Người tiêu dùng khó phân biệt chất lượng thực phẩm. |
Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn
Ngày 16/10, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phát hiện 3 vụ vận chuyển thực phẩm trái phép và tịch thu 368 kg sản phẩm động vật, trong đó có 200 kg thịt gà; 112 kg thịt heo; 55 kg lòng heo, gà. Hàng hóa vi phạm không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch chuyển từ hướng Đồng Nai về TP.HCM tiêu thụ.
Trước đó, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện xe tải biển số 92C-00777 chở 27 con heo đã giết mổ và 53 con heo sữa không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Số heo trên không có dấu kiểm soát giết mổ, nhiều con có dấu hiệu xuất huyết trên da trước khi giết mổ. Trạm cũng vừa phát hiện, ngăn chặn kịp thời xe khách biển số 28H-5941 chở 32 con heo sữa, trọng lượng 199 kg, không có dấu kiểm soát giết mổ, một số đã bốc mùi, một số xuất huyết trên da do mắc bệnh trước khi giết mổ, từ Ninh Bình trên đường đổ hàng vào chợ đầu mối Thủ Đức.
Hồi đầu tháng, tại quận 6, Chi Cục QLTT TP.HCM phát hiện một kho chứa thực phẩm khô do Trung Quốc sản xuất nhập lậu. Hàng lậu bị phát hiện gồm bột ngọt, rong biển khô, số lượng lên đến 21 tấn, trị giá gần 730 triệu đồng. Cũng ở địa bàn quận 6, cơ quan chức năng đã thu giữ 500 thùng bánh kẹo Trung Quốc nhập lậu tại kho hàng số 21 Nguyễn Xuân Phụng…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, bình quân mỗi ngày người dân thành phố tiêu thụ khoảng 11.000 con heo, 1.200 con trâu, bò; 225.000 con gia cầm và 110 con dê, cừu; trong đó các cơ sở chăn nuôi của TP.HCM chỉ cung cấp cho thị trường được khoảng 20-25% số thực phẩm này, số còn lại nhập từ các nguồn khác.
Hàng ngoại cũng không an toàn
Do không chủ động được nguồn cung thực phẩm, người dân TP.HCM mỗi ngày tiêu thụ với số lượng lớn thực phẩm không do mình sản xuất, trong khi không thể kiểm soát được chất lượng, an toàn, vệ sinh sản phẩm. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cả nước hiện có 29.281 cơ sở giết mổ, trong đó chỉ có 996 cơ sở được quản lý chặt, chiếm 3,4%. Kết qủa kiểm tra năm 2010, có đến 61% cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, chủ yếu là nhiễm coliform, ecoli và samonella.
Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu 85.249 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó sản phẩm gia cầm nhập khẩu chiếm 83%, tương đương trên 71.000 tấn; thịt heo và trâu bò, dê, cừu chiếm tỷ lệ 7% và 8,9%. Giá thịt các loại tại thị trường Việt Nam hiện đang giảm khoảng 25%-33%. Tuy nhiên thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, từ nay tới hết năm vẫn tiếp tục đề nghị nhập khẩu thêm khoảng 30.000 - 35.000 tấn thịt, chủ yếu là gia cầm, nâng tổng lượng thịt các loại nhập khẩu lên 120.000 tấn trong cả năm 2011.
Tuy nhiên, không chỉ thực phẩm sản xuất trong nước kém chất lượng, bị ôi thiu, thực phẩm nhập khẩu gần đây cũng có vấn đề về chất lượng, đặc biệt là hàng thứ cấp phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng bình dân, như: cổ, cánh, chân gà, nội tạng động vật.
Từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân TP.HCM tăng mạnh, đây cũng là dịp để các loại thực phẩm bẩn thẩm lậu vào thị trường. Theo ông Đặng Văn Đức, Chi Cục trưởng QLTT TP.HCM, các lực lượng chức năng của thành phố sẽ tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ mình.
Mị Na