Người đàn ông kỳ lạ khiến cả nước Mỹ ngỡ ngàng

Người đàn ông kỳ lạ khiến cả nước Mỹ ngỡ ngàng
Ông Trump đã chiến thắng vang dội trong mùa bầu cử tổng thống lạ thường, nhiều tranh cãi và tai tiếng nhất trong lịch sử Mỹ.

Ngày 16/6/2015, Trump cùng người vợ Melania bước xuống thang cuốn và tiến vào phòng họp báo ở Tháp Trump để tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ. "Tôi chính thức chạy đua vào chức tổng thống Mỹ và chúng ta sẽ khiến đất nước vĩ đại trở lại".

Trong tuyên bố mở đầu, Trump khẳng định: "Đáng buồn thay, Giấc mơ Mỹ đã chết. Nếu tôi đắc cử, tôi sẽ khôi phục nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Trong hơn một năm tranh cử, Trump phải cạnh tranh với 16 ứng viên khác, bao gồm nhiều nhân vật danh giá của đảng Cộng hòa. Cựu thống đốc Jeb Bush (em trai Tổng thống Bush "con"), Thượng nghị sĩ đang lên Ted Cruz, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham... đều đã tuyên bố tranh cử trước Trump.

Tuy nhiên, Trump lần lượt đánh gục từng đối thủ qua các kỳ bầu cử sơ bộ. Tuy về nhì trong cuộc bỏ phiếu ở bang Iowa ngày 1/2 (nơi đầu tiên trên cả nước tổ chức bầu cử sơ bộ), Trump chiến thắng áp đảo ở bang quan trọng hơn là New Hampshire.

Sau cuộc bầu cử ngày 20/2, ông Jeb Bush tuyên bố rời cuộc đua, kết thúc tham vọng thành viên thứ 3 trong gia tộc Bush trở thành ông chủ Nhà Trắng. Vào ngày này, tỷ lệ ủng hộ dành cho Trump hơn gấp 4 lần so với ông Bush (32,5% so với 7,8%).

Vào Ngày Siêu thứ 3 lần một (ngày 1/3), Trump giành chiến thắng ở 7/11 bang. Đến ngày Siêu thứ 3 lần hai (ngày 15/3), Trump gần như càn quét tất cả điểm bầu cử khi thắng áp đảo ở 4/5 bang.

Giai đoạn giữa tháng 3 cho đến đầu tháng 5 chứng kiến cuộc đua chỉ còn diễn ra ở ba ứng viên là ông Trump, nghị sĩ Cruz và thống đốc Kasich.

Cho đến đêm 3/5, khi nhận thấy không còn triển vọng thay đổi tình thế, ông Cruz tuyên bố kết thúc chiến dịch. Ngay trong đêm đó, chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus tuyên bố Trump gần như trở thành ứng viên tổng thống chính thức của đảng.

Sau quá trình chọn ra người đại diện đảng, một ứng viên tay ngang như Trump đã lập nên kỷ lục là người nhận được nhiều phiếu bầu nhất nhất trong giai đoạn bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa: 13 triệu phiếu. Ông đã phá vỡ kỷ lục do Tổng thống George W. Bush từng lập được vào năm 2000.

Một trong những nội dung đáng chú ý từ phát biểu của Trump là khi vị tỷ phú khẳng định sẽ dùng tiền túi để trang trải cho chiến dịch tranh cử. Do vậy, Trump nói ông sẽ không bị ảnh hưởng từ bất kỳ nhóm vận động hành lang hay nhà tài trợ nào.

Trên thực tế, Trump vẫn vận động gây quỹ và trở thành một trong những ứng viên "ít tiền nhất" trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ. Tính đến cuối tháng 9, Trump gây quỹ được tổng cộng 163 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với 449 triệu USD của bà Clinton.

Đối với các đảng viên cao cấp của đảng Cộng hòa, điều họ lo lắng từ lâu nay đã trở thành hiện thực, khi một ứng viên ngoại đạo như Trump lại trở thành người dẫn dắt toàn đảng bước vào cuộc đua giành ghế tổng thống.

Họ thậm chí đã từng tính đến chuyện đồng lòng dồn sức cho một ứng viên khác để đánh bại Trump, nhưng kế hoạch bất thành.

Ngày 19/7/2016, Trump chính thức trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ.

Sau hơn một năm, Trump đã vượt qua 16 đối thủ với một hành trình tranh cử ồn ào chưa từng có để được một chính đảng đề cử. "Tôi sẽ nỗ lực hết mình và sẽ không để các bạn phải thất vọng. Nước Mỹ là trên hết", Trump nói.

Tuy bị xem là người ngoại đạo ngay từ đầu, Trump khiến toàn nước Mỹ ngỡ ngàng khi ung dung giành lấy đề cử chính thức của đảng Cộng hòa để bước thẳng vào cuộc đua cuối cùng.

Kết thúc giai đoạn bầu cử sơ bộ, sau khi vị tỷ phú trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa, nhiều người kỳ vọng ông sẽ tỏ ra nghiêm túc hơn, phát ngôn chín chắn và cẩn trọng hơn, hoặc ít nhất sẽ kiềm chế và thay đổi để chứng tỏ với cử tri rằng ông có phong thái của một nhà lãnh đạo.

Tuy nhiên, kỳ vọng nhiều thì thất vọng nhiều. Trump không những không thay đổi mà còn quyết liệt và hung hãn hơn. Ông không ngại chỉ trích bất kỳ ai, dù là đối thủ hay người cùng đảng.

Trump còn công khai xúc phạm gia đình một người lính hy sinh trên chiến trường Iraq; bình phẩm tục tĩu về phụ nữ; châm chọc người khuyết tật; chỉ trích một thẩm phán vì có tổ tiên là người Mexico; mời gọi nước các nhóm tin tặc Nga tấn công vào nước Mỹ...

Vào giai đoạn nước rút của cuộc đua, New York Times và Washington Post, hai tờ báo uy tín và ảnh hưởng lớn ở Mỹ, lần lượt phanh phui ra các bê bối nghiêm trọng nhất của Trump.

Đó là thông tin Trump báo lỗ gần 1 tỷ USD để tránh phải đóng thuế thu nhập gần 20 năm, và đoạn video ghi lại những lời nói tục tĩu của Trump đối với phụ nữ. Hai sự cố này khiến chiến dịch của Trump như xuống dốc không phanh.

Các cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên tổng thống Mỹ thường là cơ hội để mỗi người phân tích ưu điểm trong những chính sách của họ so với đối thủ. Tuy nhiên, ba vòng tranh luận vừa qua đều trở thành những đêm khẩu chiến vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Mỹ, mà xuất phát từ hàng loạt trò bẩn và chiêu tấn công cá nhân do Trump mang lại.

Sau mỗi vòng tranh luận, Trump thể hiện bản thân là một người không thể kềm chế, dễ mất bình tĩnh khi bị kích động, sự thiếu kinh nghiệm về các vấn đề chung nên chỉ loay hoay công kích bê bối của đối thủ.

Dù liên tục hứng đòn từ Trump và bị vị tỷ phú ngắt lời, các tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Clinton theo đà tăng dần sau mỗi phiên tranh luận. Một số thăm dò công bố cuối tuần qua cho thấy tỷ lệ cách biệt giữa các ứng viên đã gia tăng đến hai con số, như ABC News ngày 22/10 cho biết bà Clinton dẫn trước Trump 12 điểm.

Trong đêm tranh luận cuối cùng, Trump khiến nhiều người lo sợ về một nguy cơ xung đột bạo lực và đe dọa quá trình chuyển tiếp hậu bầu cử do ứng viên đảng Cộng hòa từ chối khẳng định công nhận kết quả bỏ phiếu. Trên thực tế, đây là điều được lường trước sau một thời gian dài vị tỷ phú nỗ lực cáo buộc cuộc bầu cử được dàn xếp và có gian lận.

Chiêu này của Trump được tung ra vì có thể ông cũng tiên đoán được thất bại trong cuộc đối đầu cuối cùng ngày 8/11. Do vậy, tố cáo gian lận là cách để lôi kéo cử tri, đồng thời phủ nhận giá trị từ chiến thắng của bà Clinton.

Khi phát biểu trước cử tri ngày 21/10 tại North Carolina, Trump vẫn tỏ ra tự tin khẳng định "chúng ta sẽ chiến thắng". Nhưng ông cũng lần đầu đề cập khả năng "nếu tôi thất bại" một cách ngập ngừng, cho rằng một thất sẽ khiến chiến dịch ròng rã hơn cả năm qua trở thành "trò lãng phí thời gian" và tiền túi.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 được kỳ vọng mang đến sự thay đổi cho nước Mỹ và ông Trump phần nào đại diện cho những thay đổi đó. Đây chính là lý do giúp ông Trump giành thắng lợi trước các ứng cử viên xứng đáng khác của đảng Cộng hòa và có hàng chục triệu cử tri trung thành.

Với một ứng viên kỳ lạ như Trump, lẽ ra bà Clinton có thể ung dung dẫn trước một cách dễ dàng nhưng ông Trump đã thắng ở những bang chiến trường quan trọng mà trước đó các thăm dò thường đứng về bà Clinton. Florida, Ohio, North Carolina... đều bỏ phiếu cho ông Trump. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.