Cần đổi mới cơ cấu tổ chức của Bộ
Báo cáo Lãnh đạo Bộ về tình hình triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế, Q.Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái cho biết, Vụ đã tiếp thu, thể hiện chức năng theo dõi thi hành pháp luật vào nội dung Dự thảo Nghị định, các chức năng khác cơ bản không thay đổi. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ cơ bản kế thừa các quy định của Nghị định 22, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ cho phù hợp với các văn bản hiện hành và bổ sung một số nhiệm vụ mới được giao như Thừa phát lại, quản tài viên và hành nghề quản lý thanh lý tài sản...
Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả chính là cơ cấu tổ chức. Theo đó, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như hiện nay, có nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số đơn vị mới được thành lập sau Nghị định 22 và chuyển đổi mô hình hoạt động của Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Kế hoạch - Tài chính. Một số ý kiến khác đồng tình với kiến nghị trên nhưng cho rằng, cần phải đổi mới cơ cấu tổ chức của Bộ theo hướng thành lập một đơn vị chịu trách nhiệm chung về xây dựng pháp luật trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ.
Cũng qua quá trình thảo luận, có ý kiến đề xuất cần phải nghiên cứu cơ cấu lại các phòng chuyên môn thuộc Vụ nhằm tinh gọn, tránh trung gian, chồng chéo, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc và yêu cầu cải cách hành chính.
Dựa trên Danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ Tư pháp đã được Bộ Nội vụ phê duyệt hoặc số lượng biên chế theo Đề án vị trí việc làm của đơn vị đã được Hội đồng thẩm định của Bộ phê duyệt, ông Thái cho biết, Vụ dự kiến thành lập phòng theo tiêu chí Vụ có nhiều mảng công tác, tiêu chí Vụ có khối lượng công việc lớn. Trong đó, có thể giảm 1 phòng của mỗi Vụ: Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Pháp luật hình sự - hành chính, Pháp luật dân sự - kinh tế, Pháp luật quốc tế, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, Phổ biến giáo dục pháp luật.
Mạnh dạn rà soát các đơn vị quản lý đơn lĩnh vực
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ nhận định, việc thành lập một đơn vị chịu trách nhiệm chung về xây dựng pháp luật trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ sẽ gọn đầu mối trong các đơn vị thuộc Bộ, phù hợp với yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp... Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và thời gian xây dựng Dự thảo Nghị định là rất khẩn trương thì cần có thêm thời gian nghiên cứu thấu đáo, cân nhắc kỹ mô hình của đơn vị xây dựng pháp luật.
Các Thứ trưởng Lê Tiến Châu và Trần Tiến Dũng đề nghị rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp như bổ sung chức năng cải cách pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật cho các bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền hay cân nhắc nhiệm vụ xây dựng tủ sách pháp luật, hương ước trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin.
Liên quan đến đơn vị chung về xây dựng pháp luật, Thứ trưởng Châu cho rằng cần giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Viện Khoa học pháp lý nghiên cứu tiếp tục như một nhiệm vụ pháp luật. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng quan niệm, nếu vẫn trình vấn đề này thì phải làm sâu sắc hơn nữa. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc lại yêu cầu rà soát các đơn vị quản lý đơn lĩnh vực để có thể sắp xếp mạnh dạn, gọn hơn.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhất trí với nhiều đề xuất về chức năng, nhiệm vụ nêu trên nhưng yêu cầu phải lý giải được sự phù hợp. Bộ trưởng vẫn đề nghị nghiên cứu trình phương án thành lập đơn vị chung về xây dựng pháp luật và chỉ đạo làm rõ mối quan hệ giữa chuyển đổi Cục Kế hoạch - Tài chính trong mối quan hệ với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng.