiện đi lang thang.
Nhờ anh mà nạn trộm cắp giảm trong hẻm, kẻ nghiện ít bén mảng đến khu vực. Rồi anh “đi bước nữa” với chị Đỗ Thanh Diệu (46 tuổi) để sẻ chia buồn vui trong cuộc sống.
Anh Huỳnh Tấn Hải (44 tuổi), em trai nạn nhân, chỉ tay vào hai đứa trẻ mặc áo tang, mắt sưng húp: “Anh tôi ra đi trong khi tâm nguyện vẫn chưa thực hiện hết. Anh luôn muốn hai đứa con được mang họ mình. Trước đây, vợ chồng anh sống không hôn thú nên con đều mang họ mẹ. Nhiều năm lặn lội làm thủ tục, anh mới làm lại được giấy tờ mang họ cha cho cô con gái cách đây vài tháng. Đang chờ làm cho đứa con trai chưa kịp thì…”./.