Theo Sở Khoa học & Công nghệ Hải Dương, ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Hàng năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất.
Các sản phẩm như túi nhựa, cốc nhựa, chai nhựa… khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vì vậy, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu thậm chí là cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, coi rác thải nhựa cũng là một nguồn tài nguyên cần chú trọng.
Đoàn công tác của Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Hải Dương trong một buổi đi kiểm tra rác thực tế trên địa bàn tỉnh. |
Điển hình như ở Kenya, họ đã chế tạo ra gạch lát vỉa hè từ rác thải nhựa (được nghiền nhỏ) trộn với cát ở 350 độ C, sau đó dùng một máy ép để nén ép tổ hợp lại. Tại Bờ Biển Ngà, những viên gạch được làm từ 100% nhựa có khả năng chống cháy, rẻ hơn 40% và nhẹ hơn 20%, dễ lắp ráp, có độ bền lâu hơn so với gạch thông thường.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nilon hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Nguồn rác thải nhựa thải ra tới gần 1,8 triệu tấn/năm đã và đang gây ra hàng loạt vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất…
Vì vậy, các biện pháp tận dụng, tái chế rác thải nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về môi trường – phát triển bền vững – mục tiêu mà mọi quốc gia đều mong muốn hướng đến. Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa hiện nay còn nhiều hạn chế, 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn lấp, thiêu huỷ…và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Phương pháp thiêu huỷ ngoài tạo ra năng lượng điện nhưng sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí, đời sống xã hội và tạo ra một lượng lớn tro. Do tính chất khó phân huỷ, ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của đất…
Do đó, việc sử dụng rác thải nhựa vào làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng không chỉ góp phần vào việc xử lý rác thải hiệu quả mà còn tạo được sản phẩm thiết thực cho ngành xây dựng nói chung.
Rác thải ở một địa phương trên địa bàn tỉnh đang được cán bộ của Sở Khoa học & Công nghệ Hải Dương chụp lại để về phân tích, lấy mẫu... |
Ở Việt Nam, tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện chỉ trong năm 2021 là khoảng hơn 16 triệu tấn. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (chiếm 64%), miền Trung (chiếm 25%) và miền Nam (chiếm 11%) tổng lượng thải. Theo Bộ Xây dựng, tình hình xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các đơn vị có xu hướng gia tăng theo thời gian.
Còn tại Hải Dương, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại trung bình mỗi ngày thải ra khoảng 3.000 tấn tro xỉ, trong đó 30% là than chưa cháy hết, còn lại là tro bay rất mịn. Việc phải chuẩn bị một quỹ đất để làm bãi chứa cho lượng tro xỉ này là một thách thức lớn.
Đối với công tác xử lý rác thải, mặc dù tại Hải Dương cũng đã có một số nhà máy xử lý rác, tuy nhiên sử dụng các công nghệ khác nhau. Trong quá trình thiêu hủy rác thải lại thải ra môi trường lượng lớn tro (khoảng 20-30% lượng rác xử lý) và khí thải.
Hiện nay, lượng tro của các nhà máy này chủ yếu xử lý bằng chôn lấp, gây ảnh hưởng đến môi trường đất và nước. Nếu kết hợp được tro đáy và rác thải nhựa của các nhà máy này tạo ra các sản phẩm hữu ích như gạch, ngói… sẽ làm tăng hiệu quả xử lý môi trường, kinh tế và thu hút được sự quan tâm, đầu tư của các cấp.
Sở Khoa học & Công nghệ Hải Dương đã khảo sát thực tế, nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước về việc sử dụng tro của các nhà máy nhiệt điện, rác thải nhựa, công nghệ xử lý rác của các nhà máy tại Hải Dương, chưa có nghiên cứu nào sử dụng rác thải nhựa tro của nhà máy nhiệt điện, nhà máy xử lý rác để tạo ra các sản phẩm hữu ích, ứng dụng vào cuộc sống.
Vì vậy, nếu đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất gạch từ nhựa nhiệt dẻo phế liệu kết hợp với tro của các nhà máy xử lý rác và nhiệt điện nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu và triển khai ứng dụng sẽ tạo ra các sản phẩm mới như gạch lát, gạch lắp ghép, ngói... Từ đó, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm khí thải CO2, đồng thời phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh tái chế bền vững.
Được biết, đề tài này của Sở Khoa học & Công nghệ Hải Dương đã được UBND tỉnh Hải Dương xét duyệt, lựa chọn đơn vị chủ trì và thực hiện là trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hiện đơn vị này đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nghiên cứu công nghệ và đưa vào sản xuất thử 2 loại: gạch lát và gạch lắp ghép..