Theo phân tích của Tiến sỹ Nguyễn Thị Hường: với các nhà chuyên môn, người bị mắc bệnh tâm thần là người mất năng lực hành vi. Theo đó họ hoàn toàn không ý thức được việc mình làm, và lẽ dĩ nhiên họ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về việc đã gây ra. Nhưng từ góc nhìn xã hội học, rõ ràng không có sự “vô can“ của cộng đồng, xã hội và đặc biệt là gia đình.
Trước hết nói về trách nhiệm của gia đình với người mắc bệnh tâm thần. Gia đình là một thiết chế xã hội có vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách của mỗi cá nhân. Với những người bị bệnh tâm thần, gia đình càng có ý nghĩa đặc biệt. Tuy nhiên, thói quen coi nhẹ, đơn giản hóa mọi vấn đề với nhiều người Viêt Nam đã khiến không ít gia đình chỉ quan tâm và xử lý khi người bệnh “lên cơn”. Nghĩa là khi các hành vi bất bình thường của người bệnh phát lộ mà họ tri giác được. Và thông lệ , những người thân sẽ hoặc là đưa đến bệnh viện, hoặc là nhốt người bệnh vào một chỗ nào đó, hoặc cử người giám sát… Cánh giải quyết mang tính “tình thế“ về cơ bản tránh được hậu họa khi đó.
Nhưng những nguy hiểm tiềm ẩn rình rập chính là khi người bệnh ở trạng thái bình thường (đúng ra là có vẻ bình thường). Đôi khi sự vô tâm, chủ quan của những người trong gia đình đã trở thành tác nhân dẫn đến bao hậu quả đau lòng như câu chuyện cháu và bà nội bị kẻ tâm thần chém chết như ở Đồng Tháp. Sự vô tâm mà chúng tôi nói đến chính là việc thiếu chú ý đến những trạng thái tâm lý bất ổn của thủ phạm. Thậm chí do ức chế với những biểu hiện khác thường của người bệnh, nhiều người thân còn vô tình tạo áp lực, gây thêm ức chế cho người bệnh. Khi người bệnh sau đợt điều trị trở về với gia đình, sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc và sẻ chia của các thành viên trong gia đình sẽ là liều thuốc an thần quý giá với những con bệnh tâm thần, hoang tưởng. Trong bối cảnh những giá trị gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức, hơn bao giờ hết những người có khiếm khuyết, không có khả năng làm chủ bản thân rất cẫn sự hỗ trợ của những người thân.
Đối với cộng đồng xã hội, cần có sự bao dung, cảm thông với những người bị bệnh tâm thần. Tránh kì thị, đối xử thô bạo với họ. Cùng với gia đình, cộng đồng, mà chủ yếu là những người sống gần với người bệnh, tham gia giám sát, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường từ người bệnh. Tránh tình trạng bàng quan, thờ ơ vốn là ‘’’căn bệnh’ cũng khá trầm kha hiện nay.
Về phía nhà nước, cần tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, nhắc nhở các gia đình có người mắc bệnh trong việc điều trị căn bệnh, phối hợp với gia đình và cộng đồng cùng theo dõi, giám sát các hành vi của người bệnh. Hỗ trợ trong việc xử lý hậu quả do người bệnh gây ra. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư hợp lý đối vói các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần. Cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh còn cần sự đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng số giường bệnh. Nâng cao sức khỏe tâm thần cho người dân. Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến căn bệnh này tại các tuyến cơ sở. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên trong cộng đồng. Huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào hoạt động đầu tư, phòng và khám chữa bệnh… Sẽ còn cần nhiều giải pháp khác nhằm hạn chế và tiết giảm những hậu quả đau lòng do người mắc bệnh tâm thần gây ra với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Sát hại hai bà cháu hàng xóm
Trưa 21/8, một vụ án xảy ra trên địa bàn TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp khiến 2 người chết, một bị thương. Hung thủ được xác định là “người điên” Huỳnh Thanh Phong (SN 1979). Bà Trần Thị Lến (70 tuổi) và cháu nội Võ Hoàng Long (3 tuổi) đã tử vong ngay tại chỗ. Một người đàn ông cũng bị thương tích nghiêm trọng do hai vết chém vào đầu.
Theo người dân, hung thủ và những nạn nhân đáng thương này vốn không có xích mích hay bất cứ mâu thuẫn nào. Chỉ biết, trưa hôm đó, hung thủ mặt mày đằng đằng sát khí tay xách theo dao tìm đến nhà của bà Lến để gây án. Người thân của Phong còn chứng kiến trước khi gây án, Phong đã chặt đầu con chó trong nhà rồi lột da, vứt ra đường. Trong cơn loạn trí như thế, đối tượng này cầm dao múa máy dọa chém chết những ai mà hắn trông thấy. Người thân của Phong quá hoảng loạn không biết xử trí thế nào nên bỏ chạy. Được đà, Phong càng trở nên điên cuồng xách dao chạy khắp nơi và gây nên tai họa.
Đoạt mạng bốn người thân
Trước đó, khoảng 22h ngày 2/8, tại xã Phượng Hoàng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đã xảy ra vụ án mạng thảm khốc làm 4 người chết. Hung thủ nhanh chóng được xác định là Phạm Duy Quý (SN 1993). Các nạn nhân chính là bố mẹ đẻ, bà nội và chị họ của Quý. Được biết, Quý ở địa phương vốn là người hiền lành, chưa có tiền án, tiền sự. Bình thường không gây gổ với ai. Khi đi học tại hệ cao đẳng một trường đại học do có vấn đề về đầu óc nên gia đình cho về. Ở nhà Quý không giao tiếp với bạn bè, chỉ sống với gia đình. Theo công an xã, Quý là đối tượng nghiện game và có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Nguyên nhân vì sao Quý truy sát gây ra cái chết của 4 người thân đang được làm rõ.
Theo cơ quan điều tra, đối tượng Quý bị bệnh tâm thần được khoảng 2 năm. Trước đó, mẹ của Quý có người bạn thân làm bác sĩ, khi phát hiện Quý có dấu hiệu bị tâm thần phân liệt thì cũng đã khuyên bảo gia đình cho đi chữa bệnh. Nhưng một lý do nào đó chưa đi chữa bệnh được./