Bộ luật hình sự (BLHS) dành hẳn một chương quy định về trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tuy nhiên thực tiễn áp dụng các quy định này thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn, bất cập.
Một trong những nguyên nhân chính là do một số quy định về tội phạm môi trường chưa được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là sự thiếu thống nhất trong việc xác định rõ ranh giới giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự, cũng như phân loại mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để áp dụng các chế tài cho hợp lý, chính xác. Việc xây dựng Thông tư liên tịch tới đây sẽ tháo gỡ vấn đề này.
Ảnh minh họa |
Quá khứ nhập nhèm ranh giới hành chính – hình sự
Để nghiêm trị tội phạm môi trường, một loại tội phạm mới và ngày càng trở nên phổ biến, BLHS sửa đổi năm 2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 đã quy định 11 tội danh về tội phạm môi trường. Mức phạt tiền trong các tội danh này cũng được quy định theo hướng tăng nặng hơn quy định cũ. Những tưởng đây là “gậy Như Ý” trừng phạt tội phạm môi trường nhưng thực tế lại không như vậy.
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C36), mỗi năm toàn lực lượng phát hiện khoảng 5 - 6 ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tuy nhiên việc xử lý hình sự chỉ dừng lại ở con số hơn 100, thậm chí có năm chỉ vài chục. Ngoài lý do tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện thì việc không thể xử lý hình sự theo nhận định của nhiều chuyên gia là do luật “nhập nhèm”.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C36 cho rằng các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS về tội phạm môi trường hiện nay đang rất thiếu. Các khái niệm cơ bản như “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn…” lại chưa được làm rõ dẫn đến việc khó áp dụng. Nói về những hậu quả nghiêm trọng do loại tội phạm này gây ra, tướng Lý ví von: “Tội phạm hình sự cướp của, giết người sẽ bị tử hình nhưng tội phạm trong lĩnh vực môi trường giết cả thế hệ chỉ phạt 500 triệu đồng là xong. Chính vì vậy mà tội phạm môi trường ngày càng nhiều”.
Chính vì những bất cập trong quy định của pháp luật mà nhiều vụ việc bị “bỏ qua”, không được xử lý hoặc chỉ xử lý về hành chính trong khi mức độ vi phạm đáng phải xử lý về hình sự. Đơn cử là vụ việc của Công ty Vedan. Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải ra sông Thị Vải tới 5.000 m3/ngày, diễn ra từ năm 1994, khi Vedan mới bắt đầu hoạt động. Sau nhiều lần thanh kiểm tra, thương thảo, dư luận tốn không ít thời gian, công sức cho vụ việc này, cuối cùng Vedan mới chịu phạt hơn 200 triệu và bị truy thu trên 120 tỷ phí bảo vệ môi trường, một kết thúc khá “nhẹ nhàng”. Hành vi nguy hiểm thì đã rõ nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở xử lý hành chính.
Vấn đề này, Bộ Tư pháp nhận định: “Thực tiễn các hành vi vi phạm môi trường ngày càng gia tăng với hình thức và mức độ ngày càng tinh vi, xảo quyệt, và việc áp dụng các điều khoản của BLHS để xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng vẫn còn hết sức lúng túng”.
Công ty Vedan hàng chục năm đầu độc môi trường |
“Đo” mức độ vi phạm bằng tính mạng, sức khỏe con người
Về việc xác định mức độ hậu quả của hành vi phạm tội gây ra đối với môi trường, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Thông tư liên tịch tới đây cần cụ thể hóa các mức độ hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra; không nên sử dụng những từ ngữ định tính như “bị thay đổi cơ bản”, “gây ảnh hưởng xấu”…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc xác định hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng khác hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác bằng tính mạng, sức khỏe con người là chưa hợp lý và rất khó xác định, vì hậu quả do hành vi phạm tội về môi trường gây ra không thể xảy ra ngay lập tức với sức khỏe, tính mạng con người mà cần một khoảng thời gian tương đối dài, có thể là 5 - 10 năm thì hậu quả này mới xảy ra. Như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng đã hết.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng, hậu quả trực tiếp do các hành vi phạm tội về môi trường gây ra chính là đối với môi trường sinh thái, còn hậu quả khác do hành vi này gây ra có thể xác định chính là đối với tính mạng, sức khỏe con người.
Trong thực tế, cũng có nhiều trường hợp tính mạng, sức khỏe con người bị ảnh hưởng ngay lập tức do hành vi phạm tội về môi trường gây ra, có những trường hợp hậu quả đối với tính mạng, sức khỏe con người chỉ xảy ra sau một thời gian dài.
Hơn nữa, “gây hậu quả nghiêm trọng khác” là một yếu tố định tội, nếu dự thảo không hướng dẫn yếu tố này thì sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xác định dấu hiệu phạm tội của hành vi vi phạm. Do vậy, dự thảo Thông tư vẫn giữ nguyên việc xác định hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng khác hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác bằng tính mạng, sức khỏe con người.
Để thuận lợi cho việc áp dụng, dự thảo Thông tư đã hướng dẫn cụ thể từng dấu hiệu cấu thành tội phạm, yếu tố định tội, định khung hình phạt của mỗi điều luật. Khi hướng dẫn tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, dự thảo văn bản đã xác định cụ thể từng mức độ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra đối với môi trường. Về việc xác định môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng tại một số tội, như tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại, tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường, dự thảo đã căn cứ vào hướng dẫn mức độ ô nhiễm môi trường được quy định tại Luật bảo vệ môi trường.
Cụ thể, dự thảo xác định môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng khi thuộc một trong các trường hợp: Hàm lượng của một hoặc nhiều hóa chất, kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 3 - dưới 5 lần; hàm lượng của một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm khác vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 5 - dưới 10 lần. Việc định lượng cụ thể này sẽ giúp cho cơ quan tố tụng có cơ sở rõ ràng để truy tố các hành vi phạm tội về môi trường mà không còn phải lúng túng như khi chưa có hướng dẫn.
Trích Dự thảo Thông tư hướng dẫn Điều 182 BLHS về tội gây ô nhiễm môi trường: Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác là gây tổn hại về sức khỏe hoặc thiệt hại về tài sản thuộc một trong các trường hợp sau: a) Làm chết người; b) Gây tổn hại cho sức khoẻ của từ 5 người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của từ 5m người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 11% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; đ) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; e) Gây hậu qủa nghiêm trọng được hướng dẫn tại khoản 4 Điều này và còn thực hiện một trong các hành vi: chống người thi hành công vụ; gây thương tích cho người thi hành công vụ; đập phá nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiên của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ môi trường mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội độc lập. |
Trung Hiếu