Hôm qua (12/10), tại tọa đàm đánh giá tình hình thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) do Bộ Tư pháp tổ chức, các đại biểu đều đánh giá cao ý nghĩa, tác động tích cực của Luật đối với đời sống xã hội, tuy nhiên, cũng thẳng thắn phản ánh một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Luật.
Các đại biểu tham dự tọa đàm |
24 tỉnh, thành phố chưa phát sinh yêu cầu bồi thường
Điểm lại tình hình và kết quả triển khai Luật TNBTCNN trong gần 3 năm qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết: Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật có hiệu lực (ngày 1/1/2010) đến ngày 30/9/2012, các cơ quan có TNBT đã thụ lý 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 122 vụ việc. Tổng số tiền mà các cơ quan có TNBT đã chi trả là hơn 16 tỷ đồng. Trong số các vụ việc đã giải quyết bồi thường, có 4 vụ việc cơ quan có TNBT đã thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với cán bộ, công chức.
Phó Vụ trưởng Vụ 1 (VKSNDTC) Nguyễn Duy Giảng khẳng định, việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong ngành KSND 3 năm vừa qua không có vấn đề vướng mắc lớn. Số vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của ngành đã được tiếp nhận, thụ lý là 65 trường hợp, trong đó đã kiểm tra, thẩm định và đề nghị cấp kinh phí bồi thường 60 trường hợp với tổng số tiền bồi thường gần 6,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) Trần Vi Dân, đến nay Bộ mới giải quyết bồi thường 2 trường hợp với số tiền 180,5 triệu đồng. Tương tự, Bộ Tài chính cũng chỉ tiếp nhận có 7 trường hợp, đã giải quyết 5 trường hợp và các công chức liên quan đã hoàn trả 19 triệu đồng tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước…
Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục BTNN (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh, cơ quan có TNBT trong hoạt động quản lý hành chính chủ yếu phát sinh ở địa phương và có tới 24 tỉnh, thành phố chưa phát sinh vụ việc yêu cầu BTNN. Đánh giá bước đầu cho thấy, ở các địa phương này, thực tế không phải là không có các trường hợp thiệt hại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN mà do người bị thiệt hại gặp khó khăn trong thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Một trong những nguyên nhân được nhiều đại biểu chỉ ra là, Điều 4 Luật TNBTCNN nêu rõ người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Như vậy, quy định trên đã đặt thêm thủ tục đối với người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình.
Tính toán lại thời hiệu để lợi cho dân
Luật TNBTCNN quy định, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ ngày có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. “Quy định này là không hợp lý theo nguyên tắc tính thời hiệu thông thường. Việc tính thời hiệu từ thời điểm ban hành văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là gây bất lợi cho người bị thiệt hại” – bà Phùng Thị Hoàn (Viện Khoa học xét xử, TANDTC) nhấn mạnh. Vì trên thực tế có những trường hợp người bị thiệt hại không nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật hoặc khi nhận được thì văn bản này đã hết thời hiệu, khiến yêu cầu bồi thường của họ không được thụ lý.
Từ đó, bà Hoàn kiến nghị cần sửa đổi theo hướng: Đối với văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là bản án, quyết định của tòa án hoặc những văn bản có xác định thời điểm có hiệu lực thi hành không phải là ngày ban hành văn bản thì thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường là 2 năm kể từ ngày bản án, quyết định hoặc văn bản đó có hiệu lực thi hành.
Trường hợp văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là các văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm có hiệu lực thi hành là ngày ban hành văn bản thì thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường là 2 năm kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được văn bản.
Thục Quyên